Ngô Quyền
Kỷ niệm 70 năm, ngày Bác
Hồ ra " Lời kêu gọi thi đua ái quốc", chúng ta có điều kiện nhìn lại
khí thế của những ngày đầu thực hiện phong trào thi đua yêu nước cho đến nay, để
khẳng định ý nghĩa, giá trị của “Lời kêu gọi...” đối với sự nghiệp cách mạng
Việt nam trước kia và rút ra những giá trị quý báu cho hôm nay và mai sau.
Như
chúng ta đã biết, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước rơi vào bối
cảnh giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm lăm le, âm mưu lật
đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trước tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi
tóc”, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua
ái quốc”, động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực
hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của,
góp công vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Bảy mươi
năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thấm sâu vào tâm trí của mỗi người
dân Việt Nam, biến thành sức mạnh vô cùng to lớn đưa cách mạng nước ta đi
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác .
Có thể nói, “Lời kêu gọi...” có ý nghĩa như một
lời “Hịch” đã phát động một phong trào quần chúng rộng lớn với mục đích cao cả:
vì dân sinh, dân trí, dân quyền và thể hiện tính toàn dân toàn diện sâu sắc, nhằm sớm đưa dân tộc tiến hành “kháng chiến và
kiến quốc thành công”.
Mục đích dân sinh, dân trí, dân quyền
trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hố Chí Minh nó được xuất phát
từ nhiệm vụ của cách mạng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến đầy cam go,
ác liệt với bao khó khăn, chồng chất của chính quyền non trẻ. Vì thế, phong
trào thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ là: “đồng thời
phải: Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm”, để: “Toàn
dân đủ ăn, đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy
đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc
lập hoàn toàn”[1].
Từ "lời hiệu triệu" của Bác, cả nước đã
dấy lên phong trào "người người thi đua, ngành ngành thi đua, cả nước thi
đua" mang lại kết quả to lớn là nhân dân ta đã có ăn, nạn đói được đẩy
lùi, nhân dân ta có mặc, bộ đội có thêm lương thực, khí giới bước vào cuộc
kháng chiến một cách vững vàng hơn. Kết quả to lớn của phong trào thi đua mang
lại một niềm tin mới vào ý chí và sức mạnh vượt khó của nhân dân dù đó có là
tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vượt qua được những thử thách ban đầu là trải
nghiệm, là tiền đề và cả bài học tạo niềm tin cho nhân dân vào những lần vượt
hiểm, vượt khó tiếp theo mà ta biết không thể nào tránh khỏi trong hành trình
của cách mạng.
Tính nhân dân trong
"lời kêu gọi..." thể hiện ở chỗ: Đối tượng lực lượng tham gia phong
trào thi đua ái quốc là toàn dân, không phân biệt giai cấp, giai tầng, không
phân biệt già, trẻ, gái, trai: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai,
gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh… ai
cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu
cầu một cách cụ thể: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia
mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; đồng
bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất;
đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính
phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua
giết cho nhiều giặc….
Tính
toàn diện của phong trào thi
đua được thể hiện ở chỗ: Chủ tịch Hồ Chủ tịch kêu gọi, “Mỗi người dân Việt Nam,
bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên
mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa"[3]. Tính toàn diện là ở chỗ,
không chỉ chiến trường mới là mặt trận, không chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu
mới là chiến sĩ, không chỉ bộ đội mới đánh giặc mà mọi người, dù hoạt động ở
mặt trận nào (kinh tế, chính trị, văn hóa…) lúc này nếu thi đua mang lại kết
quả cao đều là những người yêu nước, đều trực tiếp góp phần xứng đáng của mình
vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đồng bào công, nông sản xuất giỏi cũng là
đánh giặc giỏi, đồng bào công thương kinh doanh giỏi cũng là đánh Tây tài, đồng
bào trí thức sáng tạo giỏi cũng là đánh giặc hay…Ngành nào, lĩnh vực nào cũng
là thành phần quan trọng, không thể thiếu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc
toàn diện.
Chính
từ "lời hiệu triệu" ấy, phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi ở tất
cả các lĩnh vực, làm cho từng lĩnh vực đều phát triển, đóng góp nhiều hơn cho
kháng chiến, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều nâng lên hơn trước.
Điều này thể hiện sâu sắc tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến đã được Đảng
xác định trong chủ chương, phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ
ngay từ giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến. Vì thế, mọi công dân, mọi ngành đều
hăng hái đem hết khả năng, sức lực và tinh thần của mình tham gia vào công cuộc
thi đua ái quốc.
Từ nội dung cơ bản của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những
bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần nghiên cứu tổng hợp để đẩy mạnh phong
trào thi đua yêu nước trong giai đoạn ngày nay.
Trước hết là phải
nhận thức đầy đủ mục đích của thi đua ái quốc là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ
yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Từ
đó cho thấy, mục đích thi đua yêu nước bao giờ cũng có tính chính trị, nhằm giải
quyết những nhiệm vụ trước mắt và để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Do
đó, thực hiện thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận trong
cuộc đấu tranh chính trị, bao giờ cũng gay go, phức tạp; càng gần đến thắng
lợi càng phải nỗ lực phấn đấu nhiều. Trong điều kiện xây dựng đất nước trong thời
kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực hiện
nay, cần xác định: việc thi đua yêu nước là để “sánh vai với cường quốc năm
châu” đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn lòng yêu nước với tinh thần quốc tế, lòng tự
hào dân tộc với ý thức tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, trung thành với
lý tưởng cách mạng, với mục tiêu của Đảng, của dân tộc...
Thứ hai, thi đua
yêu nước phải được tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ
thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành
mục tiêu chung. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi “Mỗi
người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều
cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính
trị, Văn hóa”. Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến.
Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước cũng tiến hành trên tất cả các mặt, mà mục
tiêu trước mắt là hoàn thành sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, phấn đấu thực
hiện các mục tiêu phát triển đất nước trên từng lĩnh vực mà Đại hội XII của Đảng
đã xác định. Vì vậy, việc thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện
để tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
Thứ ba, thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào
thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào thi
đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền
và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tuỳ theo sức lực
của mình, để thực hiện được mục đích thi đua, trong “Lời kêu gọi...” Hồ
Chí Minh đã nêu rõ “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân; tinh thần của dân,
để gây: Hạnh phúc cho dân”[4]. Lời
dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng CNXH ngày nay, tư tưởng Hồ
Chí Minh về dân sinh, dân trí, dân quyền trong thi đua yêu nước và tính toàn
dân, toàn diện của "lời kêu gọi..." vẫn còn nguyên giá trị trong hiện
tại, khi chúng ta ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, song trước những tác động
không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, sự tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự
thật và âm mưu phá hoại cách mạng về mọi mặt của các thế lực phản động hiện
nay. Cho nên, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác thi đua - khen thưởng đặt
ra yêu cầu rất mới để huy động sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc cho công cuộc
kiến thiết đất nước. Trong đó, cần tập trung đổi mới một số vấn đề cơ bản như:
xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng; khẳng định vai
trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng,
kiện toàn và đổi mới tổ chức cán bộ của các cơ quan tham mưu về công tác thi
đua khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng...sẽ là
nguồn động lực to lớn cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự
nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa