Trong những ngày gần đây, sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu, dư luận trong nước và ngoài nước đều quan tâm. Thế nhưng, núp dưới chiêu trò “phát huy lòng yêu nước”, một số thế lực thù địch đã kích động người dân tụ tập đông người, tuần hành ở một số địa phương, nhất là ở tỉnh Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 và 11-6-2018. Ở Bình Thuận, một số người thiếu kiềm chế, có hành vi quá khích, phá hoại tài sản công, đập phá công sở, đốt xe, phản kháng bằng vũ lực đối với người thi hành công vụ. Những hành vi này, đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Hình ảnh những đám đông, gây rối trật tự công cộng, giơ khẩu hiệu phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) và Luật An ninh mạng, … lập tức được nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây, như: BBC, RFA, VOA, RFI,… phát tán rộng rãi, thổi phồng khiến cho không ít người nghĩ rằng Việt Nam đang diễn ra bất ổn lớn về chính trị!
Điều cần phải làm rõ là – vì sao sau khi trên diễn đàn Quốc hội, ngày 8 tháng 6, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời gian thông qua Dự Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội và nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn, đảm bảo giữ vững an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia nhưng vẫn diễn ra những cuộc tụ tập đông người, bất hợp pháp gây rối trật tự, an toàn xã hội?
Ở thời điểm diễn ra vụ việc và sau đó, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhận được ý kiến của người dân ở cả 3 miền đất nước. Các cử tri hoan nghênh Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cử tri, các nhà khoa học và nhân dân, tạm dừng thông qua Dự luật Đặc khu, đồng thời bày tỏ thái độ bất bình đối với các đối tượng gây rối. Có người nói: “Cử tri rất bất bình về vấn đề này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương xem xét xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tham gia kích động, gây rối, phá hoại tài sản nhà nước”1. Khách quan xem xét vụ việc, phần lớn người tham gia đám đông, gây rối chỉ theo cảm tính, nhẹ dạ cả tin. Nhiều người đơn giản nghĩ rằng, mình tham gia xuống đường là bày tỏ “lòng yêu nước”, bày tỏ mối quan tâm đối với an ninh Quốc gia, với chủ quyền Dân tộc, v.v. Tinh thần cảnh giác cao đối với các thế lực thù địch, chia sẻ trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước là điều rất đáng trân trọng và cần được nuôi dưỡng, phát huy.
Tinh thần cảnh giác cách mạng, lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng.
Thứ nhất, những kẻ dẫn dắt đám đông đã kích động người dân, che giấu sự thật, cố tình xuyên tạc quan điểm của Đảng và Chính sách của Nhà nước. Khẩu hiệu được những kẻ cầm đầu in sẵn từ trước, tán phát là: “ Phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng”; “stop đặc khu”, “stop Luật An ninh mạng”. Những người biểu tình còn hô to: “vì độc lập, phản đối đặc khu”, “vì tự do, phản đối luật an ninh mạng”, v.v.
Về Dự luật Đặc khu, trước hết đây đang là một văn bản Dự thảo trình Quốc hội xem xét. Nhiều vấn đề còn đang trao đổi, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Đối với trường hợp cho thuê đất 99 năm, theo dự thảo Luật thì trường hợp này chỉ áp dụng đối với những trường hợp đặc biệt. Đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước cần công trình đó. Đối với những công trình cho thuê 99 năm quy trình xét duyệt hết sức chặt chẽ, nghiêm túc: “Trước khi Thủ tướng quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng, Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan khác”2. Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Luật Đặc khu “vi phạm độc lập”, “chủ quyền của Dân tộc” và cũng không phải Luật này nhằm giao cho những quốc gia nào đó có sẵn như những kẻ dẫn dắt đám đông hoặc thông tin trên xã hội ảo tuyên truyền.
Thứ hai, những hành vi vi phạm an ninh Quốc gia, kích động người dân, làm ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại của Đảng như thế nào? Không phủ nhận rằng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Hoa Kỳ đã từng có những bước thăng trầm. Song, chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, những phần tử cực đoan chống Việt Nam vẫn khai thác những mâu thuẫn này nhằm phá hoại quan hệ quốc tế của Nhà nước ta. Đảng ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với các quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung về các phương hướng thúc đẩy quan hệ phát triển ổn định, bền vững. Những khẩu hiệu trực diện chống Trung Quốc, kỳ thị với Trung Quốc trên thực tế là đi ngược lại quan điểm của Đảng, Nhà nước và lợi ích của Dân tộc ta.
Thứ ba, hậu quả những hành vi vi phạm an ninh Quốc gia, trật tự công cộng như thế nào? Những hành vi nói trên đã gây tổn thương không đáng có đến một trong những giá trị lớn của Dân tộc, đó là: sự ổn định chính trị xã hội. Như chúng ta biết, sau những vụ việc đáng tiếc xảy ra vừa qua, có nhiều khách du lịch đã rút ngắn hoặc cắt bỏ nhiều chuyến du lịch đến Việt Nam; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã cân nhắc lại môi trường chính trị, xã hội của Việt Nam. Nếu như trước đây, lợi thế của Việt Nam là nhân công rẻ và chính trị xã hội ổn định thì ngày nay, những vụ việc nói trên đã xóa đi phần nào hình ảnh về một Việt Nam yên bình, là nơi đến an toàn “đáng sống” trên thế giới.
Thứ tư, nhận diện những kẻ “đóng vai” người yêu nước, dẫn dắt đám đông gây rối là ai? Trong số hơn hai trăm người bị cơ quan chức năng bắt tại hiện trường vì hành vi gây rối trật tự công cộng và một số bị khởi tố cho thấy, hầu hết họ là những đối tượng nhân thân xấu, đã có tiền án, tiền sự, không có công ăn việc làm, văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, dễ bị kích động và đặc biệt là còn rất trẻ. Chẳng hạn, 03 thanh niên trẻ mặc sắc phục (giả) Công an bị lực lượng nghiệp vụ Công an Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh phát hiện đều khai rằng: dùng sắc phục Công an nhằm trà trộn vào đám đông để gây rối, làm như chính lực lượng An ninh cũng phản ứng với dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Hoặc 04 đối tượng khác dùng tuýp sắt đập phá ô tô, công sở trong cuộc gây rối ngày 10-6-2018 ở thành phố Hồ Chí Minh cũng còn trẻ và đã có tiền án, tiền sự, như: Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, quê Bắc Giang, có 03 tiền án về tội trộm cắp tài sản), Nguyễn Huỳnh Đức (18 tuổi, quê Sóc Trăng), Bùi Văn Tiến (17 tuổi, quê Tiền Giang) và Trương Ngọc Hiền (21 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) đã bị khởi tố về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Đáng chú ý, trong cuộc tụ tập đám đông, gây rối trật tự công cộng còn có William Nguyễn (người Mỹ gốc Việt). Ông này sinh ở bang Texas, tốt nghiệp đại học Yale. Trước khi bị bắt, William Nguyễn đã tải lên tài khoản Twitter của mình một số hình ảnh “livestream” của cuộc biểu tình ngày 10-6. Khi tham gia đám đông, William Nguyễn ngang nhiên hô hào đòi hủy Luật Đặc khu; quay video bằng điện thoại thông minh, giơ khẩu hiện (được chuẩn bị sẵn) xuyên tạc “tự do Việt Nam”, lên xe chuyên dụng, cản trở cơ quan chức năng làm việc. Hành vi đó, đã bị Cảnh sát can thiệp và bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Xem xét nhân thân những đối tượng bị bắt, người ta thấy đó là những phần tử xấu, không loại trừ có thế lực chính trị đứng sau cho tiền, ra lệnh chỉ đạo từ nước ngoài nhằm lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để thực hiện mưu đồ đen tối, nguy hiểm chống phá Đảng, chế độ, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong dịp tiếp xúc với cử tri các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (ngày 15-6-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Việc kích động phản đối dự án Luật này để thể hiện lòng yêu nước… bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân, để âm mưu làm việc xấu; cần nghiêm trị những kẻ lợi dụng việc này để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc”. Tổng Bí thư mong muốn cử tri, nhân dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đồng chí nhấn mạnh: “Đảng ta là Đảng của Bác Hồ, không có mục đích nào khác là vì nước vì dân, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho người nước ngoài để người ta vào đây làm rối mình, cho nên phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đập tan âm mưu phá hoại của các phần tử chống đối. Đảng cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác là vì nước, vì dân”3.
Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu, giá trị chính trị tinh thần quý báu nhất của Dân tộc ta. Ngày nay, giá trị đó cần được trân trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng. Trong bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực, trong nước đã và đang thay đổi lớn, lòng yêu nước ngày nay cần phải dựa trên đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng và đặc biệt phải đặt niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam.
BẮC HÀ
______
______
1 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phải lập lại trật tự, bảo đảm an ninh an toàn cho xã hội, Chính phủ-18-6- 2018, 12:30 GMT+7
2 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phải lập lại trật tự, bảo đảm an ninh an toàn cho xã hội, Chính phủ-18-6-18 12:30 GMT+7
3 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Không có mục đích nào khác là vì nước vì dân , TTXVN/Vietnam+ 17-6-2018, 18:46 GMT+7
Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa