Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CẢNH GIÁC VỚI MƯU ĐỒ PHÁ HOẠI TÍNH CHẤT CHỈNH THỂ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC



                                                                                        Kiên Trung
          Chủ nghĩa mác là một môn khoa học hoàn bị với ba bộ phận cấu thành là: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bộ phận này luôn là một chỉnh thể thống nhất liên hệ với nhau, thâm nhập vào nhau, quán xuyến thông suốt với nhau. Ở trong chủ nghĩa Mác chúng chỉ là những ngành khoa học có tính chất khác nhau, chứ không phải là có ý nghĩa hoặc địa vị cơ bản khác nhau. Cho nên, thổi phồng bất cứ một nghành khoa học nào đó hoặc bất cứ ý nghĩa của một bộ phận nào đó, hạ thấp một nghành khoa học khác hoặc ý nghĩa của một bộ phận nào khác trong tổng thể chủ nghĩa Mác đều là không đúng.
          Đã, đang có không ít quan điểm cho rằng, do sự thay đổi hiện nay của chủ nghĩa tư bản, chế độ xã hội chủ nghĩa thất bại ở một số nước, kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác lấy học thuyết giá trị thặng dư làm nội dung cơ bản và chủ nghĩa xã hội khoa học lấy học thuyết đấu tranh giai cấp, lý luận chuyên chính vô sản làm nội dung cốt lõi “đã lỗi thời”, “đã mất hiệu lực”. Phần có giá trị trong chủ nghĩa Mác chỉ còn lại là triết học của nó, mà triết học cũng không phải là toàn bộ, cũng không phải là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà chỉ là triết học của con người hay “nhân học triết học”.
Luận điểm này có thể nói là không có chút căn cứ khoa học nào. Đúng là trong điều kiện mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa,… chủ nghĩa tư bản quả là đã có sự điều chỉnh, thích nghi, thậm chí có một số thay đổi rất lớn, đồng thời cũng có một số hiện tượng mới đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Nhưng những thay đổi, điều chỉnh đó không hề thay đổi tính chất cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Mức sống của giai cấp công nhân được nâng lên tương đối cao, nhưng địa vị làm thuê của họ không hề thay đổi căn bản, họ vẫn là những kẻ làm thuê cho các nhà tư bản. Như vậy, chúng ta không thể nói học thuyết giá trị thặng dư và lý luận đấu tranh giai cấp của Mác đã lỗi thời. Loại bỏ hai bộ phận chủ yếu của chủ nghĩa Mác là kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học ra khỏi chủ nghĩa Mác tức chặt cụt chủ nghĩa Mác thành nhánh rời, mảnh vụn. Vả lại, họ hình như cảm thấy làm như vậy vẫn chưa triệt để, lại vứt bỏ đi những nội dung cơ bản trong phần triết học, chỉ để lại cái gọi là “nhân học triết học”. Tức là, phần để lại đó cũng bị xuyên tạc, bóp méo rất nhiều. Đã xa rời chủ nghĩa duy vật lịch sử, triết học về con người lấy con người làm điểm xuất phát và chỗ quy tụ, thì có thể là cái gì? Chỉ có thể là chủ nghĩa duy tâm lịch sử, chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng mà thôi.
Chủ nghĩa Mác, như V.I.Lênin đã từng nói nhiều lần, là một học thuyết hoàn chỉnh, thống nhất, cân đối, các bộ phận hợp thành của nó như đúc chung trên cùng một tấm thép, giữa chúng với nhau có mối liên hệ hữu cơ, làm điều kiện cho nhau. Đề cao bộ phận này, hạ thấp bộ phận khác, thừa nhận bộ phận này, phủ nhận bộ phận kia của chủ nghĩa Mác là phá vỡ tính thống nhất bên trong của nó. Mà làm như vậy nghĩa là làm cho chủ nghĩa Mác biến chất để trở thành một thứ lý luận mà giai cấp tư sản có thể chấp nhận được. Theo đó, mặc dù đây là “chiêu trò cũ” nhưng những người mácxít chân chính hiện nay cũng luôn cần tỉnh táo, cảnh giác và đấu tranh bác bỏ.


1 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phản động

    Trả lờiXóa