Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

HIỂU RÕ HƠN VỀ ALVIN TOFFLER TRONG CUỐN SÁCH “LÀN SÓNG THỨ BA”


Phạm Trung
Alvin Toffler (1928 - 2016) là một học giả tư sản, nhà tương lai học người Mỹ gốc Ba Lan. Các tác phẩm của ông thường đề cập tới công nghệ, tác động của công nghệ, sự gia tăng sức mạnh của vũ khí và chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21. Trong đó, Làn sóng thứ ba (the third wave) là một trong những tác phẩm nổi tiếng. Ở cuốn sách này, Alvin Toffler đã phân chia lịch sử nhân loại thành ba nền văn minh.
          Nền văn minh nông nghiệp là nền văn minh mà ở đó chủ yếu người lao động, công cụ lao động có trình độ thủ công, năng suất thấp, đời sống con người còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa ổn định, nạn đói vẫn còn diễn ra, trình độ cải tạo tự nhiên của con người còn thấp. Nền văn minh công nghiệp là nền văn minh được đánh dấu sự xuất hiện bằng việc phát minh ra máy hơi nước. Lực lượng sản xuất phát triển mạnh so với nền văn minh nông nghiệp, công cụ sản xuất bằng cơ khí xuất hiện. Sản phẩm làm ra chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp. Nền văn minh hậu công nghiệp là nền văn minh mà ở đó trí thức đóng vai trò chủ đạo. Nền văn minh này trí thức đóng vai trò lãnh đạo chứ không phải giai cấp nông dân và giai cấp công nhân. Sản phẩm sản xuất ra có hàm lượng trí tuệ là cao, xã hội phát triển vượt bậc.
Không thể phủ nhận rằng phương pháp tiếp cận nền văn minh của Alvin Toffler có giá trị nhất định. Phương pháp này cho phép nhận thức, đánh giá được trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý, ngay trong lời mở đầu của cuốn sách, Alvin Toffler đã bộc bạch rằng “Khi tôi còn là môn đồ mácxít trước năm 20 tuổi, nghĩa là cách đây chỉ hơn 1/4 thế kỷ, cũng như nhiều thanh niên khác tôi nghĩ rằng tôi có tất cả các câu trả lời. Sau đó tôi nhận thấy ngay rằng những câu trả lời của tôi chỉ là một phần, một mặt và lỗi thời.”[1]. Alvin Toffler đã bóng gió chê phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã lỗi thời, không toàn diện.
Phương pháp tiếp cận nghiên cứu xã hội của C.Mác là phương pháp biện chứng duy vật. C.Mác đi từ lĩnh vực kinh tế vật chất để giải thích các hiện tượng và các quá trình của đời sống xã hội. Trong tất cả các mối quan hệ xã hội, C.Mác làm nổi bật quan hệ sản xuất, coi đó là quan hệ cơ bản, ban đầu quyết định mọi quan hệ khác. C.Mác đã không dừng lại ở lý luận trừu tượng về xã hội nói chung, mà đi sâu nghiên cứu một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể là xã hội tư bản chủ nghĩa, từ đó khái quát lên tính quy luật của tất cả các xã hội khác.
Alvin Toffler tuyệt đối hóa vai trò của tri thức, công nghệ (trình độ của lực lượng sản xuất) còn C.Mác xem xét toàn diện xã hội dựa trên ba yếu tố cơ bản: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. C.Mác chỉ rõ vị trí, vai trò của từng yếu tố đối với sự phát triển của lịch sử xã hội. Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất của xã hội, tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các thời đại kinh tế khác nhau, có vai trò xét đến cùng quyết định sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội. Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, chi phối và quyết định mọi quan hệ xã hội khác, đồng thời là tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân biệt bản chất các chế độ xã hội trong lịch sử. Kiến trúc thượng tầng là bộ mặt tinh thần của đời sống xã hội, có tác động to lớn trở lại cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Alvin Toffler hoặc là không hiểu, hoặc là cố tình lờ đi yếu tố quan hệ sản xuất để che đậy đặc trưng của phương thức sản xuất chủ nghĩa tư bản là tư hữu về tư liệu sản xuất.
Theo Alvin Toffler, trong nền văn minh hậu công nghiệp, loài người sẽ “hội tụ” ở tri thức, trí thức đóng vai trò lãnh đạo chứ không phải giai cấp nông dân và giai cấp công nhân; giai cấp, dân tộc, nhà nước chỉ là hình thức lịch sử; con người sẽ sống với nhau một cách hòa bình. Đến đây, lập trường giai cấp của Alvin Toffler đã bộc lộ rõ. Alvin Toffler bỏ qua vai trò của quan hệ sản xuất, phủ nhận các mối quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp nhằm điều hòa giai cấp, duy trì địa vị thống trị của giai cấp tư sản và sự tồn tại của xã hội tư bản.
Tóm lại, trong cuốn sách Làn sóng thứ ba, Alvin Toffler đã cung cấp cho độc giả một phương pháp nhận thức, đánh giá trình độ phát triển khoa học kỹ thuật trong lịch sử xã hội. Cống hiến này không đối lập mà có tác dụng bổ sung cho phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Tuy nhiên, so với C.Mác, phương pháp của Alvin Toffler là siêu hình. Đặc biệt, xét về tư tưởng chính trị, lập trường giai cấp, phương pháp của Alvin Toffler là bảo thủ, phản động, gián tiếp điều hòa giai cấp, ca ngợi và duy trì xã hội tư bản đang đầy rẫy những áp bức, bất công. Ông ta không đứng về phía giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà đứng về phía những tay trùm tư bản đang tìm mọi cách sử dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để bóc lột, nô dịch ngày càng tinh vi.


[1] Alvin Toffler (1980), Làn sóng thứ ba, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002, Lời nói đầu.

1 nhận xét: