(TG) - Nhằm triển khai chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước không cùng quỹ đạo, thổi phồng để bóp méo, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất sự việc, vấn đề là một trong những thủ đoạn được các thế lực thù địch,phản động thường xuyên áp dụng.
Nhìn lại vụ án gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức thổi phồng làm tăng tính nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc theo kiểu “có ít xít ra nhiều”, “bé xé ra to” để rồi bóp méo, xuyên tạc “chính trị hóa” một vụ án hình sự đơn thuần thành vụ án chính trị như cách nói của họ. Hay trong vụ án Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra và truy tố về tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 280, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009... Thế nhưng trên một vài trang mạng, một số phần tử phản động, có tư tưởng thù địch đã thổi phồng, bóp méo, suy diễn, xuyên tạc về vụ việc theo kiểu lấy cái cụ thể để đánh giá, kết luận về cái tổng thể và cho rằng chính quyền Việt Nam “gài bẫy” để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý; Việt Nam “vi phạm tự do báo chí”... Hơn thế, từ sự việc này họ còn suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn cho rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, “tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”; có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng” của cấp ủy, chính quyền các cấp... Nguy hiểm hơn, họ còn chụp mũ cho rằng tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo độc tôn... Không chỉ thổi phồng, bóp méo các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các thế lực thù địch, phản động còn triệt để sử dụng chiêu trò này trước các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước. Chẳng hạn trước thời điểm diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phá hoại đại hội Đảng các cấp và công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Chúng ra sức thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước ta nhằm phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới; thổi phồng, xuyên tạc, bịa đặt đời tư nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ XHCN...
Chỉ cần điểm qua một số nét như vậy đã đủ thấy “thổi phồng để bóp méo”, xuyên tạc sự thật là chiêu trò không có gì mới nhưng vẫn hết sức nguy hiểm mà các thế lực thù địch, phản động, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã và đang triệt để khai thác sử dụng hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trước sự tác động đa chiều của thông tin hiện nay, vấn đề đặt ra là phải nâng cao khả năng “miễn dịch” cho nhân dân trước các chiêu trò thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn. Cùng với đó chúng ta cần kịp thời đấu tranh kiên quyết, phê phán, phản bác mạnh mẽ với những bài viết có nội dung thông tin thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng. Đối với những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước, tùy từng trường hợp, các cơ quan chức năng cần có biện pháp trừng trị thích đáng, nghiêm minh... Đó là những việc làm cơ bản, cấp thiết để xây dựng một trật tự xã hội ổn định, một môi trường thông tin an toàn, lành mạnh.
Phùng Kim Lân
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 6/2018
Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt sàng lọc thông tin, nhận diện và đấu tranh loại bỏ những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.
Trả lờiXóa