Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Việc lợi dụng sự cố Formosa và những miếng pho mát chứa thuốc phiện


08:41 22/05/2017
Nhóm chúng tôi làm báo có những người theo Thiên Chúa giáo, ngoài buổi mang ba lô máy ảnh thì họ vẫn đi lễ đều đặn theo đúng phép tắc, nghi lễ nhà thờ. Trong đó, tôi ấn tượng nữ phóng viên có đôi mắt biết nói, viết báo như khiếu trời, chẳng những phóng sự lai láng mà thể chính luận cũng nóng trên từng con chữ.
·   
Nhắc lại điều ấy, nhắc lại cô gái mắt xanh ấy để nói rằng, nghiệp viết báo luôn lấy nền tảng sự thật làm trọng, không có ranh giới vùng miền, ranh giới theo niềm tin, tôn giáo nào. Khi hỏi về những gì đang diễn ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh đối với một số linh mục và giáo dân “quậy”, cô đăm chiêu rồi nói: “Làm ngược với điều răn của Chúa, tội ấy lớn lắm”.

Nhiều người đặt câu hỏi: Người dân thời buổi bây giờ không khó để nhận thức sự việc đúng sai, thế cớ sao năm lần bảy lượt nhiều người vẫn “cầm ô, đội nón” theo linh mục làm điều sai trái? Nhiều lần gặp gỡ với những giáo dân từng có mặt trong các cuộc xuống đường ở Nghệ An, Hà Tĩnh, kể cả những thanh niên từng cầm đá ném tới tấp vào trụ sở chính quyền, chúng tôi hiểu, đằng sau đó là sự thực nghiệt ngã. Không ai muốn bỏ bê công việc đồng áng tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác chỉ để theo “tiếng gọi của cha”.

Một số thanh niên nói họ biết ném đá vào Cảnh sát, vào cơ quan công quyền là sai nhưng vẫn làm vì “ý trên đã chỉ”, miễn cưỡng phải làm (ý nói sự chỉ đạo của linh mục). Điều đó dẫn tới nhiều khi họ hành động một cách bột phát, cứ ném đá mà không lường tác hại, hậu quả xảy ra. 

Tuy nhiên, lâu dần sự chín chắn của những người Công giáo giúp họ tỉnh táo hơn trong hành động. Hôm trước, tình cờ lướt mạng, tôi suy ngẫm rất nhiều trước bài viết được cho là “thư ngỏ” của một giáo dân ở Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An “gửi cha Nguyễn Đình Thục”.
Trong thư, người viết tiết lộ “con là người từng đội mũ, cầm cờ, bịt khẩu trang tháp tùng đứng cạnh cha”. Sau những ngày “cọ xòe ô che nắng”, rốt cuộc người này sực tỉnh ngộ, nhận ra sự thực: “Cha không phải là một vị linh mục theo đúng nghĩa được Thiên chúa mời gọi! Chúng con thật sự thất vọng và thật sự xấu hổ khi đi cùng cha”.
Từ rất lâu, những thế lực chống Việt Nam và các nước XHCN, họ mượn tôn giáo làm bình phong để che đậy “gậy hành động”. Chức sắc trong tôn giáo được xem là sự lựa chọn số một bởi nếu thu phục được những người này, họ có quân bài dùng một đồng trị giá nghìn đồng. Ấy là bỏ một đồng mua người chức sắc trong tôn giáo thì cái lợi đạt được bằng nghìn đồng mua người bình thường bởi đồng tiền đó có thể đánh lừa được đức tin và khiến người ta hành động theo “chỉ giáo bề trên”.

Đương nhiên, hầu hết chức sắc tôn giáo ở Việt Nam đều là những người hiểu biết, trải qua kinh nghiệm thực tiễn và nặng lòng bác ái nên họ hành động theo lẽ phải, họ từ chối những đồng tiền mua chuộc của các thế lực chống đất nước. Duy có điều, trong đa số ấy vẫn lòi ra những cái mà ta gọi là “tồn tại”.
Ông Đặng Hữu Nam, ông Nguyễn Đình Thục bị tổ chức phản động Việt Tân mua chuộc, dùng làm quân cờ ra sao, điều đó có hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Tuy nhiên, với tài liệu cơ quan chức năng thu thập được cho thấy, vấn đề Formosa xả thải đang trở thành nguyên cớ để Việt Tân lợi dụng triệt để. 
Chính Việt Tân và những hãng truyền thông cùng những tổ chức như Human Rights Watch – HRW (tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế), tìm cách bấu víu vào sự kiện Formosa để kiếm cớ gây sự. Họ thả những miếng pho mát để câu nhử, “dụ mồi” dưới chiêu bài “biểu tình vì môi trường”, “vì nguồn lợi biển” để kiếm cớ đổ dầu.
Số này lâu nay vẫn chờ đợi những động thái của chính quyền đối với những con rối khoác áo tôn giáo, nếu chính quyền làm căng, khởi tố, bắt giam, họ sẽ “thả bài” vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền. Tuần trước, sau khi Hoàng Đức Bình bị bắt, ngay tức khắc trên mạng đã có các bài bình luận suy diễn.
Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, ông Phil Robertson trả lời trên BBC nói rằng, chính quyền Việt Nam sẽ sớm phải chịu áp lực từ quốc tế trước tình trạng mà ông vu cáo là “đàn áp nhân quyền”. Tổ chức này còn liệt kê nói rằng, trong 5 tháng đầu của 2017 đã chứng kiến “ít nhất 8 vụ bắt giữ liên quan đến các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà báo tự do” (thực tế đây là những đối tượng bị bắt vì hoạt động chống phá, gây rối an ninh, không liên quan đến tôn giáo). 

Phát ngôn của ông Phil Robertson hẳn làm hài lòng những vị khoác áo tôn giáo đang được “nếm pho mát” từ bên ngoài. Lâu dần như thuốc phiện, đã ngấm đòn của Việt Tân thì khó gỡ. Không gì khác, những động thái bảo trợ và hứa hẹn “gây áp lực quốc tế” của những HRW, của Việt Tân và một số hãng truyền thông theo đuôi đã làm số chống phá trong nước thêm trợ lực.

Tuy nhiên, mọi hành động đều phải có giới hạn. Một Nhà nước pháp quyền không cho phép những kẻ làm bậy lợi dụng áo mũ này khác để chống phá, không cho phép họ vin cớ gây “áp lực quốc tế” để ngăn cản chính quyền hành động, xử lý bằng luật pháp. Linh mục hay không phải linh mục, tất đều có đường ray luật và đạo.
Ở đâu cũng vậy thôi, ngay như Hoa Kỳ, linh mục cũng đều phải theo khuôn khổ. Xin lấy ví dụ: Năm 2015, Cảnh sát Hoa Kỳ đã bắt linh mục Nguyễn Minh Hiền thuộc Giáo phận San Jose tại Fort Lauderdale, tiểu bang Florida. Linh mục Hiền bị bắt vì vi phạm 14 tội danh về gian lận ngân hàng và 4 tội danh trốn thuế, biển thủ một khoản tiền của giáo dân đóng góp lên tới trên 1,1 triệu đô la Mỹ.

Cáo trạng cáo buộc, từ năm 2005 đến 2008, Nguyễn Minh Hiền lợi dụng danh nghĩa linh mục đã yêu cầu giáo dân viết chi phiếu đóng góp cho Trung tâm Công giáo Việt Nam nhưng lại chuyển các đóng góp này vào trương mục cá nhân của ông ở ngân hàng và chi phí cho nhiều sinh hoạt cá nhân.
Linh mục Hiền bị bắt, cơ quan công tố Hoa Kỳ xử lý theo đúng tội danh chứ không ngại ngần chuyện “áp lực quốc tế” vin cớ “Hoa Kỳ đàn áp tôn giáo”. Hành xử là bình đẳng, ở Hoa Kỳ hay Việt Nam, ở đâu cũng phải có lề lối, phép tắc. 

Nhiều người nói, một số linh mục làm càn còn vì đang hóng về phía Vatican. Họ nghĩ Tòa thánh sẽ can thiệp? Xa lộ thông tin và xu thế hợp tác toàn cầu, Vatican cũng đều tôn trọng và khuyên răn các tín đồ phải tuân thủ luật pháp quốc gia sở tại. Thăm Tòa thánh Vatican hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Giáo hoàng Francis đánh giá cao các đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam thời gian qua; nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican đã có bước tiến triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc cấp cao những năm gần đây và việc hai bên duy trì đối thoại thông qua cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp.

Giáo hoàng Francis khẳng định Tòa thánh mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Giáo hoàng Francis nhấn mạnh việc Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo giáo, dân tốt là công dân tốt, thống nhất duy trì đối thoại, tiếp xúc giữa hai bên...
Sự thực khách quan, bốn phương như vậy, những con rối còn hóng đi đâu mà không sớm tỉnh ngộ, trở về lề lối nơi mình đang cư ngụ?


Đăng Minh
http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Viec-loi-dung-su-co-Formosa-va-nhung-mieng-pho-mat-chua-thuoc-phien-442070/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét