Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

NHÂN DÂN THAM DỰ QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ LÀ BIỂU HIỆN CỦA DÂN CHỦ THỰC SỰ

 TH

          Hiện nay, có nhiều quan điểm xuyên tạc, công kích, bôi nhọ công tác lãnh đạo, quản lý của các bộ các cấp, các ngành cả ở trung ương và địa phương. Chúng vin vào các vụ án, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong lãnh đạo, quản lý, điều hành các cấp để chống phá, xuyên tạc bản chất của chế độ dân chủ ở Việt Nam. Do đó, để góp phần luận giải, khăng định giá trị dân chủ trong việc hiện thực hoá quyền lực thuộc về nhân dân, bài viết đề cập đến góc độ  vai trò nhân dân tham dự vào quá trình ra quyết định lãnh đạo quản lý – nhằm góp thêm góc nhìn đúng đắn về vấn đề này,

1. Thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội ở nước ta thời gian qua đã chứng minh: ra quyết định có vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý bởi vì việc ra quyết định sẽ chi phối toàn bộ quá trình tổ chức, thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong thực tế. Việc ra quyết định đúng hay sai, chính xác hay không chính xác dù ở cấp độ nào cũng quy định đến sự thành công hay thất bại của công việc. Ra quyết định nếu như không đúng, không trúng, không khách quan, khoa học, không mang lại lợi ích cho xã hội thì hậu quả rất lớn thậm chí gây bất bình trong nhân dân, mất ổn định xã hội.

Ở tầm lãnh đạo, quản lý càng cao thì sức nặng của quyết định càng lớn, tầm ảnh hưởng càng rộng. Chỉ một quyết định không đúng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, điều mà các phương tiện truyền thông hàng ngày đưa tin, trở thành một vấn đề thu hút dư luận hiện nay. Nhìn rộng hơn, năng lực ra quyết định sẽ quyết định năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ ở mọi cấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta có hàng chục ngàn văn bản quy phạm pháp luật và rất nhiều quyết định hành chính của các bộ, ngành, địa phương không được thẩm định kỹ trước khi ban hành[1] do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Có thể thấy, ra quyết định lãnh đạo, quản lý phụ thuộc vào hai nhân tố cơ bản. Một là, tự thân người lãnh đạo, quản lý phải có đạo đức và giỏi chuyên môn, có năng lực, phương pháp lãnh đạo, quản lý. Hai là, về khách quan, năng lực ra quyết định lãnh đạo, quản lý chịu sự chi phối rất mạnh của dư luận xã hội mà về thức chất chính là mức độ tham dự của người dân vào quá trình ra quyết định; phụ thuộc vào sức nặng của pháp luật, đây chính là hàng rào để ngăn ngừa các hành vi, hoặc các dấu hiệu thâu tóm quyền lực vì lợi ích cục bộ trong việc ra các quyết định lãnh đạo, quản lý.

          2. Với cách tiếp cận đó có thể khẳng định, mức độ tham dự của nhân dân có vai trò mang tính quyết định đến chất lượng các quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mức độ tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định của cán bộ lãnh đạo quản lý có ý nghĩa rất quan trọng, là biểu hiện của thực chất dân chủ thuộc về nhân dân. Theo đó, nhân dân càng có vai trò, tác động, ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định thì dân chủ càng được thể hiện rõ nét. Đặc biệt hiện nay khi dân chủ được người dân nhận thức ngày càng tốt hơn, ý thức chính trị của họ được nâng cao hơn, người dân có trách nhiệm hơn và đồng thời đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với người mà họ ủy nhiệm quyền lực.

Để các quyết định đưa ra phù hợp một vấn đề có tính nguyên tắc được quy định bằng luật là phải đưa ra trước nhân dân để bàn thảo, lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều quyết định đã mạo danh “được sự đồng thuận của nhân dân”, không tham khảo ý kiến của nhân dân, không được người dân đồng thuận, thậm chí người dân không đồng tình nhưng vẫn ra quyết định. Đây là căn nguyên dẫn tới nhiều bất bình trong xã hội.

Hiện nay người dân có nhiều kênh khác nhau cả trực tiếp và gián tiếp để tham dự vào quá trình ra quyết định. Thông qua các cơ quan đại diện thực hiện dân chủ gián tiếp và thông qua hình thực dân chủ trực tiếp. Trong đó, cần đặc biệt phát huy tốt vai trò của truyền thông qua báo, đài phát thanh, truyền hình, mạng internet, truyền thanh cơ sở.v.v.. nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò và tính tích cực của người dân trong tham dự vào quá trình ra quyết định của các cấp lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường sự tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo, quản lý phải chủ động lấy ý kiến nhân dân, thăm dò dư luận, nâng cao tính thiết thực của hoạt động tiếp dân, của đối thoại dân chủ cơ sở, cung cấp đầy đủ thông tin về lĩnh vực liên quan các quyết định.v.v.. để nhân dân giám sát, thụ hưởng lợi ích từ các quyết định mang lại. Cùng với sự chủ động ấy thì tự thân mỗi người dân phải đề cao trách nhiệm, góp tiếng nói của mình. Mặt khác người lãnh đạo, quản lý, chính quyền các cấp và các cơ quan có trách nhiệm phải đập tan những luận điệu xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách, quyết sách lãnh đạo, quản lý các cấp để trục lợi hoặc phá hoại sự nghiệp cách mạng của các thế lực thù địch, tuyên truyền về các quyết sách hay, thiết thực nhằm cổ vũ nhân dân, khích lệ người lãnh đạo, quản lý với những quyết sách mang lại lợi ích xã hội.

Tăng cường sự tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định phải toàn diện, cả quy trình, mọi bước đi đều có sự giám sát của nhân dân: Một là khi soạn thảo văn bản nội dung quyết định lãnh đạo, quản lý phải tham khảo ý kiến của dân để bổ sung, điều chỉnh quyết định cho phù hợp với thực tiễn. Hai là, khi thực hiện phải lắng nghe phản hồi từ nhân dân để tiếp tục điều chỉnh phương pháp, cách thức, thậm chí nội dung quyết định cho phù hợp. Như vậy sự tham gia của nhân dân không những tác động đến nội dung mà cả quá trình tổ chức thực hiện quyết định.

Thực tế hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, các phương tiện truyền thông ngày càng có sức mạnh trong truyền tải thông tin phản biện chính sách từ quần chúng đã làm gia tăng vai trò trong thực tế của nhân dân. Tuy nhiên, gia tăng quyền lực thực sự của người dân vào quá trình ra chính sách lại phụ thuộc quyết định ở tính nghiêm minh của pháp luật. Một mặt nó là căn cứ xác định quyền hạn, trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mối quan hệ với nhân dân; là cơ sở pháp lý để các quyết định được thực thi đồng thời là cơ sở để ngăn chặn tính tự phát chệch hướng của quyền lực trong các quyết định. Cho nên, Singgapore mới ban hành chính sách để làm sao cán bộ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Chính sức mạnh ưu việt của pháp luật mà tình trạng tham nhũng ở Singgapore ở mức thấp. Ở nước ta, tình trạng lạm dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi, xa dân, thiếu coi trọng dân vẫn còn. Cho nên có nhiều quyết định đưa ra đi ngược với quyền lợi chính đáng của người dân, bị dư luận phản đối. Nhiều quyết định chết yểu bởi nó không phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Trong khi đó, người ra quyết định sai lại chưa bị xử lí có tính nghiêm minh và răn đe do những lỗ hổng và sự lỏng lẻo của luật pháp.

3. Từ đó, gia tăng quyền lực nhân dân thì cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp theo hai hướng sau:

Một là, xây dựng luật theo hướng kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp chính quyền. Pháp luật phải hoàn thiện để ngăn chặn lợi dụng các quyết định để trục lợi. Tất yếu phải không ngừng hoàn thiện pháp luật, quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm cán bộ các cấp, đặc biệt hoàn thiện luật phòng, chống tham nhũng; kê khai tài sản; luật cán bộ, công chức… nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngăn chặn các nguy cơ lạm quyền; đồng thời có căn cứ xử lý nghiêm minh; có tính răn đe cao. Công tác thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng phải được thực hiện tốt nhằm phát hiện các quyết định không đúng. Đặc biệt hiện nay cần có cơ chế để xử lý đối với các quyết định không đúng không để xảy ra tình trạng sai lại sửa rồi rút kinh nghiệm là xong. Do đó, công tác lập pháp cần xác lập khuân khổ pháp luật hữu hiệu ngăn chặn tối đa tình trạng ra các quyết định không đúng gây hậu quả ở các mức độ khác nhau. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trong quá trình ra quyết định, là cơ sở để việc coi trọng nhân dân trở thành nguyên tắc của qúa trình ra quyết định.

Hai là, cần cụ thể hóa trong luật nhằm vừa làm rõ, vừa có tính khả thi cao trong quy định của pháp luật về quyền lực của nhân dân, làm cơ sở ưu việt hóa nó trong thực tiễn. Ví như: quy định rõ cơ chế thực thi quyền lực của MTTQVN và các đoàn thể chính trị xã hội trong giám sát việc ra các quyết định lãnh đạo quản lý; về cơ chế thực hiện dân chủ cơ sở; về quy định bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý xã hội.v.v.. Đây là những vấn đề nan giải cần phải giải quyết hiện nay. Trong đó, cần đặc biệt nâng cao chất lượng phản hồi của cơ quan nhà nước các cấp về ý kiến của nhân dân về các quyết định lãnh đạo quản lý ở mọi cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở. Điều này làm hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, sự suy giảm niềm tin trong nhân dân,.v.v..

Mặt khác, để nhân dân tham dự vào quá trình ra quyết định, thiết nghĩ về sâu xa phải từ một chính quyền mạnh. Theo quan điểm xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước phục vụ vụ hiện nay thì nhà nước thực sự mạnh là: nhà nước có tổ chức bộ máy tinh gọn, chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Tình trạng lạm quyền, tham ô tham nhũng được kiểm soát tốt; hệ thống luật pháp thực sự là tối thượng; người dân thực sự làm chủ; cán bộ công chức ý thức được mình là người phục vụ dân chúng chứ không phải là quan nhân dân như Bác vẫn thường nhắc nhở. Chỉ khi bộ máy nhà nước mạnh thì hiệu quả hoạt động mới cao. Tự thân nhà nước ngày càng được củng cố thì trách nhiệm đối với dân chúng mới cao, tất yếu nhân dân được càng coi trọng, theo đó quyền lực nhân dân càng được tăng cường. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước càng mạnh thì càng cần dân, nhà nước càng yếu thì càng xa dân, tiếng nói của dân càng bị xem nhẹ. Do đó, để nhân dân tham dự vào quá trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý có hiệu quả thì tự thân nhà nước phải không ngừng hoàn thiện theo hướng lấy dân làm gốc, tất cả của dân, do dân, vì dân./.



[1] Xem: Vũ Ngọc Lân, Nghe dân, hỏi dân trước khi ban hành pháp luật, chính sách, Tạp chí Mặt trận, số 140 tháng 6/2015, tr.52,53.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét