Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

KHÔNG THỂ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM


43 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trang sử vàng chói lọi ấy đã làm rạng rỡ non sông, vang danh thế giới. Nhưng sau sự kiện lịch sử này, vẫn có những người nhìn nhận và đánh giá sai lệch về cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ dành độc lập, tự do của dân tộc. Họ không gọi 30/4 là “ngày giải phóng” với lý do đưa ra là thời điểm đó không còn Mỹ ở miền Nam mà chỉ có người Việt Nam giao tranh với nhau.
Quả là sự sai lầm cố ý! Cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam khỏi ách ngoại xâm đã được quân và dân cả nước tiến hành từ hàng chục năm trước. Chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên để thực hiện âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt đất nước ta thành hai miền. Quân đội Việt Nam cộng hòa cũng do Mỹ xây dựng, huấn luyện và sử dụng vào mục đích chiến tranh cùng với các loại lính chư hầu khác. Do đó, cuộc chiến tranh giải phóng nhằm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” vào ngày 30/4/1975 là cả một quá trình của cuộc kháng chiến. Và thắng lợi cuối cùng đã đánh dấu bằng sự kiện 30/4/1975 là “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Từ nguyên nhân sâu xa, mục tiêu và ý nghĩa đó nên 43 năm qua, Việt Nam đã, đang và vẫn gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…
Đó là một ngày lễ quốc gia của người Việt Nam, đánh dấu sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam.
Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, thường được gọi là 30 tháng Tư, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (tên gọi tại Việt Nam). Còn cách gọi của báo chí phương Tây và những người Việt Nam di tản ra nước ngoài thì gọi là Ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ, Sài Gòn thất thủ. Thậm chí, một số người có quan điểm bất đồng với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại gọi 30/4 là “Ngày quốc hận”.
Nên nhớ rằng, 30/4 là sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các bị bắt tại chỗ và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Lâu nay, trong các văn bản, pano, áp phích, khẩu hiệu vẫn có lúc, có nơi dùng cụm từ chưa chính xác về ngày 30/4 như Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, Ngày lễ chiến thắng 30/4, Ngày thống nhất đất nước, Ngày hòa bình lập lại…Vì vậy, cần sử dụng cho chuẩn xác cụm từ theo văn bản chính thống của Nhà nước: “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Đặc biệt, không thể mơ hồ trước quan điểm mập mờ, đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm “giải phóng”.
(ĐỨC TOÀN)


1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa