Hồng Hạc
Ngày 03/5/2023, trên trang blog Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), đối tượng Thanh Phương tán phát bài “Quyền tự do báo chí vi phạm trên khắp thế giới”; ngày 05/4/2023, trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Lương tán phát bài “Tự do báo chí ở Việt Nam, giấc mơ huyễn hoặc”, nội dung xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ và một số quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội; vu cáo chính quyền Việt Nam “vi phạm” quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, “ngăn chặn” người dân tiếp cận thông tin”; kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp; đồng thời, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
Tại sao các thế lực thù địch tìm đủ mọi thủ đoạn để phủ nhận quyền tự do báo chí của Việt Nam?
Ở nước ta, Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhằm mang lại sự an toàn, ổn định để người dân được sống trong yên bình, hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, thù hằn với chế độ, không chấp nhận sự thật đó, dù cho đất nước đang ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại... Chúng phủ nhận cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Chúng cho rằng chế độ một đảng sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, mất tự do, dân chủ; tự do báo chí vì vậy cũng không tồn tại, khi mà nhà cầm quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Từ luận điệu đó, các thế lực thù địch kêu gọi, thúc giục, cổ xúy cho khuynh hướng đa nguyên, đa đảng ở nước ta, trước hết bằng việc “đòi tự do báo chí” theo quan niệm của chúng.
Chúng sử dụng chiêu bài “bảo vệ nhà báo” và “đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí” để gây hoang mang dư luận, chia rẽ nội bộ, giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, đưa nước ta rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị. Chúng triệt để lợi dụng một số yếu kém, sơ hở, sai lầm còn tồn tại trong công tác quản lý báo chí, thổi phồng những sai sót trong các bài phát biểu, các công trình hoa học, các vấn đề về nhân sự, dự án kinh tế, chính sách công… để kích động, tạo bất mãn trong xã hội, làm giảm uy tín của các cấp lãnh đạo, đi đến khẳng định sai lầm của chế độ. Chúng lợi dụng trường hợp những nhà báo, những người bị xử lý do vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để tuyên truyền rằng báo chí ở Việt Nam “đang bị kìm kẹp”, “nhà nước bóp nghẹt tự do ngôn luận, triệt tiêu quyền tự do báo chí”…
Mục đích cuối cùng của chúng là gì?
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí chắc chắn không là mục tiêu cuối cùng của các thế lực phản động, cơ hội chính trị. Nhìn vào hoạt động của các thế lực thù địch, dễ dàng nhận ra điểm đến cuối cùng của các phần tử này là phá hoại con đường đi lên XHCN của đất nước ta. Do vậy, chúng tìm mọi cách thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước ở từng lĩnh vực. Bên cạnh việc sử dụng chiêu bài “đòi tự do báo chí”, chúng còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đòi mở rộng dân chủ trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội; đưa ra những luận điệu, yêu sách như: Đảng lãnh đạo Quốc hội là Đảng đứng trên Hiến pháp và pháp luật; đòi xây dựng nền kinh tế thị trường tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi sự lãnh đạo của Đảng hay định hướng XHCN,.. Để thực hiện âm mưu trên, chúng biết đầu tiên cần làm là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, bởi báo chí là nhân tố hàng đầu trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, từ đó chúng hiện thực hóa những mục tiêu khác.
Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là bước quan trọng để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong vai trò lãnh đạo toàn xã hội, tiến tới phá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng ráo riết tìm cách xây dựng những “cơ sở” tư tưởng để đòi đa nguyên chính trị, hướng đất nước đi theo mô hình TBCN, tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp truyền bá lý tưởng, đạo đức, lối sống tư sản, những quan điểm xa lạ về “tự do” để gây xáo trộn về mặt tư tưởng trong xã hội, làm tha hóa lối sống, đạo đức, làm cho một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng mơ hồ, mất phương hướng chính trị, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lịch sử, truyền thống của đất nước, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là những âm mưu rất thâm độc.
Trước sự chống phá đó, Đảng và Nhà nước ta đã hành động ra sao?
Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều này được khẳng định tại Điều 10, Hiến pháp năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Sau đó tiếp tục khẳng định ở Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật, văn bản có liên quan cũng chỉ rõ công dân sử dụng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận trên mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác, tự nhận biết, sàng lọc thông tin không để các đối tượng xấu lợi dụng quyền tự do ngôn luận tuyên truyền quan điểm sai trái; đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Đồng thời các lực lượng chức năng cũng đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật.
Từ những vấn đề nêu trên đã cho thấy rõ bộ mặt phản động, xuyên tạc của các đối tượng như Thanh Phương và Lương về quyền tự do báo chí, áp đặt quan niệm về tự do báo chí của các nước tư bản vào nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Song, cả phương diện lý luận và thực tiễn đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét