HT
Để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch
sử dụng rất nhiều thủ đoạn, biện pháp khác nhau, trong đó, có lợi dụng vấn đề
tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi giai đoạn, căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng dùng những
thủ đoạn cụ thể để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chúng ta trong thực hiện
chính sách tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, xuyên tạc, chống đối, nhằm chống
phá cách mạng Việt Nam.
Các
thế lực thù địch lợi dụng quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng,
tôn giáo trong tình hình mới để chống phá. Đảng ta cho rằng tín ngưỡng tôn giáo
là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và đạo đức tôn giáo có nhiều điều
phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “…phát huy những giá trị văn hóa, đạo
đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn
giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước
công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ đất nước”[1].
Đồng thời khẳng định rõ quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước
pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị
văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ
tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh
thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo
và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”[2]. Điều
này, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn
giáo.
Lợi
dụng quan điểm, chủ trương và chính sách đúng đắn này, các thế lực thù địch
kích động các tín đồ đấu tranh đòi “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, tự do phát triển
tôn giáo bất chấp pháp luật. Họ cho
rằng, họ có quyền tiếp tục kiên trì theo đuổi việc “xây dựng và bảo vệ các quyền
tôn giáo cho người dân ở mọi nơi”. Họ cố tình chứng minh: Nhiều
nơi các tôn giáo cũng bị sách nhiễu…, nhiều tôn giáo bị chén ép nhất là khi hoạt
động của họ bị coi là có khả năng thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Đây thực sự là một nhận định thiếu thiện chí, thiếu căn cứ, bóp méo sự
thật, với dụng ý xấu. Theo
đó, trong những bản điều trần, phúc trình, báo cáo về
tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra hàng năm đều
có nhiều nội dung thể hiện sự nhìn nhận phiến diện, thiếu khách quan, thiện
chí về về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Các
thế lực thù địch lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chúng ta trong thực hiện
chính sách tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, xuyên tạc, chống đối. Chúng ra sức
lợi dụng quyền được hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo những qui định của pháp
luật Việt Nam để đẩy mạnh các hoạt động chính trị nhằm tạo dựng “ngọn cờ”, công
khai thành lập và công khai hoạt động của các tổ chức đối lập ở trong nước, nhằm
tạo thành thế “đã rồi” để các lực lượng bên ngoài có cớ xâm phạm, can thiệp vào
công việc nội bộ và chủ quyền của nước ta. Cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đêga”
trên địa bàn Tây Nguyên là một trong những vấn đề chính trị mà các thế lực thù
địch, phản động bên ngoài và trong nước đã và đang câu kết chặt chẽ với nhau để
chống phá cách mạng Việt Nam, đã bị chúng ta đấu tranh vạch mặt, nhưng đến nay
chúng vẫn chưa từ bỏ âm mưu đó.
Chúng rất chú trọng lợi dụng những vấn đề nhạy cảm,
như những vấn đề đất đai, nơi thờ tự, để vu cáo Nhà nước ta chén ép, đàn áp tôn
giáo, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, kích động đồng bào
có tín ngưỡng, theo tôn giáo đòi lại đất đai mà trước đây các tổ chức tôn giáo
đã hiến, tặng cho Nhà nước, cho chính quyền địa phương. Các thế lực thù địch chỉ
đạo rất sát sao các phần tử phản động ở Tây Nguyên, gây ra hàng trăm vụ tranh
chấp đất đai, khiếu kiện tập thể dưới các hình thức tôn giáo, dân tộc, đòi lại
đất đai của người Kinh, gây chia rẽ giữa người Kinh với người Thượng. Chúng đã
kích động, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc và cả cưỡng bức quần chúng nhân dân, đặc
biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, xuống đường “đấu
tranh” gây bạo loạn chính trị chống lại Đảng, chính quyền và cưỡng bức một số
người vượt biên, huấn luyện rồi đưa trở về nước hoạt động chống phá chế độ.
Lợi dụng đường lối đổi mới đất nước và chính sách tự
do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch còn kích
động một số “tổ chức tôn giáo” không được Nhà nước ta công nhận ở trong nước,
tiến hành các hoạt động củng cố đức tin, phục hồi tổ chức và đòi được công nhận
để hoạt động. Chúng kích động rất mạnh các tổ chức tôn giáo đấu tranh đòi lại đất
đai, cơ sở tôn giáo, tăng cường hoạt động "từ thiện" để lôi kéo quần
chúng; phát triển đạo, tạo thế và lực, từng bước tách khỏi sự quản lý của Nhà
nước.
Chúng đẩy mạnh tiến hành các hoạt động truyền đạo
trái phép, thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật ở nhiều
nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh
hưởng rất tiêu cực đến ổn định xã hội. Việc truyền đạo trái phép cái gọi là đạo
Tin lành Vàng Chứ trong đồng bào H.Mông ở các tỉnh Tây Bắc nước ta từ những năm
cuối của thế kỷ trước đến nay, gây nhiều hậu quả rất tiêu cực đối với đời sống
tinh thần và vật chất của đồng bào, làm mất ổn định xã hội, là bằng chứng rõ
ràng nói lên thủ đoạn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch
bên trong và bên ngoài tiến hành ở nước ta. Chúng còn ra sức và triệt để lợi dụng
những sơ hở, thiếu sót, hạn chế của chúng ta, của chính quyền các cấp, nhất là
của chính quyền ở cơ sở trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, củng cố quốc
phòng, an ninh, trong quá trình thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo,
trong công tác tôn giáo để kích động tư tưởng chống đối, khoét sâu mâu thuẫn nội
bộ. Trên cơ sở đó, tạo ra những nhân tố mất ổn định, gây rối, bạo loạn, biến vấn
đề tín ngưỡng, tôn giáo thành vấn đề chính trị, từ đó chúng tạo cớ cho các thế
lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng còn tìm cách
tăng cường củng cố và phát triển các hội đoàn, phục hồi các tổ chức tôn giáo
cũ; thông qua hoạt động truyền đạo trái phép, phát triển tín đồ, lôi kéo quần
chúng để từng bước vô hiệu hóa hệ thống chính trị ở cơ sở.
Những hoạt động
trên là thủ đoạn lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc
thiểu số đặc thù, là vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo được núp dưới hình thức dân tộc.
Hay nói cách khác, đó là một thủ đoạn lôi kéo, chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu
số với người Kinh và với cả cộng đồng dân tộc Việt Nam được núp dưới hình thức
tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự
nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của
nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôn trọng tín ngưỡng, nhưng phải kiên quyết đấu tranh chống lại những kẻ núp
dưới mặt nạ tôn giáo
để chống
phá cách mạng Việt Nam./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016, tr. 165.
[2] . Luật tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), Nxb
Lao động, H. 2017 tr. 9
Mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động và các thế lực thù địch nhất định sẽ bị lột trần và thất bại
Trả lờiXóa