Lễ tưởng niệm đặc biệt
Dưới chân dãy núi mà phía bên kia là rừng già Chư Mom Ray có một đài tưởng niệm do thành phố Hà Nội xây dựng và khánh thành năm 2012. Nơi đây như một ngôi nhà của các cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đi về. Hà Nội - Kon Tum đường sá xa xôi nhưng chẳng thể ngăn được bước chân của những người lính già. Năm nào họ cũng ra vào nhiều chuyến để tìm đồng đội đã nằm lại trên cao điểm này.
Đã có nhiều lễ tưởng niệm, lễ cầu siêu cho các vong hồn liệt sỹ, nhưng lễ cầu siêu sáng 24-3-2018 là một buổi lễ đặc biệt. Các cựu chiến binh gọi ngày 26-3 hàng năm là ngày giỗ trận. Đó là trận đánh đầu đời ám ảnh những người lính của cả hai phía suốt 50 năm qua.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Sa Thầy năm 1968. Ảnh: Đức Bình. |
Chẳng thế mà ngay cả những người lính ở phía bên kia bán cầu cũng bị thôi thúc quay trở lại Việt Nam mang theo di vật và những sơ đồ, nhật ký chiến trường để chuộc lỗi với nhân dân và những người lính Việt Nam vì cuộc chiến phi nghĩa do phía họ gây ra bao đau thương mất mát cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 24-3-2018, 7 cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại dãy núi này cùng người thân kính cẩn cúi mình trong tiếng nhạc hồn tử sỹ. Họ thắp hương trên những ngôi mộ chưa xác định tên được đưa từ núi xuống. Họ đã từng cùng các cựu chiến binh Việt Nam nghiên cứu sơ đồ để tìm những ngôi mộ tập thể mà chính tay họ từng chôn lấp.
Một cựu binh Mỹ cao lớn ôm chặt chị Lê Thị Hồng Thảo, em gái liệt sỹ Lê Văn Thà. Một cựu binh Việt, một cựu binh Mỹ ngồi trên bậc thềm đài tưởng niệm cùng nhìn về không gian rộng ngút tầm mắt khi trời đã về chiều. Cái gì đã làm nên sự thân thiết này?
Phải chăng là sự ám ảnh sau cuộc chiến, là sự ân hận của những người lính phía bên kia và cả sự bao dung của nhân dân và những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đây không phải là lần đầu tiên những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam được đón tiếp nồng hậu như thế.
Quân chủ lực mũ sắt
Những năm 1965, bộ binh Mỹ đổ bộ vào miền Nam, không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc. Khí thế đánh Mỹ để bảo vệ quê hương sôi sục khắp các làng quê. Thanh niên, học sinh ở nội, ngoại thành Hà Nội nô nức xung phong ra chiến trường.
Ở huyện ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh, nhiều thanh niên còn chưa đủ 18 tuổi cũng viết đơn xin ra trận. Nhiều sinh viên đang học trong các trường đại học, đặc biệt là Trường đại học kinh tế đã gác bút nghiên. Hơn 1.000 thanh niên Hà Nội, hầu hết là tình nguyện được tuyển vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. 500 lính Tiểu đoàn 7 nhập ngũ ngày 27-3-1967 là thanh niên Gia Lâm và nội thành. Tiểu đoàn 8 chủ yếu là quân Đông Anh nhập ngũ ngày 23-3-1967.
Lễ tưởng niệm 50 năm các liệt sỹ Trung đoàn 209 hy sinh tại Sa Thầy, Kon Tum. |
Theo lời kể của các cựu chiến binh, lính Trung đoàn bộ binh 209 được trang bị những loại vũ khí bộ binh tốt nhất thời đó như B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K73, trung liên RBD, AK47… mặt nạ phòng hóa, tăng võng trang phục Tô Châu và mũ sắt Liên Xô. Đó cũng là lý do mà Trung đoàn 209 được gọi là Trung đoàn mũ sắt. Suốt một năm trời, hơn 1.000 lính trẻ được huấn luyện kỹ càng để đánh công kiên, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.
Tôi tìm đến ngôi nhà của ông Hồ Đại Đồng, người lính trinh sát pháo năm xưa đã chiến đấu ở cao điểm Sa Thầy. Trong ngôi nhà nằm ở một ngõ trên đường Hoàng Hoa Thám, ông kể cho tôi nghe về cuộc chiến đấu giành giật cứ điểm 995 trong 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5-1968.
Đôi mắt luôn hướng về phía xa xăm, trầm ngâm ông kể: Đầu tháng 2-1968, đúng Tết Mậu Thân, trung đoàn hành quân cơ giới vào chiến trường. Việc chuyển quân sớm bị quân Mỹ phát hiện và cho không quân đánh chặn. Một ô tô bị lật, hơn 10 người hi sinh, Tiểu đoàn 8 là lính Đông Anh phải chuyển sang hành quân bộ.
Thế nên, trận đánh Mỹ đầu tiên không có lính Đông Anh. Ở trạm T3 vùng ngã ba biên giới trên đất Lào, Trung đoàn 209 thay Trung đoàn 320 nhập vào Sư đoàn 1 và được lệnh đánh trại biệt kích Kleng (căn cứ Lệ Khánh) mật danh M1 ở phía Tây - Tây Bắc Kon Tum.
Kleng bị đe dọa, Mỹ điều Sư đoàn 4 sơn cước và lữ đoàn dù 173 lên Kleng và Đắk Tô, Tân Cảnh để ngăn chặn.
Cựu chiến binh trung đoàn 209 với những chiếc mũ sắt kỷ vật được tìm thấy trên núi Chư Tan Kra. |
Ngày 21-3-1968, khi trung đoàn vừa tập kết quân ở khu vực Chư Tan Kra, Chư Tan An, cách Kleng khoảng 10 km thì quân Mỹ đổ tiểu đoàn bộ binh 3/8, lực lượng công binh, trinh sát và một đại đội pháo 105mm xuống tọa độ YA 939913 lập căn cứ hỏa lực FSB12 (gọi là M2) ngay giữa đội hình tập kết của trung đoàn.
Lực lượng quân Mỹ tại M2, theo trinh sát trung đoàn xác định bằng đếm số lần chuyến trực thăng đổ quân là một tiểu đoàn tăng cường gồm một đại đội pháo 105mm, 3 đại đội bộ binh, lực lượng trinh sát, công binh tương đương 1 đại đội và chỉ huy sở tiểu đoàn.
Ông Đồng cho biết: "Thực tế quân Mỹ còn có 2 đại đội bộ binh luồn rừng lên Kleng, thường xuyên tuần tra trong rừng, đêm ngủ rừng quanh căn cứ và 4 đại đội pháo ở sân bay Kleng và lân cận với các cỡ nòng 203, 175, 155, 105 mm cùng không quân yểm trợ".
So sánh lực lượng giữa quân ta và quân Mỹ ở khu vực tây Kon Tum đã nhanh chóng thay đổi. Trung đoàn phải bỏ mục tiêu đánh Kleng (M1) đồng thời buộc phải đánh M2 bởi căn cứ này chặn đường từ Kon Tum về vùng ngã ba biên giới và nằm giữa đội hình tập kết của trung đoàn. Căn cứ FSB14 của Mỹ cách Tiểu đoàn 7 chỉ 900m về phía nam. "Hàng ngày, qua kẽ rừng, chúng tôi nhìn thấy rõ trực thăng lên xuống, quân Mỹ đào hầm, căng rào thép gai, cưa cây, hò hét… họ cũng chỉ cách Tiểu đoàn 9 ở Chư Tan An vài cây số về phía Bắc" - ông Đồng kể lại.
Chính trị viên Phan Trung Bắc và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Trương Ân xung phong nhận mũi chủ công, đánh từ hướng Tây và Tây Bắc dù sau 3 ngày quân Mỹ nống ra, bom đạn đã làm Đại đội 3 thiệt hại nặng 2 trung đội. Tiểu đoàn 9 sẽ đánh từ hướng Nam. Trung đội đặc công luồn sâu từ hướng Bắc đánh vào sở chỉ huy căn cứ.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 cho biết, sau này khi các cựu chiến binh Mỹ và các ông bắt được liên lạc với nhau, họ mới hình dung được cách tổ chức quân của đối phương và lượng bom đạn rơi xuống trận địa là khủng khiếp. M2 là căn cứ hình chữ T trên sườn núi dốc, mỗi chiều 500 - 600m. Quân Mỹ bố trí 3 đại đội bộ binh ở 3 góc để có thể dễ dàng chi viện cho nhau.
Ở giữa, họ bố trí trận địa pháo và chỉ huy sở, lớp phòng ngự thứ 2 là lính trinh sát, công binh, thông tin. Ngoài ra, họ còn giăng nhiều lớp mìn định hướng claymo, được trang bị kính nhìn đêm và thiết bị thu tiếng động. Bên ngoài căn cứ là hai đại đội lưu động, ngày tuần tra, đêm ẩn trong rừng. Thám báo Mỹ cũng biết quân ta có 2 tiểu đoàn, một ở phía Bắc, một ở phía Nam căn cứ FSB14. Lực lượng mạnh như vậy, quân Mỹ lại có chiến hào, lô cốt phòng ngự. Trong khi lính của ta, quân vừa ít, hỏa lực lại thua xa.
Trận đánh đầu đời
1h15 ngày 26-3-1968, quân Mỹ biết bộ đội ta di chuyển hướng vào căn cứ, họ lặng lẽ chờ đợi. 3h20, không thể chờ đặc công nổ súng làm hiệu lệnh tấn công vì quá giờ hẹn đã lâu, trời sắp sáng, điện thoại không liên lạc được với trung đoàn, chính trị viên và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 quyết định nổ súng. Sau phát pháo hiệu xanh vọt lên trời, kèn đồng thổi, quân ta xung trận
Hướng nam, Tiểu đoàn 9 thương vong nhiều vì mìn claymo, buộc phải tạm rút. Hướng Tây và Tây Bắc Tiểu đoàn 7 dùng mìn định hướng ĐH10 quét được hàng rào và mìn của địch. Đại đội 1 và đại đội 2 được tăng cường hỏa lực đại liên, B41 của đại đội 5 và 1 trung đội súng phun lửa đồng loạt xung phong mãnh liệt…
4h, Đại đội D tiểu đoàn 3/8 Mỹ bị thương vong nặng, phải rút về khu vực trận địa pháo. Đại đội C pháo 105mm tiểu đoàn 6/29 hạ nòng pháo bắn thẳng ra vùng cửa mở. 4 trận địa pháo của quân Mỹ từ các vùng lân cận bắn dồn dập vào khu vực căn cứ vừa bị ta đánh chiếm.
Lính Mỹ khiếp đảm kéo đồng đội bị thương trong một trận đánh. Ảnh minh họa TL |
Tiểu đoàn 7 phát triển đánh vào trận địa pháo, hai đại đội bộ binh 1 và 2 như hai mũi khoan lửa khoan vào vùng địch phòng ngự. Quân Mỹ tổ chức các trung đội trinh sát, công binh, thông tin chi viện đại đội D phản kích. Giao tranh giành giật quyết liệt quanh từng ụ pháo. Tiểu đoàn 9 sử dụng C13 tổ chức tấn công chi viện từ hướng nam nhưng không thành.
4h15, máy bay C47 tới thả pháo sáng, bắn chi viện quân Mỹ. Đại đội A Mỹ luồn rừng ứng cứu FSB14, tấn công sau lưng quân ta từ hướng Tây Bắc, chúng tổ chức liên tiếp 4 đợt xung phong để bịt lại vùng cửa mở. Bộ đội ta bị quây trong căn cứ đến dần hết đạn. Từ núi Yên Ngựa phía tây, Tiểu đoàn trưởng Trương Ân tung lực lượng dự bị duy nhất của ông là Trung đội 9 của Đại đội 3 vào trận.
6h15, Đại đội A Mỹ vào được căn cứ. 6h30, trực thăng Mỹ đổ 2 đại đội B và D của tiểu đoàn 1/8 xuống M2 để phản kích chiếm lại trận địa. Đại đội D tiểu đoàn 3/8 bị thiệt hại nặng được đưa về núi Rồng để củng cố. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân lệnh rút quân, Chính trị viên tiểu đoàn hô các chiến sĩ thông tin, vận tải xông lên cứu thương binh. Những thương binh Tiểu đoàn 7 đã rút được ra bên ngoài còn nghe tiếng súng AK của những đồng đội bị vây trong căn cứ đến 7h. Trận Chư Tan Kra kéo dài đến 31-3-1968 mới kết thúc khi quân ta rút khỏi đỉnh 1198…
Ông Hồ Đại Đồng cho biết, ngày đó Báo Lập công của các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã viết, trong trận Chư Tan Kra, quân ta đã tiêu diệt 204 lính Mỹ, hơn 200 chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh.
Là lính trinh sát pháo, so với anh em, ông Đồng biết nhiều hơn về cuộc chiến đấu này, số anh em còn lại ở trong rừng, khi có lệnh tiến là tiến, khi đánh xong lại rút vào rừng. Lính trinh sát được đi ban ngày, dùng ống nhòm, tiếp cận căn cứ địch để quan sát, chuẩn bị cho các trận đánh. Bởi thế, ông đã chứng kiến máy bay đổi quân xuống trận địa, chứng kiến cảnh bộ đội ta hy sinh và được gom vào các hố chôn tập thể ra sao.
Người lính khi nhập ngũ còn thiếu 6 tháng mới đủ 18 tuổi ấy cứ bị ám ảnh về chiến tranh, về sự hy sinh của đồng đội trong trận đánh ấy. Và, ông cũng như đồng đội đã đi tiếp cuộc chiến đấu để thống nhất đất nước may mắn trở về cứ bị thôi thúc bởi những điều chưa thể thực hiện với những đồng đội đã nằm xuống.
(Còn nữa)
Việt HàTheo Báo Công an nhân dân
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa