(LLCT) - Phát triển nhân tài là công việc quốc gia đại sự của mọi quốc gia, có liên quan tới sự phát triển đất nước, sự tồn vong của dân tộc. Bài viết góp phần làm rõ những cống hiến nổi bật của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nhân tài. Đó là những chỉ dẫn quan trọng giúp Đảng và Nhà nước ta đề ra những chủ trương, chính sách trọng dụng, phát triển nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức ngành y - Ảnh tư liệu TTXVN
1. Hồ Chí Minh - một thiên tài của dân tộc và mẫu mực về trọng dụng nhân tài
Gần 100 năm nay, dân tộc Việt Nam từ thân phận mất nước đã giành lại độc lập, đánh thắng những kẻ xâm lược hùng mạnh; từ một nước nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành một quốc gia đang phát triển, với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao và được bạn bè trên thế giới khen ngợi. Đó là công sức của toàn dân, toàn Đảng, trong đó ở mỗi lĩnh vực, trong từng giai đoạn đều xuất hiện những nhân tài. Họ là trung tâm của những sự kiện lịch sử, động lực của những cuộc canh tân trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội. Trung tâm của gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam hiện đại chính là thiên tài Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Công lao đầu tiên và vĩ đại nhất của thiên tài Hồ Chí Minh chính là xác định được một con đường cứu nước đúng đắn, nhận thức được sức mạnh vô địch là sức mạnh của toàn thể nhân dân, tập hợp và tổ chức được sức mạnh vô địch ấy để giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc, xây dựng xã hội XHCN. Đó là điều mà các lãnh tụ, nghĩa quân và các nhà yêu nước trước Hồ Chí Minh chưa làm được.
Hồ Chí Minh không chỉ đã làm nên một sự nghiệp vĩ đại, mà Người là mẫu mực trong việc tập hợp, bồi dưỡng và sử dụng tốt nhất những nhân tài người Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng. Những gì Hồ Chí Minh nói và viết về nhân tài, nhất là những việc Người làm được trong lĩnh vực này là một hệ thống những quan điểm về phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài, với những nội dung hết sức phong phú và sâu sắc. Có thể khẳng định, những cống hiến của Hồ Chí Minh trong việc phát triển nhân tài là những chỉ dẫn quan trọng, soi sáng cho các thế hệ cách mạng Việt Nam sau này.
2. Đối với nhân tài, tài năng và đạo đức phải song hành, trong đó đức phải là gốc và có trước tài
Khi nói về đức và tài của con người, của người cán bộ, của nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, trong đó khẳng định vai trò quyết định của đức. Trong bài nói chuyện tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 07-5-1958, Người chỉ rõ: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”(1). Đương nhiên, đức ở đây là đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức vừa kế thừa các giá trị tốt đẹp trong nền đạo đức truyền thống Việt Nam, vừa bổ sung và nâng cao trong hoàn cảnh người Việt Nam đang tiến hành cách mạng XHCN: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”(2). Giá trị chủ đạo nhất của đạo đức cách mạng là hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, “có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn”(3).
Trong nội hàm của khái niệm nhân tài vốn đã hàm chứa nghĩa là người đức cao, người có ích cho xã hội, người luôn có tư tưởng vì mọi người, vì xã hội. Bên cạnh đó, nhân tài cũng là người có năng lực hoạt động nổi trội. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa tài và đức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài và đức luôn phải song hành, thống nhất và gắn bó với nhau.
Nếu chỉ có tấm lòng vì người khác, vì xã hội mà không làm được gì nhiều để người khác có lợi ích, xã hội tốt đẹp hơn thì tác dụng xã hội cũng ít ỏi. Ngược lại, nếu có tài năng mà là kẻ vô đạo đức thì hiệu quả hoạt động đó sẽ là những sức mạnh phá hoại xã hội. Người còn cho rằng, trong mối quan hệ đó, đức phải là “gốc” và có trước tài.
Trong bài nói chuyện vào tháng 8-1959, tại lớp học chính trị của giáo viên, Người chỉ dẫn: “Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài. Trước hết phải dạy trẻ yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào và yêu chủ nghĩa xã hội”(4).
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, Người hy sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc. Cho nên, bằng uy tín cá nhân, Người đã quy tụ được rất nhiều nhân tài, nhiều tri thức đã từ bỏ giàu sang phú quý theo cách mạng, về nước phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, chấp nhận hy sinh, gian khổ, xông pha trận mạc.
Từ thực tiễn thiên tài Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, điều trước tiên, người đứng đầu hệ thống chính trị phải là một nhân tài kiệt xuất, phải là một con người có đạo đức cách mạng cao cả. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất đối với bất kỳ một thể chế chính trị nào, nhất là ở nước ta, một đất nước có truyền thống đạo đức hàm chứa nhiều giá trị nhân bản phổ biến nhân loại.
3. Cần có niềm tin vào trí tuệ của người Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là vô cùng sâu sắc. Chính vì tin vào tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm giành lại độc lập của nhân dân ta, được thể hiện qua những cuộc khởi nghĩa chống Pháp anh dũng mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Ngày mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ lòng tin này của mình: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”(5). Người đã hoàn toàn đúng. Những nhân tài Việt Nam ngày đó đã nghe theo lời hiệu triệu của Người, tham gia vào Chính phủ Hồ Chí Minh, có những đóng góp lớn lao vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc thời bây giờ.
Trong thực tế, từ khi tiếp xúc với khoa học phương Tây, người Việt Nam đã xuất hiện những nhân tài khoa học mới. Một thế hệ các nhà khoa học, bác sĩ đã xuất hiện: Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ... Đã trở thành quy luật trong lịch sử dựng nước và giữ nước ở Việt Nam, mỗi khi quốc gia dân tộc buộc phải tạo nên một bước ngoặt lịch sử để có thể tồn tại hay phục hưng sẽ xuất hiện những nhân tài. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng CNXH, đưa đất nước vượt qua trạng thái đang phát triển để trở thành một nước phát triển hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, chắc chắn sẽ xuất hiện những nhân tài, những tài năng.
Nhân tài có những dạng khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của lịch sử. Khi mất nước, Việt Nam xuất hiện một nhà cách mạng thiên tài Hồ Chí Minh và một thế hệ nhân tài là các nhà cách mạng xuất sắc. Khi cần giữ nước, Việt Nam xuất hiện hàng chục tướng lĩnh xuất sắc. Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước sẽ hình thành một thế hệ những nhà khoa học lớn, bác sĩ giỏi, những doanh nhân tài ba, làm chủ những tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và thế giới; những nhà quản lý và các chính trị gia tầm cỡ lãnh đạo, quản lý vĩ mô, phát huy nội lực và đạt tầm ngoại giao thông minh. Điều quan trọng cần làm hiện nay là phải tạo môi trường thuận lợi để nhân tài phát lộ, tham gia tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
4. Cần những chính sách căn cơ và các giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực nhân tài
Mỗi một người trở thành nhân tài đều cần hai yếu tố: những phẩm chất bẩm sinh và những điều kiện xã hội để cho người đó phát lộ và phát triển tài năng của mình. Ngày nay, có lẽ đã có đủ những tiền đề để xây dựng một chính sách nhân tài tầm cỡ quốc gia trên cơ sở khoa học. Trong việc phát hiện nhân tài, chính sách cần chia làm hai khu vực: khu vực giáo dục và khu vực sản xuất. Khối trường chuyên thuộc các trường đại học và ở các tỉnh, thành phố là những cơ sở giáo dục đáng quan tâm, cần khuyến khích phát triển. Trên thực tế, phần lớn những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế đều là học sinh của các cơ sở giáo dục này. Do vậy, ngành giáo dục cũng cần có những nghiên cứu cụ thể, đồng thời đưa ra những chính sách hợp lý đối với khu vực trường chuyên, từ đó góp phần hình thành cái nôi phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tất nhiên, không phải mọi nhân tài chỉ thành tài từ những mái trường đặc biệt, trường chuyên. Các trường phổ thông bình thường cũng phải chăm lo tốt việc phát hiện những học sinh xuất sắc để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho học sinh đạt được những thành tích học tập cao.
Ngoài các khu vực trường học, những nhân tài xuất hiện trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sản xuất và quản lý có vai trò rất quan trọng trong nhân tài quốc gia; trong đó, nguồn đáng chú ý nhất là những người không quá nổi bật khi còn đi học, nhưng trong công việc, đời sống, sản xuất, họ lại bộc lộ những khả năng đặc biệt. Dấu hiệu rõ ràng nhất là những gì họ làm được có tác động thay đổi rõ rệt, tạo ra bước ngoặt lớn trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Có nhiều trường hợp các nhân tài ở nguồn này là động lực lớn nhất cho phát triển, thậm chí ảnh hưởng trở lại khu vực đào tạo, nghiên cứu, làm thay đổi cả những tri thức, nguyên lý vốn đã được coi là kinh điển. Về vấn đề này, cần vận dụng những quan điểm của Hồ Chí Minh: tôn trọng và tạo mọi điều kiện để những cá nhân xuất sắc xuất hiện trong khu vực mà mình quản lý, khắc phục tư tưởng hẹp hòi, đố kỵ, quan liêu, bỏ sót những giá trị quý báu mà các cá nhân có tài mang lại. Các chủ trương, chính sách, chiến lược nhân tài cấp quốc gia, trong đó có các quy định, quy trình cụ thể trong việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, sẽ là những giải pháp hữu hiệu để phát triển nhân tài Việt Nam.
5. Cần hiểu đúng, tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất để người tài cống hiến
Muốn sử dụng đúng nhân tài, những người lãnh đạo phải đặt mình vào vị trí của nhân tài, từ đó sẽ hiểu là mình phải làm gì đối với nhân tài. Người tài luôn mong muốn được cấp trên hiểu đúng về mình. Nếu cảm nhận được cấp trên hiểu đúng về mình, thì nhân tài sẽ tận tâm, tận lực cho công việc. Còn nhớ, tướng Nguyễn Bình đã cảm động như thế nào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiệm vụ Chỉ huy trưởng bộ đội Nam Bộ trong những giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Niềm tin của người lãnh đạo là phần thưởng lớn nhất đối với nhân tài.
Do đặc thù phải tập trung cao độ vào công việc trọng đại, nhân tài có thể có những sơ suất trong lối sống cá nhân và đối nhân xử thế, có những người tài bị mọi người coi là tự cao tự đại. Tuy nhiên, nên coi đó là sự “quá đà” của tinh thần tự tin và vẫn nên ghi nhận, cũng như tạo điều kiện để họ cống hiến, điều chỉnh hành vi ứng xử.
Giống như được hiểu đúng và tin tưởng, được tạo điều kiện tốt để làm việc, cống hiến, chế độ đãi ngộ cũng là vấn đề mà nhân tài mong chờ. Người lãnh đạo cần xem đãi ngộ xứng đáng với nhân tài là công việc rất cần thiết, cả đãi ngộ về vật chất và đãi ngộ về tinh thần. Bởi vì, điều này vừa tạo điều kiện, chia sẻ lo toan với người tài để người đó tập trung hoàn thành nhiệm vụ, vừa xác nhận sự tin tưởng và đánh giá đúng đắn về cá nhân họ.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3-2023)
Ngày nhận: 01-02-2023; Ngày bình duyệt: 27-02-2023; Ngày duyệt đăng: 22-3-2023.
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.399, 607.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.360.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.269.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.504.
TS NGUYỄN DUY QUỲNH
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
cần quan tâm đúng mức đến nhân tài
Trả lờiXóa