Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

BÁC HỒ: SỢ GÌ? KHÔNG SỢ GÌ?


Ngày 25/5/1948, Báo Cứu Quốc đăng bài Chủ tịch Hồ Chí Minh "Trả lời phỏng vấn của báo Frères D'armes". Nội dung như sau: - Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Ðiều ác. - Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Ðiều thiện. - Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất? Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu. - Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? Trả lời: Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.
Trung tuần tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, Bác Hồ ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch. Bác cháu chuyện trò thân mật. Và Bác tặng thanh niên bài thơ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Ðào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Ngày 17/7/1966, giữa lúc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, dùng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc, Bác Hồ ra lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Bác viết:
"Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".
Ngày 29/12/1966, tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, khi đề cập tới những khuyết điểm của công tác lưu thông phân phối, Bác nói: "Có khi vật tư hàng hóa không thiếu, mà phân phối không đúng, thì gây ra căng thẳng không cần thiết". Và Bác căn dặn: "Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ:
- "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng;
- Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".
Vậy là trong bốn trường hợp nói trên, có hai lần Bác nói đến chữ "không sợ" và hai lần nói đến chữ "chỉ sợ". Hai lần nói "không sợ" đều là biểu thị thái độ đối với kẻ thù xâm lược. Hai lần nói đến chữ "chỉ sợ" lại là những lời dặn dò, khuyên bảo đối với cán bộ và nhân dân. Và nếu "không sợ" là sự khẳng định thì "chỉ sợ" mới là giả định về một khả năng.
"Chẳng sợ gì cả" và "quyết không sợ" không phải là bất chấp tất cả. Không phải không nhìn thấy sự hung hãn và tàn bạo đến cùng cực của kẻ thù, những kẻ cuồng chiến từng gào thét đưa nước ta "trở lại thời kỳ đồ đá". Không phải là không thấy những tai họa chúng gieo rắc, những tội ác "trời không dung, đất không tha" của chúng. Nhưng chúng ta "chẳng sợ gì cả" và "quyết không sợ" bởi vì điều cao quý nhất đối với dân tộc ta là độc lập, tự do, là quyền yêu nước, quyền sống và quyền làm người!
"Không có việc gì khó" không phải là nhận rằng trên đời này mọi việc đều dễ dàng, không trắc trở. "Không có việc gì khó" nói ở đây là "không có việc gì khó mà không làm nổi". Ðào núi và lấp biển là khó lắm chứ. Nhưng ta không sợ cái khó đó mà chỉ sợ lòng không bền, không có ý chí và quyết tâm.
"Không sợ thiếu", "không sợ nghèo" không phải là cam tâm chịu nghèo, chịu thiếu. Cách mạng là để cuộc sống con người giàu có hơn, sung sướng hơn. Nhưng trước cái thiếu, cái nghèo còn đang hiện hữu thì phải làm sao cho thiếu mà được công bằng, nghèo mà lòng dân vẫn yên. Sợ sự không công bằng và sợ lòng dân không yên là biểu thị thái độ trách nhiệm của người lãnh đạo và quản lý.
Nói về cái sợ và cái không sợ, dân gian ta có nhiều câu rất hay. Sợ bóng sợ gió là sợ một cách vu vơ, hão huyền, không có căn cứ, lý do gì để đáng sợ cả. Sợ bát cơm đầy không sợ thầy lớn tiếng là nói về những người làm tôi tớ chỉ vì miếng ăn mà luồn cúi chủ nhà chứ không phải sợ oai của chủ. Sợ hẹp lòng, không sợ hẹp nhà là chê trách thói ích kỷ, cổ vũ lòng vị tha. Sợ mẹ cha không bằng sợ tháng ba ngày dài là nói đến nỗi lo âu của người nông dân xưa về cái đói trong vụ giáp hạt.
Với cán bộ, đảng viên chúng ta ngày nay, cái sợ và cái không sợ vẫn thường đan xen nhau. "Sợ" không phải bao giờ cũng xấu. "Không sợ" không phải lúc nào cũng hay. Sợ cái không đáng sợ là dở. Nhưng không sợ cái đáng sợ lại càng dở hơn.
Ai chẳng biết tham nhũng là điều dơ bẩn, tệ hại, đáng sợ. Người có đạo đức phải biết giữ mình trong sạch và lánh xa nó. Nhưng có những người cứ nhắm mắt lao vào chỗ bẩn, chẳng biết sợ là gì. Giàu lên vì của bất lương, lại cho mình tài cán. Ðến khi vào tù, vẫn còn nghĩ "hy sinh đời bố, củng cố đời con".
Ai chẳng nhớ Bác Hồ từng dạy: Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của dân. Phải biết trọng dân, gần dân, học hỏi dân và làm những việc có lợi cho dân. Thế mà có những người có chút chức quyền đã vội quên điều đó. Thay vì làm đầy tớ, họ chỉ muốn làm lãnh đạo. Thay vì trọng dân, học hỏi dân, họ lại lên mặt khinh dân, dạy dân, không phục vụ dân mà còn hành dân. Thay vì làm những việc có lợi cho dân, họ lại chăm chắm vào những việc có lợi cho mình, thậm chí lấy lợi ích chung làm bình phong cho lợi ích riêng, lợi ích phe nhóm. Với họ, bệnh quan liêu xa dân gần như thâm căn cố đế. Họ không sợ dân chán ghét và xa lánh mình mà lại sợ mình bị búa rìu dư luận, sợ sự kiểm tra và giám sát của dân.
Ai chẳng biết tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng. Là vũ khí xây dựng Ðảng. Là phương thuốc trị bệnh cứu người. Thế mà có người sợ bị phê bình như đỉa phải vôi. Có lỗi thì giấu, không giấu được thì chống chế. Ưu điểm thì một nói thành mười, khuyết điểm thì mười chỉ còn một. Thân quen thì mưa bay gió nhẹ; ghét bỏ thì búa lớn đao to. Trước mỗi đợt kiểm điểm, phê bình thì khúm na khúm núm. Sau kiểm điểm mà qua cầu thoát nạn thì hể hả ăn mừng. Rõ là họ không sợ Ðảng mất trong sạch mà chỉ sợ họ mất chức, mất quyền.
Cái sợ và không sợ trở nên thiên hình vạn trạng.
Trỏ lại bốn trường hợp "không sợ" và "chỉ sợ" Bác Hồ đề cập trên đây, ta càng thấy rõ: "Không sợ" bất cứ kẻ thù xâm lược nào, bất cứ khó khăn khách quan nào, dù lớn đến mấy, đó là bản lĩnh và khí phách của một dân tộc hiên ngang, bất khuất. "Chỉ sợ" mình không vượt qua được bản thân, không dốc hết sức mình để làm nên việc lớn, đó là đạo đức, là văn hóa của con người Việt Nam!

(HÀ ĐĂNG)

1 nhận xét:

  1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa