Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế được Đại hội XII của Đảng xác định là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ để phát triển đất nước giai đoạn 2016-2020.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “… Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, không lâu sau những dấu ấn nổi bật của Năm APEC 2017, mới đây, Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công các sự kiện đa phương lớn khác, như: Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) và Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS 6).
Chỉ trong vòng hơn 10 năm kể từ APPF-13, việc Việt Nam lần thứ hai vinh dự được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị thường niên của một diễn đàn hợp tác liên nghị viện lớn với 27 thành viên như APPF cho thấy sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam. Thượng nghị sĩ Takuji Yanogimoto, Trưởng đoàn đại biểu Nhật Bản tham dự APPF-26, chia sẻ: Ông ấn tượng sâu sắc về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam sau 13 năm kể từ lần tham dự APPF-13 do Việt Nam đăng cai năm 2005. “Đây là thành quả do những nỗ lực to lớn của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Việt Nam. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam đóng góp vào ổn định, phồn vinh trong khu vực và trên thế giới”, Thượng nghị sĩ Takuji Yanogimoto nhận xét.
Trong khi đó, ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhấn mạnh rằng, sự hòa hợp dân tộc là một lý do khiến Việt Nam trở thành địa điểm hoàn hảo để thảo luận chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới” nhân dịp APPF-26: “Việt Nam có sự hài hòa dân tộc rất đáng khen ngợi khi hơn 50 dân tộc cùng chung sống hòa bình với nhau”. Về phần mình, Thượng nghị sỹ Hirofumi Nakasone, cố vấn của APPF, đánh giá thành công của hàng loạt các hội nghị quốc tế thời gian qua như Hội nghị Cấp cao APEC hay APPF-26 “khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao”. Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi chia sẻ những tình cảm tốt đẹp về Việt Nam nhân dịp dự APPF-26, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron bày tỏ mong muốn mời Việt Nam tham gia tổ chức nhiều sự kiện của IPU.
Ngay sau thành công của APPF-26, Việt Nam lại tiếp tục ghi dấu ấn với Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 khi thu hút được sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các quốc gia thành viên, các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của rất nhiều các cơ quan báo chí, hãng truyền thông lớn trong và ngoài nước-gấp đôi so với dự kiến của ban tổ chức. Đó là chưa kể tới việc lần đầu tiên Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS đã được tổ chức nhân dịp GMS 6 theo sáng kiến của Việt Nam. Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS khác (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc), sự ủng hộ của các đối tác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN... và thu hút sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực.
Là đại biểu tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS và có quan hệ với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Hồng Công (Trung Quốc), cho biết dự định sẽ đưa nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam thông qua việc thành lập một quỹ đầu tư với số vốn ban đầu 200 triệu USD. Vì Sunwah đã đầu tư ở Việt Nam được 48 năm, qua 3 thế hệ, từ đời bố đến bản thân ông và con trai nên với Jonathan Choi, Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của ông. “Tôi sẽ nỗ lực đưa nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư”, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah khẳng định.
Không khó để nhận ra rằng, với những đánh giá khách quan của chính các đại biểu quốc tế thông qua việc tổ chức APPF-26, GMS 6 cùng với những hoạt động đối ngoại lớn khác, Việt Nam đã và đang truyền tải được thông điệp về một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển, sáng tạo, hội nhập, đổi mới, tích cực và giàu lòng mến khách; một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều đó đã góp phần “mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại… thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế” đúng như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định.
Thực tế đã cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế
Trả lờiXóa