Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

MỘT SỐ YÊU CẦU GIỮ VỮNG TÍNH ĐẢNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG TRONG THANH NIÊN QUÂN ĐỘI HIỆN NAY


C.B

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng một cách toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, đức và tài. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã khẳng định, một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng và chủ yếu nhất hiện nay của công tác xây dựng Đảng là: “…kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[1]. Với tinh thần đó, giữ gìn, nêu cao “tính đảng” của người đảng viên, xây dựng người đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, tiên phong trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng là một trong những nội dung cốt yếu nhất nhằm ngăn chặn, đẩy lùi quá trình “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đạt được hiệu quả tốt nhất.
“Tính đảng” là sự biểu hiện tập trung nhất lập trường, tư tưởng chính trị của người đảng viên trong đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị là “môi trường” tốt nhất để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện bản lĩnh cách mạng, loại bỏ những biểu hiện hủ hóa, phản cách mạng… Do đó, thái độ, trách nhiệm trong đấu tranh chính trị là thước đo đánh giá chính xác nhất phẩm chất và năng lực của người cán bộ đảng viên. Thông qua đấu tranh cách mạng sẽ làm cho cán bộ đảng viên phát huy tính độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của mình trước những bước ngoặt và tình huống phức tạp về chính trị, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Để giữ gìn, nâng cao “tính đảng” người cán bộ, đảng viên cần chú ý thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, trong mọi hoạt động công tác người cán bộ, đảng viên phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phải đặt lợi ích của đảng, của dân tộc lên trên hết. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, yêu cầu đó chỉ rõ, đối với người cán bộ, đảng viên “… trong tư tưởng của mình, chỉ có Đảng và lợi ích của Đảng”[2], bất kỳ làm việc gì cũng phải tính tới lợi ích của Đảng, bởi vì, lợi ích của Đảng chính là biểu hiện tập trung cao nhất lợi ích “của mọi đảng viên, nó là cái tiêu biểu tập trung lợi ích của toàn giai cấp công nhân và toàn dân tộc và loài người”[3]. Thực hiện tốt yêu cầu này góp phần quan trọng trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định với sự nghiệp của Đảng, đồng thời đẩy lui tình trạng “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, để giữ vững, nêu cao “tính đảng” của người cán bộ đảng viên, yêu cầu đòi hỏi người đảng viên phải không ngừng học tập, tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. “Tính đảng” chỉ được hình thành, củng cố, giữ vững khi được xây dựng trên cơ sở tri thức; theo đó, nếu tri thức đúng, đủ, cộng thêm với thái độ nghiêm túc, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính thì cán bộ sẽ luôn kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đây cũng là việc thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên và góp phần phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, nâng cao bản “tính đảng” của cán bộ, đảng viên không tách rời việc nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục có hiệu quả các biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống... Để thực hiện yêu cầu này đòi hỏi cần “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”[4]
Thứ tư, đề cao vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một cách thức quan trọng để giữ gìn, nâng cao “tính đảng” của họ. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”[5]. Đó là sự thể hiện quan điểm toàn diện trong việc xây dựng người cán bộ, đảng viên của Đảng. Chỉ có xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, không tách rời “phẩm chất và năng lực” mới là điều kiện tiên quyết cho họ hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng trong thực tiễn xây dựng Đảng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 36.
[2] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 6, tr. 290.
[3] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 6, tr. 291.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 203.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.205

1 nhận xét: