Những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một số trò chơi mạo hiểm, đe dọa sự an toàn của tính mạng con người nhưng lại được không ít bạn trẻ hưởng ứng, cổ vũ rồi nhanh chóng trở thành trào lưu. Có thể kể đến các trào lưu như rạch tay, nhảy cầu, khoe tự tử trên mạng xã hội, rooftopping (chụp ảnh tự sướng tại những nơi có độ cao và nguy hiểm như nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp, ống khói… mà không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào)...
Không quá lời khi gọi đây là các “trào lưu quái đản”, bởi thay vì tìm đến các trò chơi để giải trí, thư giãn, giải tỏa sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, người chơi lại mang sức khỏe và tính mạng của bản thân ra để đùa giỡn. Thí dụ như trào lưu rạch tay, một số người trẻ sẵn sàng hủy hoại cơ thể của mình vì bất cứ lý do nào, chẳng hạn: bị bố mẹ mắng, thầy cô bạn bè chê trách, bị điểm thấp, thậm chí với lý do rất vớ vẩn như tự nhiên thấy buồn,… Họ coi đó là hành động dũng cảm của một chiến binh, khiến bạn bè ngưỡng mộ. Chỉ đến khi phải vào bệnh viện cấp cứu với những vết cắt loang lổ trên cánh tay bắt đầu nhiễm trùng, có người mới giật mình tỉnh ngộ.
Với trào lưu rooftopping, mới đây một nhóm thanh niên Việt Nam đã đăng tải lên mạng một vi-đê-ô hơn 16 phút ghi lại hành trình leo lên nóc nhà 38 tầng, cao 158 m ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Nhóm thanh niên này đã qua mặt lực lượng bảo vệ, an ninh của tòa nhà để trèo lên tầng thượng. Tại đây, họ có những hành vi nguy hiểm như đứng trên mép của sân thượng, nhào lộn trên nóc nhà,… mà nếu chỉ một chút sơ sẩy là có thể mất mạng. Vi-đê-ô bị nhiều người phản ứng vì quá nguy hiểm, tuy nhiên cũng có không ít người vào cổ súy cho hành động liều lĩnh. Điều đó cho thấy vẫn có những người thích thú và muốn cổ súy cho hành vi mạo hiểm này, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân. Thậm chí, một số người trẻ khi bị lâm vào bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống, đã dễ dàng lựa chọn cách giải quyết bằng việc tìm đến cái chết. Điều này giúp lý giải việc xuất hiện các “diễn đàn tự tử” trên mạng, theo đó, người muốn tự tử tìm đến với nhau để được “chết tập thể”. Nếu không kịp thời ngăn chặn các hiện tượng này, xu hướng sống bi quan, thiếu ý chí phấn đấu sẽ dễ lây lan trong giới trẻ, nhất là với người sau một vài lần vấp ngã, thất bại trong cuộc sống sẽ dễ nảy sinh tâm lý chán nản, tuyệt vọng.
Không chỉ vậy, mới đây những hình ảnh tạo vi-đê-ô clíp của một nữ sinh tiểu học hướng dẫn cách chơi trò chơi Thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge) xuất hiện trên youtube với độ dài 2 phút 46 giây khiến nhiều người giật mình. Vì đó là một trò chơi nguy hiểm, bị nhiều quốc gia lên án, ngăn chặn và giờ đây đang có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và lôi kéo giới trẻ Việt Nam. Không phải vô cớ Thử thách cá voi xanh lại được mệnh danh là “trò chơi chết chóc”, bởi khi tham gia, người chơi được yêu cầu trong vòng 50 ngày phải thực hiện hàng loạt thử thách từ dễ đến khó, như: vẽ hình cá voi, trao đổi thông tin về cá voi xanh, xem phim kinh dị một mình, đi ra nghĩa trang một mình lúc nửa đêm, leo lên nóc nhà, dùng vật sắc nhọn như dao hoặc kéo tạo hình cá voi xanh trên cơ thể… Đến ngày thứ 50, người chơi sẽ buộc phải tự kết liễu đời mình, lấy “cảm hứng” từ việc những con cá voi xanh lao lên bãi biển tự sát. Khi đó người chơi sẽ được công nhận là người chiến thắng. Nếu không thực hiện yêu cầu, họ bị đe dọa phải trả giá bằng an toàn của bản thân, gia đình.
Thử thách cá voi xanh là trò chơi được tạo ra bởi P. Budeikin (Bu-đêi-kin), một người Nga, sinh năm 1996, có lối sống khép kín và khá dị biệt. Theo Ủy ban Điều tra của Nga, chỉ từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016 đã có khoảng 130 thanh, thiếu niên ở nước này đã tự tử vì tham gia trò chơi. Tháng 5-2017, P. Budeikin bị bắt, bị tòa án Siberia kết án 3 năm tù giam. Tuy nhiên trò chơi Thử thách cá voi xanh vẫn tiếp tục lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, và thu hút nhiều người chơi mới. Qua báo chí, nhiều người đã biết được mức độ nguy hiểm của trò chơi, chính vì vậy, không ít phụ huynh đã thật sự bị “sốc” khi về nhà thấy con mình nói vanh vách về cách thức tham gia, cũng như rủ bạn bè cùng tham gia cho vui.
Vậy tại sao một trò chơi với mục đích dẫn con người tìm đến cái chết lại thu hút nhiều người như thế? Qua biểu hiện có thể thấy, thành phần tham gia trò chơi Thử thách cá voi xanh hầu hết là người trẻ. Đó là người đang ở độ tuổi thích thể hiện bản thân, thích tìm tòi, thích hành vi có tính mạo hiểm, thích khám phá điều được coi là trào lưu, xu hướng mới. Dưới sự cổ vũ của những người trong cuộc, cộng đồng mạng không ít người cho rằng, việc thử sức qua một trò chơi bằng cách mang chính tính mạng của mình ra để “đặt cược” được coi là cơ hội để thể hiện “đẳng cấp”.
Bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên sống ảo, thiếu sự quan tâm của gia đình, gặp các bất ổn về vấn đề tâm lý,… vì vậy dễ dàng ảo tưởng rằng việc tham gia các trò chơi có tính chất mạo hiểm như Thử thách cá voi xanh là một dịp để họ khẳng định “giá trị của bản thân” với người thân và bạn bè, giúp giải tỏa tâm lý, xả stress. Cũng có người chỉ vì ham vui, hoặc nghe bạn bè xúi giục, dụ dỗ mà tham gia, muốn được nhiều like (lượt yêu thích) trên facebook, mà không lường hết hậu quả tiêu cực có thể phải gánh chịu. Đặc biệt, sau khi tham gia, một số người phát hiện trò chơi không đơn giản như họ nghĩ, nên muốn rút lui, tuy nhiên vì đã nắm được thông tin bí mật của cá nhân, nên admin (quản trị viên) khống chế, uy hiếp, buộc người chơi phải tham gia đến cùng.
V.T.M, một học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Việc học căng thẳng kèm theo áp lực từ gia đình nên thỉnh thoảng em có chơi game để xả stress. Vài tháng trước em có thấy lời mời gọi từ các ứng dụng về trò chơi này. Họ nói đúng tâm sự mình lắm, đó là những bất ổn tâm lý mà mình muốn giải tỏa. Vì tò mò nên em tải về chơi. Lúc đó em chưa biết tác hại của trò chơi này, có những bước em thấy vô lý nhưng vì tính hiếu thắng, muốn trở thành người giỏi nhất nên em tiếp tục hoàn thành những thử thách. May mà gia đình phát hiện kịp thời đã “cai nghiện” được cho em, nếu không chắc em có muốn thoát cũng khó”.
Liệu những hiện tượng đáng lo ngại nêu trên có phải là một biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành vi của người trẻ? Trên thực tế, đối tượng tham gia các trò chơi nguy hiểm phần lớn là những thanh, thiếu niên đang trong lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý, dễ có những bất ổn về mặt tâm lý. Nhiều khi chỉ vì vài lời nhận xét, phê phán của bạn bè, thầy cô hay phụ huynh cũng có thể khiến các em ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị bỏ rơi, cô lập và khao khát được giải tỏa. Chưa kể lứa tuổi này ở Việt Nam rất dễ tò mò trước cái mới, lạ, càng bí hiểm càng mang tính chinh phục sẽ càng hấp dẫn. Một khi đã tham gia và bị cuốn theo trò chơi, tuân thủ theo những quy tắc, luật lệ của trò chơi, sự chủ động của người chơi dần biến mất, ngày càng trở nên phụ thuộc.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hiểu Minh (đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay trong số người bệnh đến điều trị tâm lý có khoảng 30% là người trẻ, trong số này có người từng tham gia các nhóm hưởng ứng trào lưu rạch tay rồi chụp ảnh để khoe trên mạng xã hội. Theo bác sĩ Lâm Hiểu Minh, “những người tham gia các trò này đều đang có những vấn đề về thần kinh chứ không phải vì chơi trò này mới bị tâm thần. Người tổ chức ra nhóm này cũng có vấn đề về tâm lý và tâm thần như rối loạn nhân cách, trầm cảm, loạn tâm thần,… mới khiến họ tạo ra một nhóm để lôi kéo người khác cùng tham gia”. Điều này cho thấy tình trạng đáng báo động về nhận thức và lối sống lệch lạc ở một bộ phận người trẻ, nếu không kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Từ đặc điểm lứa tuổi, những người trẻ còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống, nếu không nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình và bạn bè, thì khi rơi vào trạng thái cô đơn, mặc cảm sẽ dễ tìm đến thế giới mạng ảo để “nương náu”, giải tỏa. Chính từ đây, một số người đã bị dẫn dụ hoặc tự tìm đến các trào lưu tiêu cực trên mạng xã hội, không quan tâm cuộc sống hiện thực, dẫn đến hậu quả là bị mắc các chứng bệnh về tâm lý có thể đẩy tới các hành vi gây tổn hại đến tính mạng của bản thân. Nhằm kịp thời ngăn chặn giới trẻ tham gia trào lưu đáng lên án như Thử thách cá voi xanh, tại các trường học ở một số quốc gia như Ấn Độ, Bra-xin,… đã tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm nhằm giúp học sinh nhận thức được tác hại của trò chơi này để tránh xa. Còn tại Trung Quốc, người tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia trò chơi này sẽ bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý nghiêm.
Tại Việt Nam, hiện nay ngành giáo dục một số địa phương đã có công văn chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn yêu cầu cần quan tâm theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa những biểu hiện học sinh tham gia những trò chơi chết chóc này. Tuy nhiên, cùng với nhà trường, hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh cần theo sát các biến đổi bất thường ở con em mình, từ đó tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của cha mẹ không ít người tham gia trào lưu như rạch tay, tự tử khoe facebook, Thử thách cá voi xanh,… đã rút khỏi trò chơi, tránh được hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh nhà trường, gia đình, vai trò các tổ chức đoàn thể cũng như của cả cộng đồng cũng hết sức quan trọng, giúp người trẻ hướng tới suy nghĩ tích cực, nỗ lực phấn đấu khẳng định giá trị của bản thân, tham gia những hoạt động có ích cho cộng đồng. Quan trọng nhất, đó chính là mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt để không bị lôi cuốn vào những trào lưu nguy hiểm, phản văn hóa.
|
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa