Cương Trực
Thuật ngữ “dân chủ” ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên. Về mặt ngữ nghĩa, ngôn ngữ Hy Lạp cổ dùng thuật ngữ “demokratos” để diễn đạt dân chủ, trong đó “demos” là nhân dân và “kratos” là quyền lực. Theo cách diễn đạt này, dân chủ trong tiếng Hy Lạp cổ được hiểu là quyền lực thuộc về nhân dân hoặc quyền lực của nhân dân. Cách hiểu trên cơ bản được giữ nguyên cho đến ngày nay. Theo đó, dân chủ là một khái niệm dùng để chỉ quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh mối quan hệ giữa nhân dân và quyền lực nhà nước, trong đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
“Dân chủ” không phải là khái niệm bất
biến mà là một phạm trù chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội và luôn gắn với sự
tồn tại của các kiểu nhà nước trong những điều cụ thể nhất định. Bởi vậy, khái
niệm “dân chủ” có mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm “chế độ dân chủ” và “nền
dân chủ”. “Chế độ dân chủ” dùng để chỉ thiết chế xã hội nhằm thực hiện quyền
lực của nhân dân; còn khái niệm “nền dân chủ” dùng để chỉ hệ thống các thiết
chế được xác lập và thực thi trong hiện thực xã hội theo mục tiêu thực hiện
quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội đó. Biểu hiện của một chế độ dân chủ
thường bao gồm bốn yếu tố chính: Có một hệ thống chính trị mà việc lựa chọn và thay
thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng; bảo đảm sự tham gia tích
cực của công dân trong chính trị và đời sống dân sự; bảo vệ quyền con người,
quyền công dân; bảo đảm pháp quyền, trong đó tất cả mọi công dân đều bình đẳng
trước pháp luật, không ai đứng trên luật pháp. Có 2 phương thức thực hiện quyền
làm chủ của nhân dân là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài
người, cần hiểu rõ những thành tựu giành được của nền dân chủ tư sản không chỉ
do riêng giai cấp tư sản tạo ra, mà là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động,
kết quả của quá trình nhận thức và tất yếu của tiến bộ xã hội. Những tuyên bố
về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nhà nước pháp quyền và xã hội công dân
là những nội dung đầu tiên của dân chủ tư sản. Tuy nhiên, với bản chất của xã
hội tư sản, nền dân chủ tư sản không tránh khỏi những hạn chế. Dân chủ xã hội
chủ nghĩa là dân chủ của nhân dân lao động được thể hiện trong mọi lĩnh vực
chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân
chủ phát triển ở trình độ cao nhất trong lịch sử, một chế độ dân chủ rộng rãi
nhất - dân chủ cho toàn thể nhân dân lao động.
Ở Việt Nam, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa
là động lực của đổi mới, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dân chủ là phương thức, nguyên
tắc cơ bản của hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, trong đó mọi thành viên
được tôn trọng, bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề của đất
nước, xã hội, cộng đồng. Công dân được tạo mọi điều kiện để phát huy các quyền
tự do, dân chủ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trước hết cán bộ,
đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu gương mẫu..., làm sao cho nhân dân biết
hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Cơ sở
của dân chủ xã hội chủ nghĩa là các quyền tự do của cá nhân, tổ chức trong các
lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhưng không có tư tưởng tự do vô giới
hạn mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta khẳng định:
“Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật và
được pháp luật bảo đảm..., quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”. Dân chủ
là quyền tự do của con người trong các lĩnh vực nhưng tự do phải trong khuôn
khổ các chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý, đạo đức xã hội. Đại hội XIII của Đảng cũng
nêu rõ: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh
thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất
cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ
trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở... Xử lý kịp thời,
nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn
định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ
của nhân dân”.
Hiện nay, trong điều
kiện toàn cầu hóa, sự lan truyền của tư tưởng dân chủ tư sản từ các nước phương
Tây sang các nước khác đang hình thành những làn sóng. Tuy nhiên, sự tồn tại
của nền dân chủ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của một quốc gia, vào quá
trình phát triển của lịch sử, xã hội ở quốc gia đó qua nhiều thế hệ chứ không
thể áp đặt từ bên ngoài. Vì vậy, nhiều phong trào dân chủ trên thế giới được
phương Tây ủng hộ không thiết lập nổi một nền dân chủ ổn định mà chỉ dẫn tới
hỗn loạn và nội chiến do các phe phái chính trị không thể hợp tác với nhau để
duy trì nền dân chủ, mà đấu tranh với nhau để giành quyền lực với sự hỗ trợ của
nước ngoài, còn nhân dân thì bị lôi cuốn vào cuộc xung đột đó. Sự kiện Mỹ rút
quân khỏi Afganistan là một minh chứng không thể chối cãi rằng không thể du nhập và áp
đặt một cách vô căn cứ giá trị dân chủ tư sản với các nước khác. Chủ thể của
dân chủ ở Việt Nam là nhân dân Việt Nam và chính họ sẽ quyết định cho sự phát
triển đó. Và như vậy, không một thế lực nào được can thiệp và xuyên tạc về dân
chủ ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét