Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Qua thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, có 10 việc để lại những ấn tượng sâu sắc, hợp ý Đảng, lòng Dân.
1. Hai nghị quyết đầu tiên liên tiếp tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Hai nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngặn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đều là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương trong hai nhiệm kỳ liên tiếp và đều tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy được ban hành ở hai nhiệm kỳ và nội dung cụ thể có những điểm khác nhau, nhưng có sự kế thừa, phát triển, gắn bó chặt chẽ với nhau mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự ban hành kịp thời, đúng lúc của hai Nghị quyết này đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hồ hởi đón nhận, tích cực tham gia và đặc biệt quan tâm theo dõi suốt trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện.
2. Xác định vấn đề cấp bách đầu tiên
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ ra ba vấn đề cấp bách nhất trong nhiều vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay, thì vấn đề đầu tiên được xác định là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Điều đó cho thấy: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm suy giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, không thể xem thường. Đây cũng là một trong bốn nguy cơ cực kỳ nguy hiểm mà Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng đã chỉ ra và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”.
Có thể nói, đây là cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt để chiến thắng cái xấu, cái lạc hậu ngay trong từng tổ chức đảng và trong mỗi con người. Đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; đồng thời, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
3. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị tự nhận và đề nghị có một hình thức kỷ luật
Để thực hiện vấn đề cấp bách đầu tiên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo một quy trình chặt chẽ từ trên xuống dưới. Được sự chuẩn bị chặt chẽ, tiếp thu ý kiến góp ý kiểm điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và của cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm trong 21 ngày, được chia thành nhiều đợt và mỗi đồng chí được cung cấp một khối lượng tài liệu lớn (khoảng 2.000 trang A4) để phục vụ việc kiểm điểm. Với tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nghiêm túc, Bộ Chính trị có kết luận bằng văn bản về những ưu, khuyết điểm chính của Bộ Chính trị và từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đối với những vấn đề chưa rõ, Bộ Chính trị giao ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh và làm rõ trước khi kết luận. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần đầu tiên trong Đảng, Bộ Chính trị tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương có một hình thức kỷ luật đối với Bộ Chính trị, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI.
Điều đó cho thấy sự gương mẫu, nghiêm túc, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thể hiện rõ tinh thần “tự chỉ trích” và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của Bộ Chính trị. Đây thực sự là tấm gương sáng để các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng học tập, noi theo.
4. Lần đầu tiên xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược
Xuất phát từ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra nhiệm vụ cấp bách thứ hai là “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương đã triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo” (gọi tắt là Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược). Đây là một vấn đề lớn, khó, quan trọng và lần đầu tiên Đảng ta thực hiện nhiệm vụ này với quyết tâm chính trị cao, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã góp phần làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, lần đầu tiên Bộ Chính trị chỉ đạo tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp trong thời gian 4 tháng; mở hàng chục lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cho gần 1.000 bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương. Từ kinh nghiệm của Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và cán bộ dự nguồn, góp phần quan trọng cho sự thành công của Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Sau Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương phân công nhiệm vụ và chỉ đạo việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan của Nhà nước ngay trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII, không chờ đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV như nhiệm kỳ trước.
5. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương ban hành “Quy chế bầu cử trong Đảng”
Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành “Quy chế bầu cử trong Đảng” để điều chỉnh việc ứng cử, đề cử và bầu cử từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương, thay vì Quy chế trước đây do Bộ Chính trị ban hành, chỉ áp dụng từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Quy chế bầu cử tại Đại hội Đảng toàn quốc. Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều quy định, quy chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định và chỉ đạo thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội ra nghị quyết và thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; ban hành quy chế giám sát cán bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; Quy định về việc xác định tuổi công tác của đảng viên, v.v.. Mặt khác, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều quy định, quy chế, quy trình... về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Qua đó, đã khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và công tác cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
6. Lần đầu tiên, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với cơ cấu thành phần hợp lý, thực chất hơn và tái lập Ban Nội chính Trung ương - đồng thời là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được đặt trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Mặt khác, để tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư của Đảng vừa trực tiếp làm Bí thư Quân ủy Trung ương, vừa tham gia Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, từng bước chính quy, hiện đại. Thực tế đã cho thấy, sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm đã được đẩy mạnh, quyết liệt hơn và đem lại nhiều kết quả quan trọng, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên.
7. Lần đầu tiên đưa việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nội dung của công tác xây dựng Đảng
Xuất phát từ tình hình thực tế và để đấu tranh khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, lần đầu tiên Đảng ta đưa việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nội dung của công tác xây dựng Đảng. Như vậy, nội dung của công tác xây dựng Đảng hiện nay gồm bốn mặt: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nghị quyết Đại hội XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, thì nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Việc xác định đó cho thấy, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Đảng ta càng coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhấn mạnh việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”.
7. Lần đầu tiên đưa việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nội dung của công tác xây dựng Đảng
Xuất phát từ tình hình thực tế và để đấu tranh khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, lần đầu tiên Đảng ta đưa việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nội dung của công tác xây dựng Đảng. Như vậy, nội dung của công tác xây dựng Đảng hiện nay gồm bốn mặt: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nghị quyết Đại hội XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, thì nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Việc xác định đó cho thấy, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Đảng ta càng coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhấn mạnh việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”.
8. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương nhận diện một hệ thống các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra một hệ thống khá đầy đủ, toàn diện, đồng bộ và cụ thể về các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, với 27 biểu hiện, gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đức cho cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của những người có chức, có quyền, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc; khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, lộng quyền, vượt quyền, lạm quyền và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc Ban Chấp hành Trung ương nhận diện và chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa, tự gột rửa” những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của mình và góp ý, giúp đỡ cho các đồng chí khác cùng tiến bộ.
Trên cơ sở quy định của Trung ương, Bộ Chính trị ban hành quy định về việc xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nghiêm trọng, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
9. Lần đầu tiên xử lý kỷ luật đối với cán bộ nguyên chức và truy tố, xét xử công khai nguyên Ủy viên Bộ Chính trị về tội tham nhũng
Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 2.000 tổ chức đảng và gần 80.000 đảng viên bằng các hình thức. Trong số đảng viên bị xử lý kỷ luật, có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả cán bộ nghỉ hưu, điều này đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm. Có thể nói, trong hơn 30 năm đổi mới, Trung ương đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, nhưng chưa có thời gian nào, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật như thời gian từ Đại hội XII đến nay. Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng ta xử lý kỷ luật đối với cả những cán bộ, đảng viên vi phạm khi đã chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu.
10. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Mặc dù trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu. Năm 2017 là năm đầu tiên trong hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 6,81%; riêng quý I - 2018 đạt 7,38% và dự kiến cả năm sẽ đạt 7,1%. Mặt khác, trong năm 2017, đã có gần 150.000 doanh nghiệp thành lập mới và đi vào hoạt động; dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt trên 60 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước tới nay và số lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 13 triệu lượt v.v..
Những kết quả đạt được nêu trên, vừa có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng, vừa đẩy lùi một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, góp phần giữ vững ổn định chính trị; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những kết quả đó đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và việc thực hiện các nghị quyết của Đảng.
(Nguyễn Đức Hà - Ban Tổ chức Trung ương)
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trả lờiXóa