QPTD-Xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là thủ đoạn không mới, nhưng rất nguy hiểm, bởi đây là vấn đề được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc đó một cách kịp thời; đồng thời, khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay.
Biển Đông có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực, cũng như tồn tại nhiều phức tạp, tạo sự quan tâm đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới, trong đó có hệ thống hàng hải quốc tế cùng những “vấn đề” về chủ quyền, lãnh thổ, nên nơi đây đã, đang là tâm điểm cạnh tranh và gây ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều thập niên gần đây, vùng biển này luôn là “vấn đề nóng” trên bàn cờ chính trị của khu vực. Đối với nước ta, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động đã tung ra không ít thông tin sai sự thật, hòng xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong đó, họ nêu những “đề xuất”, “kiến nghị” đòi thay đổi chính sách ngoại giao của Việt Nam về chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, khi tình hình trên Biển Đông có “điểm nóng”, thì ngay lập tức, trên các tờ báo, đài phát thanh phản động ở nước ngoài, như: BBC, Đài châu Á tự do (RFA), các trang mạng xã hội, như: Facebook, YouTube, Twitter, Zalo,… tăng cường phát tán tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc về vấn đề này.
Luận điệu mà họ thường rêu rao là Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược”, “làm ngơ” trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; rằng, “chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc quân sự thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”; sức mạnh của Hải quân Việt Nam hiện nay là “quá yếu”, “lạc hậu”, v.v. Do đó, Việt Nam cần liên minh quân sự với các nước lớn có tiềm lực quân sự, quốc phòng mạnh, mới bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo quốc gia (!).
Cần khẳng định rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, bịa đặt; mục đích của họ nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước. Bởi, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng đường lối, quan điểm nhất quán, đúng đắn, hợp quy luật, hiệu quả.
Về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngay sau khi đất nước thống nhất, nắm bắt việc Liên hợp quốc đang trong quá trình thảo luận, xây dựng Công ước về Luật Biển và nội dung liên quan, ngày 12/5/1977, Việt Nam đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định vùng biển chồng lấn với các quốc gia có liên quan trong giai đoạn sau này. Cụ thể: Việt Nam đã ký Hiệp định về phân định ranh giới biển với Thái Lan vào ngày 09/8/1997 và hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 26/02/1998. Đây là hiệp định phân định biển đầu tiên mà Việt Nam ký kết với các quốc gia láng giềng và cũng là hiệp định phân định biển đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực vào ngày 16/11/1994. Cùng với hiệp định này, Việt Nam và Thái Lan cũng đã có thỏa thuận về việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước vào năm 1998, góp phần quan trọng vào việc duy trì an ninh, trật tự, ổn định vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Đối với Vịnh Bắc Bộ, ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ; theo đó, về diện tích tổng thể: Việt Nam đạt 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% diện tích Vịnh. Ngày 26/6/2003, sau 25 năm đàm phán, Việt Nam và Inđônêxia đã ký Hiệp định phân định thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước và hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 29/5/2007. Những hiệp định trên mang ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc quản lý, khai thác các vùng biển và thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng. Đây là một minh chứng cho thấy, Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, chủ động, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong thực tế, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ngay lập tức thể hiện quan điểm kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm của nước ngoài, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao để lên án những hành vi vi phạm chủ quyền trên biển, đảo Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và kiên trì giải quyết từng bước những bất đồng tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với các nước liên quan, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực; tăng cường vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Bằng trải nghiệm xương máu trong lịch sử về hậu quả của chiến tranh, chúng ta cực lực phản đối chiến tranh, xung đột dưới bất cứ hình thức nào. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng nói chung, liên quan đến biển, đảo nói riêng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, sẵn sàng về lực lượng, phương án, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đây là biện pháp thể hiện sự khôn khéo, mềm dẻo về sách lược, nhưng rất kiên quyết về nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta để đạt được mục tiêu đề ra, chứ không phải là “nhu nhược, hèn nhát”, “làm ngơ về Biển Đông” như những rêu rao xuyên tạc của các thế lực phản động, cơ hội chính trị.
Về vấn đề liên minh quân sự, trước hết, cần khẳng định quan điểm “bốn không” trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc không hề mâu thuẫn với chủ trương: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”1. Thực tế minh chứng, nhờ nhất quán và thực hiện đúng đường lối đối ngoại này, Việt Nam đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại lòng tin chiến lược - một nền tảng hết sức quan trọng cho các đối tác, các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, chính nghĩa, nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và thời đại - một nhân tố quan trọng giúp chúng ta giành thắng lợi. Đây là một trong những bài học được rút ra trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc, phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, không thể ảo tưởng trông chờ vào liên minh nào. Mặt khác, theo logic của vấn đề, lợi ích của việc liên minh quân sự chắc chắn phải đạt được từ hai phía: nước nhỏ có thể tránh được nguy cơ mất chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc mình trước một mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, nhưng cái giá phải trả đó là sự “thế chấp” nào đó để nhận được những “cam kết” bảo vệ từ đồng minh. Đó là “luật chơi” thường thấy trong quan hệ quốc tế hiện nay. Như vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều khẳng định, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam là phải tự lực, tự cường, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa vào sức mình là chính, song luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế, nhân dân tiến bộ trên thế giới để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây cũng là sự khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta để đập lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Theo đó, chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm nòng cốt. Và từ năm 2010, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Vì thế, lực lượng Hải quân được ưu tiên đầu tư cả về vũ khí, trang thiết bị và con người. Với việc tiếp nhận, huấn luyện làm chủ và đưa vào khai thác sử dụng nhiều loại tàu, vũ khí trang thiết bị hiện đại, đến nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã có đủ năm thành phần lực lượng: tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; pháo binh - tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Cùng với đó, với truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành gần 70 năm qua và những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hải quân luôn vững vàng về lập trường, kiên định về lý tưởng, có tư duy sáng tạo, quyết đánh và quyết thắng, chắc chắn sẽ là những quả đấm thép, đủ sức cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Điều này, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sức mạnh, ý chí chiến đấu của lực lượng Hải quân Việt Nam.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ thiêng liêng; trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và phải tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp. Trong đó, cần nhận rõ, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với những chiêu trò xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ, đúng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
TS. TRẦN THỊ NHẸN, Học viện Hải quân
_________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 117 - 118.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét