C.B
Từ trước đến nay việc đánh giá cán bộ là một
trong những khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Văn kiện Đại hội XII
của Đảng ghi rõ phương hướng về công tác cán bộ: “Tiếp tục ban hành và thực hiện
các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng
bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về
việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí
cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp....”[1].
Để đánh giá khách quan đối với cán
bộ, một trong những quan điểm được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương
khóa XII chỉ rõ: “Gắn cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa
phương, cơ quan, đơn vị”. Thông qua việc đọc báo, xem tivi, những bài viết về
công tác cán bộ của các nhà nghiên cứu thì thấy rằng đây là vấn đề được đề cập
tương đối nhiều, nó phản ánh đúng thực chất công tác đánh giá cán bộ đó là lấy
kết quả phục vụ lợi ích của Đảng, của nhân dân của Đất nước là quan trọng nhất.
Mỗi người ngay từ khi sinh ra cho lớn
lên luôn gắn với một môi trường hoàn cảnh nhất định. Con người là chủ thể cải tạo
hoàn cảnh, ngược lại hoàn cảnh, môi trường đó có vai trò quan trọng đối với sự
phát triển trưởng thành của cá nhân đó, đồng thời sự phát triển của môi trường
luôn gắn với kết quả thực hiện của con người. Do đó, gắn cá nhân với tập thể và
kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị là một chủ trương
đúng đắn của Đảng trong việc đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ.
Con người trưởng thành, phát triển
trong việc giải quyết hài hòa các mỗi quan hệ xã hội. Do đó, gắn cá nhân với tập
thể chính là để mọi cá nhân biết tôn trọng tập thể, có trách nhiệm, nghĩa vụ vì
tập thể, có quan hệ bình đẳng, thân ái, giúp đỡ giữa các cá nhân trong tập thể.
Hay nói tóm lại là xây dựng ý thức và tinh thần tập thể làm việc tập thể, cùng
tập thể tiến bộ, trưởng thành. Chỉ khi làm được điều đó mới có thể giải quyết tốt
mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể, tạo ra động lực quan
trọng giúp tập thể và những cá nhân trong tập thể đó phát triển.
Một tiêu chí đặc biệt quan trọng
khác trong việc đánh giá cán bộ là lấy quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, của
cơ quan đơn vị để xem xét năng lực cán bộ. Đây là một quan điểm thực tiễn của Đảng,
bởi vì kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ không những phản ánh năng lực mà
còn phản ánh đầy đủ ý chí, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đó với công
việc trên cương vị, chức trách được giao. Về vấn đề
này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt
mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem
toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”, “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận
xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ mà phải xem xét cách sinh hoạt
của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc
làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét
họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào.
Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải
biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem
công việc của họ trong một lúc, mà phải xem
công việc của họ từ trước đến nay”[2].
Như vậy, có thể khẳng định đây là những quan
điểm rất toàn diện trong việc đánh giá năng lực cán bộ, với những quan điểm như
vậy sẽ khơi dậy ở đội ngũ cán bộ tinh thần sáng tạo, sự quyết tâm trong thực hiện
nhiệm vụ, “Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”,[3] chỉ có
như vậy đội ngũ cán bộ các cấp mới có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng tốt yêu
cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển
kinh tế trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới mà Đảng, nhân
dân ta đang tiến hành.
Mỗi cán bộ, đảng viên hãy là những tấm gương sáng trong chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật
Trả lờiXóa