HT
Sự lợi dụng vấn
đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch để phá hoại khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, chống
phá sự nghiệp cách mạng nước ta là quá rõ ràng. Có thể khái quát âm mưu của các
thế lực thù địch trong lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách
mạng thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Một là, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
kích động đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo chống lại chính sách tôn giáo của
Đảng và Nhà nước, đối lập quần chúng theo tôn giáo với Đảng, tiến tới đòi xoá bỏ
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào tôn giáo ngày càng nhận thức
rõ lợi ích của quốc gia dân tộc, của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh
đạo gắn bó mật thiết với lợi ích của bản thân và lợi ích của tôn giáo mình. Ý
thức dân tộc và trách nhiệm xã hội của đồng bào các tôn giáo được nâng lên; đồng
thời, ý thức và tình cảm tôn giáo trong số đông chức sắc, tín đồ tôn giáo ngày
càng phát triển. Nói chung, đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và đồng bào
không theo tôn giáo cùng nhau đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc
ngày càng mở rộng và có thêm chất lượng mới.
Đại đoàn kết
toàn dân tộc là động lực cơ bản của sự nghiệp cách mạng nước ta. Đồng bào các
tôn giáo ở Việt Nam là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng bào có lòng yêu nước nồng nàn, đại đa số là người
lao động, là một bộ phận trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng bào luôn đoàn kết với nhau và gắn bó với cộng
đồng dân tộc trong sự nghiệp cách mạng; các tổ chức tôn giáo là thành viên
trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc,
là một nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Các thế lực thù
địch hiểu rất rõ điều đó, chúng biết rõ tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của
nhân dân ta. Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo để chia rẽ, đẩy mạnh sự đối lập, tăng tính mâu thuẫn giữa đồng bào
theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, để phá
hoại sự đoàn kết, dẫn đến làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, làm mất hiệu lực và tính hiệu quả trong
hoạt động quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đây là một âm mưu quan trọng của các thế
lực thù địch trong lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống cách mạng nước ta. Vai
trò quản lý của Nhà nước, của hệ thống chính quyền các cấp đối với các lĩnh vực
của đời sống xã hội là đặc biệt quan trọng, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị
- xã hội và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác. Những
năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, khủng hoảng tài
chính và suy thoái kinh tế, nợ công diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong
nhiều quốc gia tư bản phát triển, gây nhiều khó khăn đối với đời sống nhân dân,
ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trong hoàn cảnh ấy, Đảng và Nhà nước ta
vẫn vững vàng và tỏ rõ khả năng chèo lái của mình, bảo đảm ổn định đất nước. Ở
nước ta, lạm phát chẳng những được kiềm chế về tốc độ mà còn nằm trong vòng kiểm
soát; ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng
GDP tuy thấp so với nhiều năm trước, nhưng nếu so với tương quan mặt bằng của
nhiều nước, thì đó vẫn là mức tăng trưởng khá. Đặt trong bối cảnh ấy mới thấy
được những nỗ lực và cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là rất to lớn;
những kết quả đạt được của chúng ta là đáng ghi nhận. Thực tế đó thể hiện sinh
động và cụ thể trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo kinh tế của Đảng, quản lý
của Nhà nước, đủ sức đưa đất nước tiến lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các thế lực thù địch hiểu rất rõ điều
đó, chúng hiểu rất rõ vai trò quản lý của Nhà nước trong quản lý các lĩnh vực của
đời sống xã hội, trong việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước.
Vì thế, để thực hiện âm mưu này, trong
những năm gần đây, chúng càng đẩy mạnh việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để
phá hoại cách mạng nước ta; liên tiếp tung ra những bản điều trần, dự luật, phúc trần, báo cáo nhằm xuyên tạc, vu cáo
chính quyền các cấp của nước ta vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; xuyên tạc
tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Chúng xuyên tạc trắng trợn: “Tự do
tôn giáo tại Việt Nam đang bị quấy nhiễu, nhiều người bị cầm tù vì niềm tin tôn
giáo”[1];
chúng dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi
quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam
vi phạm nhân quyền.
Ba là, làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của
sự phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Giữ vững định hướng
xã hội chủ nghĩa là yêu cầu có tính sống còn của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Nhân dân ta thực hiện đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
tích cực, chủ động hội nhập quốc tế là nhằm mục đích làm cho đất nước phát triển
theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là cái bất biến, chúng ta luôn kiên
định, bảo vệ, giữ gìn trong bất kể tình huống,
hoàn cảnh nào. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vấn đề cơ bản cốt lõi mà
Đảng và nhân dân ta kiên trì, kiên định và giương cao suốt từ năm 1930 đến nay.
Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành chính
quyền về tay nhân dân lao động, giành thắng lợi vĩ đại và huy hoàng trong các
cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân,
đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đạt
được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam cho
thấy, có giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta mới có điều kiện để bảo đảm
độc lập dân tộc thực sự và vững chắc, bảo đảm cho nền kinh tế đất nước phát triển
nhanh, bền vững; quy tụ và phát triển đầy đủ sức mạnh của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)
đã rút ra và khẳng định một bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam là nắm
vững, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức rõ vấn đề quan trọng đặc biệt này, trong việc lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo, các thế lực thù địch hướng tới nhằm làm chệch định hướng xã hội chủ
nghĩa của sự phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu.
Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo rõ ràng không thuần túy là vấn đề tín ngưỡng, tôn
giáo, mà đó thực chất là vấn đề chính trị; hay nói cách khác, đó là sự lợi dụng
tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục tiêu chính trị, thực hiện mưu đồ chính trị
phản động nhằm phá hoại cách mạng, buộc chúng ta phải từ bỏ định hướng sự phát
triển đất nước, chuyển sáng hướng tư bản chủ nghĩa.
Đó thực sự là vấn
đề chính trị được núp dưới hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mà các thế lực thù địch
đã và đang tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng ta không quên một câu
nói mang tính châm ngôn, triết lý chính trị kiểu Mỹ của Côn-bai: “Bất cứ một đồng
đô la nào ra khỏi nước Mỹ đều có địa chỉ chính trị”[2].
“Địa chỉ chính trị” cụ thể trong vấn đề lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mà các thế
lực thù địch hướng tới thực hiện là cách mạng Việt Nam, là làm chệch hướng sự
phát triển, loại bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang giữ
gìn, kiên định và phát triển.
Những phân tích
trên cho thấy, các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo không phải vì
lợi ích của các chức sắc, tín đồ tôn giáo, cũng không phải vì “tự do tín ngưỡng,
tôn giáo” như chúng cố tình làm rùm beng; mà là nhằm thực hiện mưu đồ chính trị
phản động, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, lái cách mạng nước ta
theo quỹ đạo của chúng. Thực chất âm mưu đó không phải là để bảo vệ tín ngưỡng,
tôn giáo như chúng vẫn thường rêu rao và một số người ngộ nhận; mà là hành động
càng làm tổn hại đến đời sống tinh thần tín ngưỡng của một bộ phận đông đảo quần
chúng nhân dân, làm hoen ố thanh danh của chính các tôn giáo, nhằm lôi kéo đồng
bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo chống phá cách mạng. Đây cũng chính là điều đi
ngược lại lợi ích chân chính của đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo, của các
chức sắc, tín đồ tôn giáo mong muốn có cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”, thực sự hạnh
phúc trong một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1] Báo Quân đội nhân dân
số ra ngày 31/5/2009, tr. 8.
[2] Ban Tư
tưởng - Văn
hóa Trung
ương, Nhận diện các quan điểm sai trái,
thù địch, H. 2005, tr. 172.
Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa