Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

ĐẤU TRANH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG TRỌNG TÂM CỦA ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN HIỆN NAY



                                                   Vĩnh Chân

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến nay  đã đạt được những thành tựu quan trọng, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề thực tiễn cần được luận giải về mặt lý luận và cũng còn không ít yếu kém, khuyết điểm chưa được khắc phục. Kẻ thù đang ra sức lợi dụng những vấn đề đó để chống phá về mặt tư tưởng, lý luận thông qua nhiều phương thức, một trong những trọng tâm là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ.
Phương tiện thông tin đại chúng được hiểu là những phương tiện giúp tiếp cận, truyền bá thông tin tốt nhất đến quảng đại quần chúng - xã hội. Phương tiện thông tin được coi là đại chúng khi nó trở nên quen thuộc, hữu ích về mặt thông tin với đa số quần chúng và được họ sử dụng thường xuyên trong một khoảng thời gian dài. Đó là báo chí, truyền thanh, truyền hình, viễn thông, internet …vì đây là những phương tiện để truyền bá thông tin đến quảng đại quần chúng. Đồng thời, phương tiện thông tin đại chúng còn là phương tiện giao tiếp, kết nối, trao đổi thông tin, tư tưởng… giữa các thành viên trong xã hội một cách thuận tiện, trực tuyến mà có thể không cần phải trực tiếp tiếp xúc. Do đó, phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng viễn thông, internet trở thành công cụ tuyên truyền, quảng bá thông tin nói chung ngày càng trở nên phổ biến, quan trọng, tiện lợi… phục vụ cho các mục đích, ý đồ và lợi ích khác nhau.
Ngày nay có đủ các loại thông tin thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu đều có thể được truyền tải, lưu trữ, truy cập khai thác trên mạng internet. Chính điều này tạo ra sự hấp dẫn, tiện ích, phong phú, phổ biến… của những thông tin được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, song cũng có thể dẫn đến sự mất phương hướng của đối tượng tiếp nhận trước những thông tin dày đặc, liên tục trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Lợi dụng đặc tính này, các thế lực thù địch đã và đang triệt để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thông - internet để thực hiện mưu đồ truyền bá những thông tin phản động, xấu độc được ngụy trang, “đội lốt” tinh vi để chống phá cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Sự nguy hại, tinh vi, hiểm độc mà các thế lực thù địch tiến hành trên các phương tiện truyền thông - internet thể hiện ở chỗ: lượng thông tin tán phát rất lớn; sự pha trộn thật giả, tốt xấu lẫn lộn rất cao và khó phân biệt rạch ròi; thời gian tác động rất nhanh chóng và liên tục, phạm vi không gian rộng lớn, không phân biệt khoảng cách, ranh giới; tính tương tác giữa chủ thể truyền bá và tiếp nhận rất cao; phương thức thông tin rất đa dạng, tổng hợp, cập nhật nên mức độ tác động, ảnh hưởng rất lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa  nhanh và mạnh; việc đấu tranh ngăn chặn rất khó khăn, phức tạp. Do đó, đây thực sự là một lĩnh vực mới mẻ, phức tạp của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
Từ góc độ tiếp cận như vậy có thể thấy, ĐTLL trên phương tiện thông tin đại chúng là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để truyền tải liên tục, kịp thời đến đông đảo quần chúng nhân dân những vấn đề lý luận cơ bản nhằm bảo vệ, bổ sung, phát triển những nguyên lý cơ bản, phổ biến của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng nước ta; bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, con đường mục tiêu XHCN nhân dân ta đã lựa chọn, đồng thời đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, vạch trần những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, những hành vi cản trở công cuộc xây dựng CNXH trên đất nước ta, v.v…
Cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận nói chung, cuộc ĐTLL trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ xoay quanh những vấn đề cơ bản, cốt lõi của lý luận cách mạng, mà còn gắn chặt với những vấn đề thực tiễn, nhất là những biến động của đời sống kinh tế xã hội - thường được phản ánh một cách sâu rộng nhiều chiều, cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng - cần được đúc kết, luận giải một cách đúng đắn, kịp thời. Theo đó, trong cuộc ĐTLL trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta không chỉ vận dụng, kế thừa những nội dung, phương thức vốn có, mà còn phải liên tục đổi mới, sáng tạo những nội dung, phương thức đấu tranh mới phù hợp, đạt hiệu quả cao.




1 nhận xét: