TH
Yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra phải “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”[1]. Do đó, phát huy vai trò đạo đức trong quản lý xã hội là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết ở nước ta hiện nay.
1. Cơ sở khẳng định vai trò của đạo đức đối với quản lý xã hội
Đạo
đức, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những
nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng
chi phối, điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội. Đối với mỗi cá nhân,
hành vi đạo đức mang tính tự giác, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu bên trong, đồng
thời chịu tác động của dư luận xã hội, sự kiểm tra của những người xung quanh. Đạo đức tồn tại với với tính cách một bộ phận
cấu thành hệ giá trị xã hội, có tính độc lập tương đối với pháp luật, điều chỉnh
nhận thức, ứng xử xã hội thông qua cơ chế tác động thuyết phục tự giác, tự nguyện
thực hiện các hành vi xã hội hợp chuẩn, trong đó có chuẩn pháp luật.
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đã từng
có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của pháp luật và đạo đức trong quản lý
xã hội. Tuy nhiên, thực tế, hai cách thức quản lý xã hội dựa vào, hoặc là tuyệt
đối hóa pháp luật mà xem thường đạo đức, hoặc là đề cao đạo đức mà xem thường
pháp luật đều đi đến thất bại. Đến Hồ Chí Minh, Người đã vận dụng nhuần nhuyễn
sự kết hợp đức trị với pháp trị, đề cao đạo đức cách mạng gắn liền với không ngừng
xây dựng, hoàn thiện nhà nước kiểu mới trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trải qua các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta
luôn đề cao vai trò của đạo đức đối với xã hội và luôn đi tiên phong trong xây
dựng đạo đức cách mạng trong xây dựng nhà nước và xây dựng Đảng. Hiện nay, để đảm
đương vai trò chèo lái con thuyền cách mạng tới bến bờ thắng lợi, Đảng ta đặc
biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức đồng thời với xây dựng và hoàn thiện nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày
15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ
Chí Minh”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI,
XII về xây dựng Đảng.v.v.. cho chúng ta thấy vai trò to lớn của đạo đức cách mạng
đối với sự nghiệp đổi mới nói chung, sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay nói riêng.
Với những văn kiện trên, Đảng ta đã tái khẳng định
di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng; dũng cảm
nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thấy được thực trạng “đạo đức xã hội có mặt xuống cấp
nghiêm trọng …”[2]; một bộ phận cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” .. là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đó là thái độ dũng cảm
của một Đảng chân chính. Và, chiều sâu nhân văn trong tư duy của Đảng về công
tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước đi từ tự phê bình và phê bình trong Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, XII về xây dựng
Đảng, chính là bắt dễ từ tư tưởng đức trị kết hợp pháp trị, trước tiên đề cao
tính tự giác, trung thực, nêu gương, thái độ dũng cảm dám nhận khuyết điểm, dám
đấu tranh với tiêu cực, với cái sai của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, sau
đó mới đến các biện pháp hành chính. Điều đó cho thấy tâm và tầm của người lãnh
đạo, cho thấy trong chiều sâu của chủ trương, đường lối, các quyết sách chính
trị của Đảng, Nhà nước luôn đặt trọng vấn đề đạo đức cách mạng, coi nâng cao đạo
đức cách mạng là một phương thức củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị, trong
đó có xây dựng bộ máy nhà nước.
Từ thực tiễn xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta cho thấy, với tư tưởng xuyên suốt là tinh
thần thượng tôn pháp luật, thì đạo đức được xem trọng, thường được lấy làm căn
cứ để đánh giá hành vi xã hội trong chấp hành và thực thi pháp luật. Ý thức và
hành vi tuân thủ pháp luật là hành vi đạo đức được xã hội tôn vinh, được xem là
hệ giá trị cốt lõi, quan trọng đánh giá nhân cách một con người. Cho nên, nhiều
hành vi của cá nhân và tổ chức, xét về lý, tức nhìn nhận dưới góc độ pháp luật,
chưa nghiêm trọng, nhưng xét về tình, nghĩa là nhìn nhận dưới góc độ đạo đức, lại
gây nên phản đối dữ dội từ dư luận, đặt vấn đề nguy cơ tiềm tàng phá hoại đạo đức,
tiến bộ xã hội, văn hóa của một quốc gia. Do đó, tính chất dự báo những tổn hại
xã hội do những hành vi trái pháp luật, dù nhỏ nhất được đưa ra dưới góc nhìn đạo
đức giúp nhà quản lý chủ động có các biện pháp tăng cường hoàn thiện pháp luật,
xây dựng luật chặt chẽ, không để những kẽ hở của luật tạo điều kiện cho những kẻ
thiếu lương tâm có thể lách luật, lợi dụng sự thiếu hoàn thiện của luật để làm
ăn phi pháp hoặc trục lợi.
Trong điều kiện hệ thống pháp luật
chưa đầy đủ, một số lĩnh vực xã hội còn tồn tại những lỗ hổng pháp lý như hiện
nay thì sự tham gia của đạo đức xã hội đóng vai trò quan trọng đối với điều chỉnh
các hành vi xã hội của công dân và tổ chức thông qua sự lên án của đạo đức xã hội,
thông qua cơ chế tự thức tỉnh lương tâm tự thân mỗi chủ thể xã hội và từ sự lên
án của dư luận xã hội. Hiện nay, có nhiều cá nhân vô cảm, bàn quan hoặc không
dám lên án cái xấu, cái ác; đạo đức xã hội có mặt bị méo mó, có những sự thật,
những điều tốt chưa kịp thời được tôn vinh, có những cái xấu, cái ác được che đậy
tinh vi… làm cho sức mạnh lên án từ dư
luận đạo đức bị suy giảm đáng kể trong đời sống xã hội. Điều đó đặt ra vấn đề cấp
thiết về phát huy vai trò của đạo đức trong quản lý xã hội.
Như thế, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì đạo đức luôn được
coi trọng hàng đầu. Pháp quyền tiến bộ luôn tương thích với các chuẩn mực đạo đức
xã hội tiến bộ, thậm chí còn được tích hợp trong các đạo luật. Nói đến nhà nước
pháp quyền không thể không nói đến vai trò của đạo đức với tính cách là một
phương thức điều chỉnh nhận thức, hành vi xã hội, góp phần trực tiếp vào quá
trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền, vá những lỗ hổng pháp lý và ngăn chặn chủ
động hành vi xâm phạm các quy định của pháp luật thông qua cơ chế tự thức tỉnh
lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của công dân và các tổ chức xã hội. Từ
những phân tích đó, chúng ta có thể khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng
của đạo đức đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
2. Phương thức phát huy vai trò của đạo
đức trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay
Phương thức tác động của đạo đức đến xây dựng
và hoàn thiện nhà nước pháp quyền thông qua việc nâng cao ý thức, điều chỉnh
hành vi xã hội của công dân và tổ chức. Sự tác động mang tính thuyết phục của đạo
đức nhằm thức tỉnh lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội và thôi thúc hành động.
Đạo đức được tích hợp thành luật, và luật phản ánh giá trị đạo đức - nhân văn,
thông qua đó mà tác động đến đời sống xã hội.
Đạo đức tác động đến đời sống xã hội thông qua các thiết
chế chính trị - xã hội; trong đó thiết chế chính trị giữ vai trò quyết định bản
chất, xu hướng vận động và biến đổi của đời sống đạo đức. Bởi vì, trong xã hội có giai cấp, tư tưởng đạo đức thống trị trong
xã hội là tư tưởng đạo đức của giai cấp giữ địa vị thống trị về kinh tế. Giai cấp
giữ địa vị thống trị về kinh tế dựa vào bộ máy nhà nước để tuyên truyền, giáo dục
và thể chế hoá tư tưởng đạo đức của mình thành những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức,
biến nó trở thành thước đo đánh giá, điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong
xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Vai trò của thiết chế chính trị
được thể hiện ở các chủ trương, đường lối chính trị và pháp luật dẫn dắt đời sống
đạo đức xã hội. Mặt khác, sự vững mạnh trong tổ chức, sự vận hành trơn tru của
bộ máy và đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, đảng viên trong bộ máy chính trị
sẽ là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ đời sống tinh thần nói chung, đời sống đạo đức xã
hội nói riêng. Bởi vì, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong bộ máy
chính trị các cấp là những người ưu tú về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, đóng vai trò duy trì sự vận hành của bộ máy chính trị,
thực thi pháp luật và hành xử mẫu mực về đạo đức. Sức ảnh hưởng, tính nêu gương
của cán bộ, công chức, đảng viên được đánh giá hàng đầu, đặc biệt là những người
càng giữ cương vị cao càng phải gương mẫu. Các tầng lớp nhân dân nhìn nhận vào
con người của bộ máy chính trị để đánh giá sự ưu việt của bộ máy chính trị, để
củng cố niềm tin chính trị và tin vào những chân giá trị đạo đức xã hội. Trước
nguy cơ suy thoái đạo đức xã hội hiện nay, việc chú trọng phát huy vai trò của
các thiết chế chính trị trong xây dựng đạo đức là một trong những giải pháp có
ý nghĩa quan trọng. Điều
đó cũng cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của đạo đức nói chung, đạo đức, lối
sống cán bộ, đảng viên nói riêng là cơ sở để gắn kết xây dựng đạo đức với xây dựng
bộ máy chính trị trong đó có nhà nước. Không thể có một bộ máy nhà nước kiến tạo,
phát triển nếu tham ô, tham nhũng tràn lan, nếu đạo đức của người thực thi công
vụ suy đồi.
3. Giải pháp phát huy vai trò của đạo đức
trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay
Một là, cán bộ, đảng
viên thực hành nêu gương về đạo đức và chấp hành pháp luật
Xây dựng Đảng về đạo đức
luôn là việc làm thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong
đó, xây dựng đạo đức cách mạng cho cán
bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt để Đảng ta thực sự tiêu biểu cho “trí
tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Văn kiện XIII của Đảng khẳng định:
“Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần
Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống
văn hóa tốt đẹp của dân tộc”[3]. Thực
hiện giải pháp này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, nêu
cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, nêu gương
về đạo đức cách mạng; tích cực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ. “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”[4]. Việc nêu gương về
đạo đức và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện
trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nội dung trong Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ,
đảng viên mà Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII
vừa thông qua. Nêu gương trong thực thi những nội dung và biện pháp thực hiện
đạo đức công vụ; chú trọng “không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo
đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực,
giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh
ghét, đố kỵ…”[5].
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong việc cả trong lời nói lẫn việc làm hàng
ngày; đặc biệt đề cao dân chủ và dũng cảm tự phê bình và phê bình trong tập
thể, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cưc; khắc phục tình trạng “nể nang, né tránh, ngại
va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để
nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với
động cơ cá nhân không trong sáng”[6]. Có như vậy đạo đức mới phát
huy vai trò trong củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà nước.
Hai là, phát huy sức mạnh dư luận
đạo đức đối với những nhận thức và hành vi xã hội lệch lạc. Phát
huy vai trò của đạo đức trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa ở Nước ta hiện nay cần
thức tỉnh lương tâm của mỗi người, biến nó thành cái tự thân điều chỉnh mọi suy
nghĩ và hành động đặc biệt là hành vi tuân thủ pháp luật. Để thức tỉnh lương
tâm con người phải phát huy vai trò
của dư luận đạo đức nhằm “Khẳng định, tôn
vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao
đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu;
chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực”[7].
Chỉ
khi nào dư luận đạo đức đồng thanh lên tiếng,
dám đứng về cái đúng, bảo vệ lẽ phải, thì khi đó mới tạo được hiệu ứng xã hội rộng
lớn, kích hoạt lương tâm, trách nhiệm đạo đức của toàn xã hội.
Theo đó, phải phát huy vai trò dư luận đạo đức của tổ chức, cộng đồng nơi sinh sống,
làm việc, công tác, đặc biệt là đối với tập thể cơ quan,
đơn vị, tổ chức mình tham gia.
Đặc biệt cần “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan
báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy
thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa". Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên
hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, những nhân tố tích cực,
điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những
tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”[8].
Ba là, phát
huy vai trò của đạo đức thông qua các thiết chế chính trị - xã hội. Đảng ta chỉ rõ phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo
đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa
vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; “Xây dựng môi trường văn hóa,
đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương,
trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu
công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo
dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống”[9]. Từ đó, phải:
Phát huy những giá trị
văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên
quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá
hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái
quy định của pháp luật. Phát
huy vai trò các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc trong việc chăm lo đời
sống tinh thần của người dân theo đạo, thực hiện sống tốt đời, đẹp đạo, tôn
giáo đồng hành cùng chủ nghĩa xã hội; vận động đồng bào theo các tôn giáo chấp
hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no
ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung
tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người; xây dựng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh
doanh với trọng tâm là ý thức
tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát
triển bền vững của đất nước, .v.v..
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong bộ máy chính trị và gia tăng quyền lực mềm
của đạo đức song hành với nhau. Chú trọng kiểm soát quyền lực, đặc biệt quyền
lực trong công tác cán bộ với những chủ trương, giải pháp theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 7 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, thực hiện chiêu
hiền đãi sĩ, cầu người hiền tài, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa có phẩm
chất đạo đức vừa có năng lực chuyên môn giỏi, có tinh thần trách nhiệm trong
công việc, “nói đi đôi với làm”. Cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp
phải kiên quyết đấu tranh chống trì trệ, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng
phí, tiêu cực. Tăng cường “đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định
kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp
dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm”[10];
xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức,
lối sống, xa vào lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân.v.v..
Bốn là, phát huy vai trò của đạo đức gắn liền với củng cố pháp luật. Nâng
cao hiệu quả truyền thông, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân hiểu
và tự giác thực hiện; đồng thời, cần có cơ chế giám sát, bảo đảm tính nghiêm
minh tuyệt đối trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo mọi công dân đều bình
đẳng trước pháp luật, xây dựng lối sống, lao động, học tập và hành xử theo pháp
luật, làm cho chấp hành pháp luật trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi công
dân. Bởi pháp luật càng nghiêm, tính răn đe càng cao, càng công bằng thì theo
đó đạo đức xã hội càng đi lên. Nếu pháp luật không nghiêm, lòng dân không thuận
thì đạo đức đi xuống, dẫn tới coi thường, trà đạp lên các giá trị đạo đức, theo
đó làm hiệu quả quản lý xã hội của cả đạo đức và pháp luật.
Tiếp thu các giá trị đạo đức tiến bộ
vào trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật
dân chủ, phù hợp với các giá trị chân, thiện, mỹ, bảo đảm, bảo vệ các giá trị
quyền con người, làm cho các giá trị đạo đức thấm sâu vào pháp luật, làm cho
lương tâm, tình cảm con người trở thành động lực thúc đẩy thực thi pháp luật. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng về hoàn
thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; giải
quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân
dân, “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm
quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”[11];.v.v.. nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong
sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tóm lại, xem xét vai trò của đạo đức cần đặt trong tính chỉnh
thể, không siêu hình, chủ quan, tuyệt đối hóa đạo đức mà xem nhẹ các thiết chế,
phương thức điều chỉnh khác, đặc biệt là thiết chế pháp luật. Làm được như vậy
mới thực sự khơi dậy và phát huy vai trò của đạo đức trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Mặt khác, cần tránh nhận thức sai trái về vai trò của đạo đức đối với xây dựng
và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tránh lối tuyên truyền,
giáo dục hô hào chung chung về lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức mà
không gắn với giáo dục và thực thi pháp luật, hoặc chỉ dùng sức mạnh cưỡng chế
lạnh lùng của luật pháp thì sẽ không thể điều chỉnh, kiểm soát được mọi hành vi
của con người. Phát huy vai trò của đạo đức trong
xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay chính là một trong những phương thức tốt nhất
để tăng thêm sức mạnh, khắc phục những điểm yếu, những hạn chế nội tại của cả đạo
đức và pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
2.
Nguyễn Phú Trọng, Toàn văn Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Báo
điện tử VOV, https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov, 25/10/2018
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Khóa XII,
Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.29, 38-39
4.
Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần
thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, (Dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội, 2018.
5. Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Quyết
định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa
công vụ, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=195725,12/2018
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.170.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.61.
[3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, HN, 2021, T1.
tr.184.
[4]
Nguyễn Phú Trọng, Toàn văn Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Báo
điện tử VOV, https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov, 25/10/2018.
[5]
Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ: Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ,
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Khóa XII,
Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.29.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 126-127.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Khóa XII,
Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.38-39.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 128-129.
[10] Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các
Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, (Dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở),
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 50.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét