Hà Đức Long
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại nói chung và trong lý luận triết học nói riêng là một vấn đề có
tính quy luật phát triển triết học mácxít. Ở nước ta hiện nay, những hậu thuẫn
cả bên trong và bên ngoài cho nảy sinh, phát triển và sự chống phá của chủ
nghĩa cơ hội, xét lại rất lớn.
Do đó, vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội,
xét lại đang nổi lên có tính chất cấp bách hiện nay, nó liên quan trực tiếp đến
sự sống còn của dân tộc, chế độ chính trị, sự lãnh đạo của Đảng và sự trường
tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa cơ hội, xét lại
xuất hiện trong lịch sử gắn liền với tiến trình phát triển của chủ nghĩa Mác -
Lênin. Chủ nghĩa cơ hội, xét lại bắt nguồn từ những tiền đề tư tưởng khác nhau,
nhưng có thể khái quát trên một số hướng cơ bản như sau: Một là, chủ nghĩa cơ hội, xét lại sinh ra từ chủ nghĩa duy tâm,
siêu hình bị các nhà lý luận mácxít phê phán, bóc trần bản chất và họ tìm đến
một hướng, một hình thức chống phá mới là cải lương thỏa hiệp. Hai là, một số những nhà lý luận đã từng
là nhà mácxít, nhưng không giữ vững bản lĩnh chính trị, tự sa ngã hoặc bị giai
cấp tư sản mua chuộc và phản bội lại tư tưởng các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác -
Lênin. Ba là, chủ nghĩa cơ hội, xét
lại là hệ thống các quan điểm của giai cấp tiểu tư sản gắn với xu hướng cải
lương, thỏa hiệp ngay từ đầu và cuối cùng cũng đến với tư tưởng giai cấp tư sản
chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong quá trình phát triển lý luận triết học
của mình, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin liên tục phải đấu tranh chống
chủ nghĩa cơ hội, xét lại và đã giành những thắng lợi rực rỡ. Tuy nhiên, tư
tưởng của chủ nghĩa cơ hội, xét lại vẫn còn mần mống và phát triển với các sắc
thái khác nhau cho đến ngày nay.
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại trong lý luận triết học là hoạt động khoa học, cách mạng ở
phương diện thế giới quan, phương pháp luận. Để có thể giành thắng lợi trong
đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong lý luận triết học cần tiếp cận
đúng góc độ, vạch chỉ và luận chứng một cách khoa học những cơ sở hình thành,
xu hướng phát triển, cách thức chống phá, tính chất phản động về chính trị.
Theo đó, có thể tiếp cận vấn đề này ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong lý luận triết học là quá
trình vạch ra, phê phán tính chất duy tâm, siêu hình và phản động về chính trị
hiện nay.
Mục đích cơ bản của chủ
nghĩa cơ hội, xét lại là chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin cả về mặt khoa học và
về mặt chính trị. Ở phương diện tiếp cận này phải chỉ ra được thế giới quan duy
tâm, phương pháp siêu hình và sự phản động về chính trị của chủ nghĩa cơ hội,
xét lại có căn cứ khoa học.
So với các thế lực chống
phá khác, chủ nghĩa cơ hội, xét lại luôn tìm cách ẩn dấu duy tâm, siêu hình và
phản động chính trị một cách tinh vi khó nhận thấy, thậm chí còn là giả danh
mácxít. Hướng tập trung của đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện nay
là phải vạch rõ sự trá hình, ẩn dấu duy tâm, siêu hình và phản động về chính
trị của nó. Cần đứng vững trên lập trường triết học mácxít và bản lĩnh chính
trị Đảng Cộng sản để có cơ sở và thái độ đúng đối với đấu tranh phê phán chủ
nghĩa cơ hội, xét lại hiện nay. V.I. Lênin khẳng định: “…không có một lập
trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững
được sự thống trị của mình và do đó,
cũng không thể nào hoàn thành được nhiệm
vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất”[1].
Trên cơ
sở đó, xác định một cách cụ thể tiêu chí nhận biết bản chất chủ nghĩa cơ hội,
xét lại hiện nay có tính khoa học. Trong sự nghiệp của mình, V.I. Lênin đã khái
quát tiêu chí đó là: “Kẻ nào chỉ thừa
nhận đấu tranh giai cấp không thôi, thì kẻ đó vẫn vẫn chưa phải là một người
mác - xít, kẻ ấy có thể vẫn chưa thoát ra khỏi khuôn khổ tư tưởng tư sản và
chính trị tư sản. Đóng khung chủ nghĩa Mác trong thuyết đấu tranh giai cấp là
cắt xén, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, thu nó lại thành cái mà giai cấp tư sản có
thể chấp nhận được. Chỉ người nào mở rộng việc thừa nhận đấu tranh giai cấp đến
mức thừa nhận chuyên chính vô sản thì mới là người mác xít…. Chính phải dùng
viên đá thử vàng ấy mà thử thách sự hiểu biết thật sự và thừa nhận thật sự chủ
nghĩa Mác”[2].
Tiêu chí trong tư tưởng của V. I. Lênin nổi lên hai mặt của một vấn đề thống
nhất với nhau, một là, ở mặt tri thức, hai là ở mặt lập trường chính trị cách
mạng. Hiện nay, tiêu chí ấy phải được cụ thể hóa là: khẳng định sự độc tôn lãnh
đạo của Đảng đối với thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh; thừa nhận Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; giữ vững định hướng XHCN
trong kinh tế thị trường; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc… là hoàn toàn
đúng đắn. Tất cả những quan điểm trái với những nội dung trên đều phải được xem
xét và phê phán.
Qua những tiêu chí trên
chúng ta có thể nhận biết được những quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, xét lại
hiện nay. Vôncôgônốp, nhà triết học mácxít thời Liên Xô và hiện nay tuyên bố:
trên đời này còn có những giá trị chung của nhân loại cao quý hơn, gần gũi hơn,
đáng trân trọng hơn những định đề giai cấp. Hoặc, một số trí thức người Việt
Nam như Hoàng Minh Chính, Hà Sỹ Phu, Bùi Tín, v.v. là những người có tri thức,
thậm chí họ là những người có hiểu biết khá sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin,
nhưng do phản động về chính trị, nên họ rơi vào chủ nghĩa cơ hội xét lại. Đây
là biểu hiện mới của chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong lịch sử mà đại biểu là Lát
xan, E. Becstanh, C. Cauxky, v.v..
Phải khái quát và luận
giải từ tính hiện thực về sự phát triển thiên lệch tri thức khoa học cụ thể làm
hạn chế sức mạnh đấu tranh, phê phán chủ nghĩa cơ hội, xét lại ở nước ta hiện
nay. Thế hệ trẻ hiện nay bị cuốn hút vào tri thức các khoa học ứng dụng, khoa
học cụ thể, khoa học liên quan trực tiếp đến ngành nghề có thu nhập cao. Vị thế
tri thức khoa học cơ bản, khoa học triết học đang bị xem nhẹ trong đời sống
tinh thần xã hội. Hiện thực đó đã phản ánh một biểu hiện của tính cơ hội ở mặt
tri thức, thiếu tính toàn diện. Khi xã hội quá đề cao tri thức khoa học cụ thể,
tri thức khoa học ứng dụng thì cũng tạo đà cho tư tưởng thực dụng phát triển và
mở đường cho sự nảy sinh, xâm nhập tư tưởng cơ hội và cũng dễ tiếp tay cho sự
xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phải bắt đầu từ khôi
phục, chấn hưng lại vị thế của khoa học cơ bản, khoa học triết học thì mới ngăn
chặn được từ gốc nảy sinh và xâm nhập tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội, xét lại
vào trong đời sống tinh thần xã hội hiện nay. C. Mác chỉ rõ: “Do đó, vấn đề là làm cho khoa học xã
hội, nghĩa là toàn bộ những khoa học được gọi là khoa học lịch sử và triết học,
phù hợp với cơ sở duy vật chủ nghĩa và xây dựng lại khoa học xã hội phù hợp với
cơ sở đó”[3].
Chấn hưng vị thế khoa học
triết học và khoa học cơ bản phải bằng sức thuyết phục, sự tôn vinh và cả biện
pháp hành chính. Không nên chỉ dựa vào ý kiến của người học để thu hẹp thời
gian cũng như nội dung triết học Mác - Lênin, khoa học cơ bản trong hệ thống
chương trình đào tạo hiện nay. Bất cứ giai cấp nào lên nắm quyền thống trị, đặc
biệt giai cấp tư sản đều có biện pháp cưỡng bức, bắt các giai cấp khác phải
tiếp nhận hệ tư tưởng của nó. Ở nước ta cũng phải có quy định có tính pháp quy
cho nâng cao vị thế của tri thức khoa học cơ bản, tri thức triết học để nó
tương xứng với vị trí, vai trò đối với nâng cao dân trí hiện nay. Giải quyết
này sẽ phát triển thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng, mở rộng
lực lượng trong đấu tranh chống tư tưởng duy tâm, siêu hình của chủ nghĩa cơ
hội, xét lại hiện nay.
Hai là, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong lý luận triết học hiện
nay là luận giải cơ sở khoa học những biểu hiện, xu hướng phát triển tư tưởng
cải lương, thỏa hiệp, biện hộ cho chính trị tư sản.
Đấu tranh, phê phán những
quan điểm sai trái nói chung và chủ nghĩa cơ hội, xét lại nói riêng phải chỉ
ra, ngăn chặn từ mần mống nảy sinh từ bên trong, sự xâm nhập của loại tư tưởng
này từ bên ngoài ở các phương diện khác nhau. Những mần mống ấy là những nhân
tố “ tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay. Báo cáo chính trị của Ban
chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ về thực trạng này: “ Trong
nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” có những diễn biến phức tạp”[4].
Một trong những nội dung
của tự diễn, tự chuyển hóa là tư tưởng thực dụng trong xã hội ta hiện nay. Mặt
trái của kinh tế thị trường đã cuốn hút nhiều người chạy theo lợi ích vật chất,
trước mắt mang tính cá nhân, bộ phận nhóm của mình. Từ quan niệm thực dụng dễ
làm nảy sinh tư tưởng thỏa hiệp về kinh tế. Từ tư tưởng thỏa hiệp về kinh tế
thì cũng dễ trượt đến sự thỏa hiệp về chính trị, tư tưởng. Khi đã thỏa hiệp về
chính trị thì sẽ từng bước nhượng bộ cho chủ nghĩa cơ hội, xét lại phát triển
từ bên ngoài xâm nhập và làm tổn thất đến lợi ích quốc gia, dân tộc, biện hộ
cho chính trị tư sản. Nghị quyết Trung ương năm khóa X chỉ rõ: “Các phần tử cơ
hội chính trị trong nước móc nối với các thế lực thù địch, phản động ở nước
ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực
chính trị, tư tưởng”[5].
Thất bại của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô có một nguyên nhân cơ bản là sự
nảy sinh tư tưởng thực dụng dẫn đến thỏa hiệp một cách vô nguyên tắc về chính
trị và đi đến xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, trượt vào quỹ đạo CNTB.
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội xét lại trong lý luận triết học là phải khái quát tầm lý luận để chỉ đạo
phê phán những loại tư tưởng nảy sinh từ những hiện trạng tiêu cực đó hiện nay.
Hiện tượng bao che khuyết điểm, chạy theo thành tích, báo cáo không trung
thực,… đều ẩn chứa những dấu hiệu của bao biện cho những việc làm sai trái.
Những hiện tượng chạy cấp, chạy chức, chạy chỗ,…cũng đã xuất hiện chỗ này, chỗ
khác là biểu hiện của tính cơ hội về chính trị. Những biểu hiện của chạy theo
lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân,… là dấu hiệu của tính cơ hội về kinh tế và thực
dụng, v.v.. Mặc dù những tư tưởng đó chưa phải là lý luận, quan điểm, nhưng đó
là mảnh đất màu mỡ cho phát sinh tư tưởng cơ hội từ bên trong. Cần phải luận
chứng và khái quát có tính lý luận về những cơ sở nảy sinh có tính mầm mống,
manh nha để có cơ sở khoa học kịp thời cho chỉ đạo thống nhất trong toàn xã
hội. V. I. Lênin dạy rằng: “Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư
tưởng nhất định, làm sáng tỏ sự đối
chọi giai cấp, sự phân định ranh giới về mặt tư tưởng, Thống nhất về mặt tư
tưởng = truyền bá những tư tưởng có khả
năng đẩy lên phía trước, những tư tưởng của giai cấp tiên phong”[6].
Ba là, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét
lại trong triết học là phải chỉ ra, khái quát tầm lý luận về tính chất phi lô
gích ở phương pháp suy luận, lập luận của nó hiện nay.
Thuật
ngụy biện là nhân tố quan trọng trong phương pháp của chủ nghĩa cơ hội, xét lại
chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khái quát tầm lý luận ở
phương diện này là chỉ rõ chủ nghĩa cơ hội, xét lại bao giờ cũng phải che dấu
được mục đích, bản chất phản khoa học, phản động, cho nên chúng không thể dùng
phương pháp chứng minh khoa học, mà phải dùng thuật ngụy biện. Để tạo ra cái vẻ
khoa học, tính cách mạng trong lý luận của mình, những người theo chủ nghĩa cơ
hội, xét lại bắt buộc phải vi phạm lỗi lôgíc trong quá trình suy luận, lập luận.
Chúng thường cắt xén một điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin làm cho nó không đúng
với bản chất, tinh thần mácxít làm tiền đề và cho kết quả suy luận sai lầm,
phản động. Chúng dùng các mánh khóe đánh tráo mệnh đề hoặc dựa vào những cái
ngẫu nhiên, cái giống nhau bề ngoài để vận dụng vào một lĩnh vực, điều kiện,
hoàn cảnh khác và cho kết luận theo ý đồ chính trị của giai cấp tư sản. Bên
cạnh chỉ ra sự xuyên tạc, cắt xén, v.v. còn phải làm rõ luận điểm có tính cách mạng của mình ở từng nội dung cụ thể thì
mới có tính khoa học, cách mạng và thuyết phục. Trong phê phán quan điểm cơ
hội, xét lại của Ơ. Đuyrinh, Ph. Ăng ghen đã phải dùng phương pháp là lần theo
dấu vết, bước chân của ông ta để vạch chỉ từng lỗi lôgíc trong suy luận, lập
luận để chứng minh tính chất phản khoa học, phản động trong đó. Trong tác phẩm
“Nhà nước và cách mạng”, V. I. Lênin đã phải trích dẫn cụ thể luận điểm của Ph.
Ăngghen và của các nhà lý luận phái Dân túy để chỉ ra sự cắn xén, xuyên tạc của
chúng.
Vẫn cái kiểu ấy, hiện nay
chúng dựa vào sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô để cho rằng,
CNXH chỉ là một quái thai, còn CNTB mới là đỉnh cao nhất của lịch sử; chúng
mượn Mác về luận điểm kinh tế quyết định chính trị và suy luận một cách máy móc
là, kinh tế thị trường phải đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập. Chúng cho
rằng kinh tế thị trường thì phải tư nhân hóa hoàn toàn tư liệu sản xuất và
không có định hướng XHCN, quản lý của nhà nước; chúng đưa ra quan niệm dân chủ
gắn với tự do chung chung, lờ nội dung giai cấp để cho rằng sự lãnh đạo độc tôn
của Đảng ta là không có dân chủ, chỉ có độc quyền, v.v. và v.v..
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại phải tìm ra, luận chứng khoa học sự vi phạm lỗi lô gích trong
các bước suy luận, vận dụng đó thì phê phán mới có sức thuyết phục về khoa học.
Chúng ta thấy rằng, mỗi sự suy luận trên đã tước bỏ nội dung, tinh thần biện
chứng duy vật trong đó. Đối với các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin không
bao giờ xém xét có tính một chiều, phiến diện, bên cạnh khẳng định vai trò của
kinh tế… đều làm rõ tính độc lập tương đối của mặt khác trong tính chỉnh thể.
Ở nước ta hiện nay, xuất
hiện một số người lợi dụng vấn đề dân chủ, tự xây dựng Hiến pháp đòi Nhà nước
ta sử dụng; tùy tiện đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định về sự lãnh đạo
của Đảng đối với toàn xã hội và hệ thống chính trị. Họ đã cố tình quên rằng,
xây dựng Hiến pháp thuộc chức năng của cơ quan đại biểu quyền lực cao nhất của
nhân dân là Quốc hội do dân bầu ra một cách hợp hiến. Hơn nữa việc lập pháp hóa
sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu của một nhà nước pháp quyền XHCN. Toàn bộ những
hành vi của chúng đã mắc vào một lỗi là cắt xén cơ sở pháp lý cho xây dựng, sửa
đối Hiến pháp. Hơn nữa, xây dựng, sửa đổi Hiến pháp đang được toàn Đảng, toàn,
toàn quân phát huy dân chủ sâu rộng thì họ tự tách ra, đứng trên toàn dân một
cái quyền không đúng với pháp luật và cũng không khoa học.
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại trong lý luận triết học là phải luận giải sai lầm từ thế giới
quan, phương pháp luận của quan điểm về giải thể, hòa đồng hệ tư tưởng hiện
nay. Có thể tiếp cận ở nhiều hướng khác nhau, nhưng chủ yếu là chúng lợi dụng
xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập văn hóa có tính toàn cầu hiện nay. Từ xu thế
này làm tiền đề cho suy luận là sẽ đến sự hòa đồng về văn hóa, xóa bỏ nội dung
dân tộc, giai cấp trong văn hóa và đi đến hòa đồng hệ tư tưởng, giải thể hệ tư
tưởng. Phải chỉ ra, luận chứng khoa học về cách suy luận đó là không khoa học.
Bởi vì, sự phát triển về văn hóa không đơn tuyến như văn minh (trình độ phát
triển lực lượng sản xuất). Quy luật phát triển văn hóa không chỉ tiến lên cùng
với sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, mà còn giữ lại những gì bản sắc
văn hóa dân tộc với nội dung giai cấp tiên tiến. Hai xu hướng đó không loại trừ
nhau, mà thống nhất với nhau trong quá trình phát triển. Trong thời đại còn
giai cấp, còn dân tộc và đấu tranh giai cấp thì hệ tư tưởng không thể mất bản
chất giai cấp. Tuy nhiên, vấn đề này trong xu thế mở cửa, giao lưu hội nhập về
văn hóa thì cũng có tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là tạo cơ hội
cho mỗi dân tộc có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc khác trong
làm giàu giá trị văn hóa của mình. Tiêu cực của xu hướng này là dễ làm cho văn
hóa của một dân tộc thành bản sao của văn hóa của dân tộc khác. Nhìn nhận quá
trình này như vậy thì mới khách quan và biện chứng. Suy luận đơn thuần theo
hướng tiêu cực và rút ra kết luận về chính trị có tính siêu hình theo kiểu của
chủ nghĩa cơ hội, xét lại là khiên cưỡng, thể hiện sự biện hộ cho chính trị tư
sản.
Một số quan điểm còn cho
rằng, chủ nghĩa Mác, triết học Mác ra đời từ giữa thế kỷ XIX thì hiện nay đã
lỗi thời và không còn giá trị. Phê phán luận điểm này phải chỉ ra tính chủ quan
trong đánh giá giá trị tri thức khoa học. Bằng các dẫn chứng lịch sử và bằng
lập luận khoa học chứng minh giá trị của một học thuyết không thể căn cứ vào
thời gian ra đời, mà quan trọng là sự khái quát, phản ánh đúng hiện thực khách
quan. Tinh thần của phép biện chứng duy vật; quan niệm về tính thống nhất vật
chất của thế giới; sự khái quát về sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã
hội; luận điểm về con người phải có ăn, mặc và các phương tiện vật chất mới tồn
tại và sau đó mới hoạt động ở các lĩnh vực khác, v.v. thì không thể lạc hậu bởi
thời gian và không thể thay thế. Với cách lý giải như vậy thì mới làm cho quan
điểm xuyên tạc, phủ nhận giá trị triết học Mác - Lênin theo cách ấy là không có
căn cứ, không có sức thuyết phục.
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội hiện nay là phải vạch rõ và phản bác
bản chất phản khoa học, phản động được ẩn chứa ở các hình thức tưởng như
nhân đạo, nhân văn của các thế lực thù địch. Chúng ca ngợi dân chủ phương Tây; chúng rêu rao về nhân đạo, nhân
quyền kèm theo những viện trợ nhân đạo, giáo dục, y tế,… Phê phán chủ nghĩa cơ
hội, xét lại hiện nay cần quán triệt tư tưởng của V. I. Lênin về: “Chừng nào
người ta chưa phân biệt được lợi ích
của giai cấp này hay giai cấp khác ẩn đằng sau bất kỳ câu nói, những lời tuyên
bố và những hứa hẹn có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội thì
trước sau bao giờ người đó vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự
lừa bịp mình về chính trị”[7]. Cần
hiểu rằng, đối với giai cấp tư sản không bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá cách
mạng. Do đó, để không ngộ nhận với mỗi lời tuyên bố về dân chủ, nhân quyền, tự
do, nhân đạo của chúng, cần luận giải từ tầng sâu của thực chất tự do, dân chủ,
nhân quyền đang ẩn chứa những nội dung phản khoa học, phản động trong đó trong
đấu tranh chống lại loại quan điểm này.
Đấu tranh chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại trong lý luận triết học không chỉ phải làm rõ chân tướng cải
lương, thỏa hiệp, biện hộ cho chính trị tư sản, mà còn phải luận chứng có căn
cớ khoa học. Lý thuyết của Alvin Toffler về lịch sử phát triển nhân loại diễn
ra bằng cách thay thế các nền văn minh (Văn minh nông nghiệp - Văn minh công
nghiệp - Văn minh tin học, hậu công nghiệp) là một điển hình. Phê phán loại
quan điểm này phải chỉ ra mục đích cơ bản là hạ thấp, phủ nhận nội dung, giá
trị học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội, biện hộ cho sự tồn tại CNTB. Phải
vận dụng phương pháp tiếp cận, nội dung cơ bản, tinh thần biện chứng của lý
luận Hình thái kinh tế - xã hội để chứng minh sai lầm trong quan điểm của nó. Alvin
Toffler đã quy tiến trình phát triển của xã hội với tính cách của một chỉnh thể
thống nhất biện chứng từ nhiều nhân tố cấu thành của một hình thái kinh tế - xã
hội vào một yêu tố là lực lượng sản xuất. Từ tính chất siêu hình đó đi đến tính
cơ hội, xét lại là phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội, biện hộ cho tồn
tại CNTB, chống lại cách mạng XHCN.
Con đường phát triển củ
chủ nghĩa cơ hội, xét lại vẫn theo quy luật chung của lịch sử, bản chất vẫn là
thế giới quan tâm, phương pháp siêu hình phi lô gích và cải lương, thỏa hiệp
với chính trị tư sản. Chỉ có khác là hiện nay được ngụy trang mới, với những
tiền đề xuất phát cho chống phá cách mạng mới. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ
hội, xét lại đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, đồng thời phải bằng tri tuệ, bằng
phương pháp khoa học và sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta. Mặc dù đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại ở nước ta hiện nay rất gay
go, phức tạp, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng vì
tính chất phản khoa học, phản động của nó không thể tiếp tục che dấu, lừa bịp
mãi được./.
[1]
V.I.Lênin toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 350
[2] V.
I. Lênin toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 42
[3] C.
Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
412.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 185.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành
Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 34.
[6] V.
I. Lênin toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 350.
[7]V. I.
Lênin toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 57.
Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài tư tưởng, chính trị làm đòn tấn công đầu, sau đó thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Trả lờiXóaMỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.
Trả lờiXóa