Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Giá trị cốt lõi và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác

(TG) - Chủ nghĩa Mác do C.Mác và người bạn đồng hành của mình là Ph.Ăngghen sáng lập vào những năm 40, 50 của thế kỷ XIX. Từ khi chủ nghĩa Mác ra đời cho đến nay, thế giới đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, song đời sống xã hội vẫn không nằm ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác chỉ ra. Khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác là cách để chúng ta kiên định, kiên trì với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC

Chủ nghĩa Mác là sự hợp thành của ba bộ phận: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Nếu triết học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy con người thì kinh tế chính trị học nghiên cứu những quy luật kinh tế cơ bản của xã hội, đặc biệt là xã hội tư bản chủ nghĩa; còn chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu con đường, cách thức, động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác được thể hiện trên cả ba bộ phận cấu thành của nó.

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác là thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng trong nhận thức và cải tạo thế giới.

Đúng như V.I.Lênin khẳng định: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra... Chủ nghĩa Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(1).

Nhờ có thế giới quan khoa học, C.Mác đã gắn triết học, gắn lý luận cách mạng với đời sống thực tiễn, khắc phục sự đối lập giữa lý luận với thực tiễn của các nhà triết học trước đó: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình, và chỉ cần sấm sét của tư tưởng đánh một cách triệt để vào cái mảnh đất nhân dân còn nguyên vẹn ấy là việc giải phóng người Đức thành con người sẽ hoàn thành”, “Đầu não của sự giải phóng ấy là triết học, trái tim của nó là giai cấp vô sản. Triết học không trở thành hiện thực nếu không xoá bỏ giai cấp vô sản; giai cấp vô sản không thể xoá bỏ được bản thân mình nếu không làm cho triết học biến thành hiện thực”(2). Quan điểm này cho thấy giá trị thực tiễn của chủ nghĩa Mác, đồng thời tạo nên điểm khác biệt căn bản của chủ nghĩa Mác với những tư tưởng triết học trước đó, đúng như C.Mác đã viết trong một luận điểm rất nổi tiếng: “Các nhà triết học đã giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”(3). Chức năng “cải tạo thế giới” đã được các nhà sáng lập thực hiện rất triệt để và có hiệu quả trong quá trình xây dựng và phát triển học thuyết của mình.

Bên cạnh việc cung cấp cho chúng ta thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác còn trang bị phương pháp luật biện chứng trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác không chỉ là sự kết tinh những tinh hoa trong tư tưởng biện chứng ngây thơ, chất phác thời cổ đại và phép biện chứng của triết học cổ điển Đức mà còn khắc phục những hạn chế của tư tưởng biện chứng trước đó để trở thành phép biện chứng duy vật. Thông qua phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, C.Mác đã khẳng định: “triết học không hứa hẹn gì cả ngoài chân lý..., triết học không đòi hỏi tin tưởng vào các kết luận của nó, nó đòi hỏi kiểm nghiệm những điều hoài nghi”(4). Theo đó, triết học duy vật biện chứng của C.Mác luôn hướng về thực tiễn để hướng dẫn, giải quyết những vấn đề cơ bản và bức thiết do thực tiễn đặt ra. Chính vì thế mà triết học duy vật biện chứng của C.Mác có khả năng tự đổi mới và phát triển, trở thành vũ khí lý luận sắc bén cho con người trong nhận thức và cải tạo thế giới. Thông qua phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, lần đầu tiên các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã gắn triết học với đời sống hiện thực.

Thứ hai, chủ nghĩa Mác là học thuyết đúng đắn về quá trình vận động và phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Cùng với chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư là một trong hai phát kiến gắn liền với tên tuổi của C.Mác. Theo đánh giá của V.I.Lênin, đây là “hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”, là “nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác’’.

Khi nghiên cứu về xã hội tư bản, C.Mác đã nhận ra rằng quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung, chi phối mọi hoạt động kinh tế của xã hội tư bản ở cả giai đoạn mới ra đời cho đến lúc phát triển ở giai đoạn cao. Theo đó, sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.

Có thể nói, với học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã “tìm ra bí mật của phương thức bóc lột chủ nghĩa tư bản, chỉ ra cơ chế, động lực tồn tại và phát triển của xã hội tư bản là bóc lột giá trị thặng dư”(5). C.Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với giai cấp tư sản. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về quá trình phát triển của các quan hệ xã hội, C.Mác đã chỉ ra vai trò lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới với tư cách lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới, tự giải phóng mình và qua đó, giải phóng nhân loại.

Thứ ba, chủ nghĩa Mác là học thuyết nhân văn vì hướng con người đến một xã hội tốt đẹp.

Khi mới 17 tuổi - vừa tốt nghiệp trung học, C.Mác đã nêu rõ quan điểm khi chọn nghề: “Nếu chúng ta lựa chọn một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người thì chúng ta sẽ không cúi đầu vằn lưng dưới gánh nặng của nó, bởi gánh nặng ấy là sự hy sinh vì mọi người, khi ấy điều chúng ta cảm nhận được không phải là một niềm vui thảm hại, hạn hẹp, vị kỷ, mà niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, lúc đó sự nghiệp của chúng ta sẽ có một cuộc sống thầm lặng nhưng có hiệu lực vĩnh hằng, và những con người cao thượng sẽ rơi những giọt lệ cháy bỏng trước thi hài của chúng ta”(6). Những tư tưởng đó đã ươm mầm cho tính nhân văn của chủ nghĩa Mác sau này. Do vậy, ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa Mác đã mang tinh thần nhân văn bởi các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác không chỉ bàn đến những vấn đề của xã hội hiện tại - xã hội tư bản chủ nghĩa mà còn nói đến cả xã hội tương lai. Đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Khát vọng của C.Mác khi xây dựng chủ nghĩa cộng sản là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Chính điều này đã làm nên tính nhân văn của chủ nghĩa Mác mà không học thuyết nào có được. Do đó, những người lên tiếng phê phán chủ nghĩa Mác vì họ cho rằng đó chỉ là quyết định luận kinh tế, ít quan tâm đến vai trò của con người, là “chủ nghĩa lý luận không có con người”, hay đối với C.Mác, chỉ có con người giai cấp, không có con người cá nhân… là những quan điểm sai lầm, phiến diện nhằm phủ nhận tính nhân văn của chủ nghĩa Mác.

SỨC SỐNG TRƯỜNG TỒN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC

Dù đã ra đời cách đây gần 200 năm nhưng những quan điểm của chủ nghĩa Mác vẫn có sức sống bền vững và giá trị trường tồn. Sức sống của chủ nghĩa Mác được thể hiện ở chỗ nó đã giải đáp những vấn đề mà tư tưởng tiến tiến của loài người đặt ra, soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại. Đó là nhiệm vụ giải phóng con người khói mọi hình thức áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa. Mặc dù ngay từ khi mới ra đời và trong giai đoạn hiện nay, vẫn luôn có nhiều quan điểm phê phán, xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác nhưng cho đến ngày nay, đó vẫn là một học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng mọi nhiệm vụ của lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được.

Ngày nay, sức sống của chủ nghĩa Mác còn tiếp tục được thể hiện ở chỗ dù đời sống thực tiễn của xã hội hiện đại đã vận động, phát triển qua rất nhiều giai đoạn khác nhau với những khúc quanh co, thăng trầm song cũng không vượt ra ngoài những quy luật phổ biến được được trình bày trong học thuyết Mác dù người ta có thừa nhận hay không thừa nhận điều đó.

Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với C.Mác”, tìm đọc C.Mác lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Những tác phẩm kinh điển của C.Mác vẫn được tìm đọc nhiều nhất, đặc biệt là bộ “Tư bản” của C.Mác vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước(7).
Không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời” khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử loài người và có sức lôi cuốn cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.

Để bảo vệ chủ nghĩa Mác, một mặt chúng ta phải luôn kiên định, vững vàng với những nguyên lý cho tính chất nền tảng của chủ nghĩa Mác, mặt khác cũng phải không ngừng bổ sung, phát triển những quan điểm của học thuyết này cho phù hợp với thực tiễn. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” chủ nghĩa Mác; cũng không phải là làm lu mờ chân giá trị của chủ nghĩa Mác mà là làm cho những nội dung, quan điểm của học thuyết Mác được có thêm sức sống mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của giai đoạn hiện nay. Đó là một việc làm hết sức khó khăn đòi hỏi những người mácxít phải kiên trì, có bản lĩnh và có trách nhiệm với hệ thống lý luận khoa học và cách mạng được coi là nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay./.

TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
______________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.23, tr.49-50.

(2) (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.1, tr.589-590, 157.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, t.3, tr.12.

(5) Lê Hữu Nghĩa: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017 tr.101.

(6) Mác-Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, t.40, tr.18.

(7) Nguyễn Chí Dũng: Học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội và cuộc thử nghiệm trong thế kỷ XX, Tạp chí Triết học, số 1 (200), tháng 1/2008, tr.11.

1 nhận xét: