QĐND-Trong thế giới thông tin đa chiều, tốt-xấu đan xen, việc định hướng dư luận xã hội, lấp khoảng trống thông tin ở cơ sở cần những giải pháp tổng thể, căn cơ từ các cơ quan chức năng và người dân.
Còn nhiều khó khăn
Ở hai bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh việc người dân chưa mặn mà với các thông tin chính thống. Lý giải nguyên nhân, đồng chí Đinh Kiên Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa (Quảng Bình) nhận định: “Mặt bằng dân trí thấp, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là một trong những rào cản lớn trong việc truyền tải thông tin đến với cơ sở”.
Ở một khía cạnh khác, đội ngũ cán bộ được giao phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền, quản trị các trang, nhóm; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở cơ bản đều kiêm nhiệm nhiều công việc, vì vậy rất khó để kịp thời thông tin, định hướng dư luận trên địa bàn khi xảy ra vụ việc, hoặc cao hơn là tổ chức lực lượng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng chí Nguyễn Duy Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ: “Địa phương đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, thông tin viên từ xã xuống tận các thôn. Tuy nhiên, để những hạt nhân này phát huy hiệu quả thì cần phải quan tâm hỗ trợ thêm về kinh phí, phụ cấp, nhất là giảm bớt áp lực trong công việc. Ví dụ, đồng chí Bí thư Đoàn xã, bên cạnh kiêm nhiệm báo cáo viên thì còn phải gánh thêm 3 nhiệm vụ khác. Một mình đảm nhiệm 4 vai thì thật khó để cùng lúc hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Đến các thôn trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... nhiều cán bộ cấp thôn cơ bản tuổi cao nên việc sử dụng điện thoại thông minh, tham gia thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng rất hạn chế, thậm chí có đồng chí chưa tham gia mạng xã hội bao giờ. Số cán bộ, đảng viên trẻ ở cơ sở sử dụng mạng xã hội, blog cá nhân trong đăng tải, chia sẻ các thông tin chính thống chưa thường xuyên, còn việc đấu tranh trực diện với những luồng thông tin xấu độc, thù địch thì rất hiếm.
Tranh của PHÙNG MINH |
Một trong những khó khăn ảnh hưởng lớn đến công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng, khiến thông tin bị pha trộn, thật-giả khó phân biệt là số lượng tài khoản mạng xã hội, hội, nhóm trên không gian mạng rất lớn, gia tăng với tốc độ nhanh chóng; được tạo lập trên nhiều nền tảng khác nhau như: Facebook, TikTok, Zalo, Viber, Telegram... Những đối tượng lừa đảo, thù địch hoạt động ẩn danh, sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu thông tin, lập nhiều tài khoản cùng lúc để hoạt động; hầu hết được lập trên các dịch vụ do nước ngoài cung cấp, áp dụng nhiều công nghệ bảo mật (mã hóa, ẩn danh...) và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng... “Do vậy, việc rà soát, xác minh các tài khoản, thu thập tài liệu, chuyển hóa chứng cứ chứng minh đối tượng tạo lập, sử dụng gặp nhiều khó khăn”-đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết.
Quả thực hiện nay, quy định pháp luật xử lý đối tượng chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với hành vi tán phát, tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tuyên truyền lối sống “giang hồ mạng”, cổ xúy những trào lưu trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay chưa có quy định nào về việc xác định danh nghĩa của cá nhân với tài khoản mạng xã hội. Đây là sơ hở để các đối tượng lợi dụng những logo của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cả cán bộ, đảng viên để đánh lừa dư luận. Sau khi xác minh được đối tượng, việc củng cố tài liệu, chứng cứ để gắn trách nhiệm về hành vi trên không gian mạng cho đối tượng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng ngoan cố chối cãi, không chịu thừa nhận hành vi. Bởi vậy, muốn xử lý được đối tượng phải có sự phối hợp đồng thời nhiều lực lượng tổ chức bắt quả tang trong quá trình đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương cũng thẳng thắn nhận rõ: Nhiều cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, chưa quan tâm một cách đầy đủ về công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng; bảo vệ nhân dân trước những thông tin xấu độc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu định hướng chỉ đạo hoạt động, tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự kịp thời, nhất là liên quan đến vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn xảy ra sai sót, khi xảy ra sự việc xử lý chậm và không dứt điểm, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc. Số ít cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thể hiện sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ của Đảng.
Định hướng thông tin từ sớm, từ xa
“Điều chúng tôi cần là những thông tin cảnh báo sớm trên không gian mạng về các thủ đoạn lừa đảo, âm mưu thù địch, xuyên tạc, kích động từ các cơ quan chức năng để nhân dân cảnh giác; cảnh báo những thông tin xấu độc để mọi người nhận diện, từ đó không tin, không nghe theo. Vừa qua, những thông tin cảnh báo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và công an các địa phương gửi tin nhắn trực tiếp đến điện thoại từng người dân là một cách làm hay cần duy trì thường xuyên”. Đó là mong muốn không chỉ của đảng viên Nguyễn Văn Thoại (74 tuổi) ở thôn Trung Ngoại, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mà còn là ý kiến của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân khi chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện trong quá trình khảo sát.
Nhìn lại việc lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng... có thể thấy rằng: Sự vào cuộc, định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội của hệ thống báo chí cách mạng rất chậm, thậm chí rơi vào lúng túng, nhiều tờ báo im lặng trong khoảng thời gian đầu. Đó chính là “thời cơ vàng” để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, xúi giục nhân dân qua các nền tảng mạng xã hội.
“Từ vụ việc trên, nếu chúng ta chủ động dự báo sát tình hình dư luận trong nhân dân, tổ chức lực lượng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí tăng tần suất, các lớp thông tin để tuyên truyền, định hướng nhân dân nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đồng thời vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với ổn định, phát triển của quê hương, đất nước từ sớm, từ xa, tôi tin nhân dân sẽ đồng tình, ủng hộ”, đồng chí Đinh Kiên Cường chia sẻ.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt giải pháp trên, ngoài nỗ lực của các cơ quan truyền thông, báo chí thì cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn nữa...
Một giải pháp quan trọng nữa là phải khéo phát huy vai trò của đội ngũ các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt gắn bó trực tiếp với nhân dân, vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, vừa lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Có nhiều cách làm ở cơ sở được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên triển khai như: Thông qua các buổi họp dân; các trang, nhóm trên mạng xã hội; loa truyền thanh địa phương... để tuyên truyền, vận động người dân. Tuy nhiên, nhiều báo cáo viên kỹ năng, kinh nghiệm còn ít nên cách thức tuyên truyền cứng nhắc, rập khuôn, chưa chắt lọc, chưa gắn sát với thực tiễn đời sống, vì vậy chưa lôi cuốn được người dân dõi theo, lan tỏa. Đồng chí Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thừa nhận: “Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở dù số lượng đông nhưng chưa mạnh, một phần vì kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, một phần do chế độ đãi ngộ thấp nên việc lựa chọn được những báo cáo viên giỏi, tâm huyết, có uy tín, có trình độ và năng lực thuyết phục cao thật sự khó khăn”.
Qua khảo sát, ở các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều lập fanpage, nhóm Zalo... để đăng tải những bài viết tuyên truyền chủ trương, chính sách mới và cảnh báo những thông tin xấu độc từ mạng xã hội. Song chúng tôi nhận thấy, chỉ số ít fanpage thu hút người dân quan tâm, số còn lại có nội dung nghèo nàn, thông tin không cập nhật thường xuyên nên lượng người theo dõi ít, không phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân do cán bộ phụ trách kiêm nhiệm nhiều việc và phần lớn không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đây là một giải pháp tốt để tập hợp nhân dân trên không gian mạng nhưng chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cả con người, vật chất một cách đúng mức nên thực sự rất đáng tiếc!
Cùng với những giải pháp trên, theo đồng chí Trần Minh Hạnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Diễn Châu (Nghệ An), cơ quan chức năng cần nghiên cứu các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, tán phát tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên internet, mạng xã hội...
Lãnh đạo các địa phương thống nhất cho rằng: Để lấp khoảng trống thông tin ở cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên phải công khai danh tính khi tham gia mạng xã hội, trở thành một tuyên truyền viên trên không gian mạng, vừa gương mẫu trong lời nói và việc làm, vừa lan tỏa thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội. Đối với người dân, trong vai trò vừa là đối tượng tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, vừa là chủ thể sáng tạo nội dung số, cần nêu cao ý thức, tự trang bị kiến thức về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch sự trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực.
Thay lời kết
Lấp khoảng trống thông tin ở cơ sở, chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời cung cấp thông tin chính thống đến toàn dân đang là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, truyền thông, báo chí và đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thông qua đó góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của Nhà nước. Khi Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân ta trở thành khối đoàn kết, thống nhất vững chắc, chung một ý chí xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ trở nên vô nghĩa.
KHÁNH TRÌNH - MINH TÚ - DUY THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét