Ngày nay, không ít ý kiến phủ nhận luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội của C. Mác. Nghiên cứu về C. Mác, cho thấy ý kiến đó không có cơ sở.
1. C. Mác đúng - nhìn từ thực tiễn lịch sử chính trị
Trong triết học duy vật lịch sử của C. Mác, học thuyết đấu tranh giai cấp gắn liền với học thuyết cách mạng xã hội và nhà nước. Đây là những vấn đề cơ bản, cốt yếu về lý luận và phương pháp của triết học xã hội mà trực tiếp là triết học chính trị trong chủ nghĩa Mác - thành tựu vĩ đại của trí tuệ và tư tưởng nhân loại ở thế kỷ XIX.
Năm 1848, C. Mác đã cùng với Ph. Ăng-ghen khởi thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đánh dấu sự ra đời bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào vô sản châu Âu. Tuyên ngôn là Cương lĩnh chiến đấu, cương lĩnh hành động của giai cấp công nhân và quần chúng lao động trên thế giới, là ngọn cờ tập hợp lực lượng và phong trào vô sản với vai trò nòng cốt và tiên phong của những người cộng sản, của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, tiến hành cách mạng xóa bỏ trật tự hiện tồn tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội tương lai cộng sản chủ nghĩa. Đó là sự nghiệp vĩ đại và cũng là một tiến trình lịch sử lâu dài để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Sự nghiệp và tiến trình ấy phải thông qua đấu tranh giai cấp mà trình độ điển hình của nó là đấu tranh chính trị và điểm nút có tính bước ngoặt, đánh dấu sự chín muồi của thực tiễn lịch sử và sự trưởng thành của lý luận giải phóng là cách mạng xã hội. Ở thời đại mình, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã trực tiếp chứng kiến một hình thái cách mạng như thế với sự kiện Công xã Pa-ri, năm 1871. Bằng hành động dũng cảm vô song, giai cấp vô sản ở Pa-ri đã thể nghiệm lực lượng của mình tấn công vào quyền lực tư sản để giành lấy quyền lực về tay mình, vĩ đại “như một cuộc tiến công lên bầu trời”.
Dù chính quyền Công xã Pa-ri chỉ tồn tại trong 72 ngày ngắn ngủi và cuối cùng thất bại trước sự phản công quyết liệt, đẫm máu của giai cấp tư sản nhưng kinh nghiệm và bài học của Công xã Pa-ri để lại cho lịch sử phong trào vô sản là hết sức quý báu qua những tổng kết, đánh giá của C. Mác.
Sau Công xã Pa-ri 21 năm (1872 – 1893), Tuyên ngôn đã trải qua bảy lần tái bản, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Mỗi lần tái bản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đều viết lời tựa, đều có những giải thích, điều chỉnh và bổ sung rất quan trọng làm phong phú và sâu sắc thêm tư tưởng của Tuyên ngôn, có thể ví như truyền dẫn xung lực lý luận vào thực tiễn đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản cách mạng, thúc đẩy nó tới sự trưởng thành thực sự nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Đánh giá về Công xã Pa-ri, C. Mác đã để lại một bình luận nổi tiếng: “Cách mạng có thể thất bại nhưng cách mạng sẽ không bao giờ bị tiêu diệt”. Niềm tin ấy không chỉ là chủ nghĩa lạc quan về xu thế phát triển của lịch sử mà còn là lý trí sáng suốt dựa trên những sở cứ khoa học vững chắc. Sau Công xã Pa-ri 46 năm, nhân loại đã chứng kiến sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, năm 1917 nổ ra và thắng lợi, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Nước Nga xã hội chủ nghĩa Xô-viết ra đời và chủ nghĩa xã hội hiện thực đã sinh thành từ cuộc cách mạng “mười ngày rung chuyển thế giới” (Jôn Rít). Sự kiện mang tầm vóc lịch sử thế giới đó chẳng những là sự xác tín về dự báo thiên tài của C. Mác mà còn là điều chứng thực không thể bác bỏ được về động lực phát triển xã hội của đấu tranh giai cấp. Sự chuyển động của lịch sử từ Công xã Pa-ri đến cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là minh chứng thời hiện đại về tính đúng đắn của luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội do C. Mác nêu ra.
Luận thuyết này của Mác không chỉ được thực tiễn cách mạng của phong trào vô sản xác nhận ở thời hiện đại mà còn rọi sáng cho nhận thức của những người Mác-xít chân chính, giác ngộ giai cấp công nhân và quần chúng lao động ở khắp mọi nơi rằng, từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp, xuất hiện các mâu thuẫn, xung đột giai cấp, nhất là các đối kháng giai cấp đặc trưng cho một cơ cấu xã hội gắn liền với một phương thức sản xuất nhất định, một chế độ chính trị nhất định thì đấu tranh giai cấp là điều không tránh khỏi, như một tất yếu lịch sử. Tất yếu ấy có căn nguyên sâu xa từ những xung đột không thể điều hòa bởi lợi ích kinh tế và cùng với nó là những xung đột tư tưởng, ý thức hệ.
Các xã hội, các thể chế nhà nước vận động trong những đối kháng đó đã thông qua đấu tranh giai cấp giữa hai giai cấp đối kháng trong lòng xã hội mà thay đổi, dẫn tới những đột biến, những đảo lộn có tính cách mạng, chuyển xã hội tới một nấc thang cao hơn, phủ định một trật tự hiện tồn này để khẳng định một trật tự khác, tiến bộ hơn.
Cái lạc hậu, lỗi thời mà C. Mác từng gọi là “những trái mùa của lịch sử” bị xóa bỏ, vượt qua và thay thế nó bằng nhân tố mới, thực thể mới tiến bộ hơn, đáp ứng yêu cầu, xu thế mới của lịch sử. Từ chế độ chiếm hữu nô lệ thời cổ đại với đối kháng giai cấp đầu tiên trong lịch sử giữa chủ nô và nô lệ, qua chế độ phong kiến từ phân quyền, cát cứ tới tập quyền với đối kháng giữa lãnh chúa, địa chủ với nông nô và nông dân cho đến chế độ tư bản chủ nghĩa, điển hình cho chế độ chiếm hữu tư nhân cuối cùng trong lịch sử với đối kháng điển hình trong kết cấu xã hội giữa tư sản và vô sản làm thuê,… tất cả đều diễn ra trong các hình thái khác nhau của đấu tranh giai cấp. Thực tế lịch sử đó, ngay các học giả tư sản có đầu óc khách quan, biết tôn trọng sự thật cũng đều thừa nhận.
Một thực tế khác cũng đã từng được biết đến và cần phải nhắc lại đó là, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội diễn ra không hề ngắn để làm lọt lòng chủ nghĩa xã hội, từ định hướng tới định hình, tức là từ lúc mới manh nha, như một mầm non mới nhú cho đến khi đủ sức trưởng thành, có thể tự phát triển trên cơ sở của chính nó, thời kỳ ấy cũng không nằm ngoài tiến trình đấu tranh giai cấp - lẽ dĩ nhiên, với những nội dung biểu hiện mới, trong những hoàn cảnh và điều kiện mới. Lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực với sự ra đời của nước Nga Xô-viết như một thực thể đơn nhất, nhất là trong thời kỳ cải cách bằng “chính sách kinh tế mới” (NEP) và các nước xã hội chủ nghĩa đã từng hiện hữu với những trải nghiệm về thời kỳ quá độ, nhất là “quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” như Việt Nam là những minh chứng cho tính tất yếu lịch sử đó của đấu tranh giai cấp. Các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từ C. Mác, Ph. Ăng-ghen đến V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh đều đã từng thống nhất và nhất quán khi lý giải thực tế lịch sử có tính quy luật này.
Như vậy, trên cả hai bình diện lô gích và lịch sử, đấu tranh giai cấp đã thực sự là động lực phát triển xã hội. Nó tất yếu từ sự xuất hiện và tồn tại của nó. Nó tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức, ý muốn chủ quan của con người. Nó là hiện thực có tính vật chất mà chủ thể có ý thức cần phải nhận thức và xử lý đúng, theo đúng những sự chế ước, những tính quy định khách quan chứ không thể giáo điều, chủ quan và tư biện.
Kể từ khi lịch sử thành văn, nói như C. Mác và Ph. Ăng-ghen từ những chú giải của hai ông trong những lời tựa của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848), từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và xuất hiện các đối kháng giai cấp thì sự phát triển của xã hội đã gắn liền với các cuộc đấu tranh giai cấp. Thông qua đấu tranh giai cấp mà xã hội tiến đến những trình độ và tính chất phát triển khác nhau. Chủ nghĩa xã hội cũng không nằm ngoài quy luật này, bởi lịch sử là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Trong chủ nghĩa xã hội, như nhận xét của V.I. Lê-nin, “đối kháng sẽ mất đi nhưng mâu thuẫn thì còn lại”, tiến trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng vẫn là tiến trình tiếp tục của những đấu tranh giai cấp với những nội dung mới, những biểu hiện mới của cái đặc thù trong cái phổ biến. Càng nhiều biểu hiện đặc thù hơn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay với đà phát triển của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế trong thế giới đương đại với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ, xã hội thông tin và kinh tế tri thức.
Rõ ràng, nếu không thiên kiến và chủ quan, nếu không cực đoan với thái độ phi lịch sử và hư vô về lịch sử thì với tinh thần khoa học và tính nghiêm túc chính trị, kết luận khẳng định được rút ra chỉ có thể là, luận thuyết, học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác thực sự đúng đắn chứ không sai lầm, nó tự biểu hiện và tự khẳng định như một giá trị bền vững cần phải bảo vệ chứ không hề lỗi thời để có thể chối bỏ, phủ nhận, cho dù cố ý hay vô tình.
Ph. Ăng-ghen, “cái tôi thứ hai” của C. Mác, “con người khổng lồ” của thời đại cách mạng, với trí tuệ bách khoa và một nhân cách trung thực, người đã cùng với Mác xây dựng luận thuyết, học thuyết “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội” đã nêu lên một nguyên tắc nhận thức luận “Hãy gọi tên sự vật đúng như bản thân nó”. Vận dụng chỉ dẫn đó của Ph. Ăng-ghen vào việc phân tích, đánh giá lịch sử, có thể nói, đấu tranh giai cấp là nội dung cơ bản, nổi bật và nhất quán trong học thuyết lịch sử của C. Mác và chủ nghĩa mang tên Ông.
Phủ nhận đấu tranh giai cấp, phủ nhận vai trò động lực phát triển xã hội của đấu tranh giai cấp chẳng những là một sai lầm khoa học mà còn là một sai lầm chính trị và bởi thế nó nguy hại, có thể dẫn tới sự mơ hồ, mất phương hướng trong hoạt động chính trị thực tiễn cần phải phê phán và bác bỏ.
2. C. Mác đúng nhìn từ lô gích kinh tế - chính trị
V.I. Lê-nin - người truyền bá nhiệt thành đồng thời là người bảo vệ kiên định chủ nghĩa Mác cho rằng, “chính trị có tính lô gích khách quan của nó, không phụ thuộc vào những dự tính của cá nhân này hay cá nhân khác, của đảng này hay đảng khác”1. Ông còn nhấn mạnh, “chính trị cũng có cái lô gích nội tại của nó nữa”2.
Điều đó có nghĩa là kinh tế quy định chính trị mà chính trị cũng tác động trở lại kinh tế. Chính trị phản ánh kinh tế theo cách thức và vai trò của nó, nó chủ động chứ không thụ động một chiều trong sự phản ánh đó. Bởi thế, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại3.
Những luận đề tư tưởng đó của V.I. Lê-nin là sự khắc họa cụ thể hơn những giải thích triết học lịch sử của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về lô gích biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Một trong những kết luận quan trọng mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen nêu ra là, lịch sử dù vận động dích dắc và biến thiên thế nào đi nữa thì rốt cuộc cũng vẫn làm lộ ra cái tất yếu kinh tế đi xuyên qua mọi sự kiện của tiến trình lịch sử. Xét đến cùng, kinh tế là nhân tố quyết định lịch sử. Phải hiểu đúng tư tưởng này trên tinh thần duy vật biện chứng, rằng, trong tập hợp vô số những nhân tố tham dự vào lịch sử thì kinh tế là nhân tố quyết định, nó quyết định khi xét đến cùng, đến tận cái căn bản, triệt để, gốc rễ của những quan hệ, những tương tác giữa nó với những nhân tố khác.
Lô gích kinh tế - chính trị giúp ta nhận thức đúng vai trò động lực của đấu tranh giai cấp là ở chỗ, những mâu thuẫn, xung đột, đối kháng giai cấp, như đã nói ở phần đầu là có căn nguyên kinh tế, trong đó có lợi ích kinh tế - vật chất, rộng hơn là vấn đề sở hữu và phổ quát hơn nữa là phương thức sản xuất hợp thành từ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
C. Mác cũng như Ph. Ăng-ghen từ việc giải phẫu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa điển hình trong lịch sử hiện đại đã phát hiện ra quy luật chung, phổ biến và phổ quát cho mọi thời đại là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất.
Quy luật này cho thấy, sự phát triển của lực lượng sản xuất quy định những hình thức tương ứng của quan hệ sản xuất. Biến đổi của lực lượng sản xuất đến một trình độ nào đó tất yếu đòi hỏi quan hệ sản xuất phải biến đổi cho phù hợp. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tồn tại một cách khách quan trong mọi phương thức sản xuất của đời sống xã hội, biểu hiện điển hình ở phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tính xã hội hóa rộng lớn của lực lượng sản xuất ngày càng mâu thuẫn với hình thức chật hẹp của quan hệ sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản, nhất là hình thức sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Tính chất của quan hệ sở hữu là phần cốt lõi của quan hệ sản xuất và trong chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì quan hệ sở hữu tư sản là vật cản lớn nhất đối với lực lượng sản xuất xã hội hóa trong quá trình phát triển của nó. Nó không thể không vượt qua cái vật cản kìm hãm này để tìm đến một kiểu quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự phát triển, vừa dung nạp vừa thúc đẩy sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất xã hội hóa.
Đó là thời điểm tích tụ, chín muồi những mâu thuẫn kinh tế và xã hội, tất yếu phải giải quyết bằng những đột biến, những đảo lộn, có thể quan sát, nhận biết được từ các xung đột lợi ích trong các quan hệ giai cấp.
Mâu thuẫn giai cấp dẫn tới đấu tranh giai cấp, do đó chỉ là biểu hiện về mặt xã hội của những mâu thuẫn kinh tế - chính trị trong các quan hệ kinh tế cũng như quan hệ chính trị - pháp lý giữa giai cấp phủ định (giai cấp công nhân) và giai cấp bị phủ định (giai cấp tư sản).
C. Mác - Ph. Ăng-ghen đã làm sáng tỏ sự thật ấy và các ông đã đem lại những giải thích thực sự khoa học, tường minh. C. Mác đã từng khẳng định: “sẽ không có giai cấp xã hội mới nào xuất hiện nếu giai cấp xã hội trước đó không phát triển lực lượng sản xuất đến mức tối đa”; rằng: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay - đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó - mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”4.
Tính chế ước lịch sử của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất đòi hỏi phải tìm những biến đổi của quan hệ sản xuất như là hệ quả tất yếu từ sự biến đổi và đòi hỏi của lực lượng sản xuất trong sự phát triển thường xuyên, không ngừng của nó. Lẽ dĩ nhiên, không vì thế mà rơi vào tính giản lược lịch sử, xem quan hệ sản xuất dưới một lăng kính thụ động, chỉ hoàn toàn là mặt phái sinh của lực lượng sản xuất. Trên thực tế, quan hệ sản xuất cũng tác động trở lại tới những biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất, hoặc thúc đẩy nếu nó phù hợp, hoặc kìm hãm nếu nó lạc hậu, quá thời. Hơn nữa, như hình dung rất đúng và sâu sắc của V.I. Lê-nin, một khi quan hệ sản xuất mới được xác lập, gọi là tiên tiến nhưng lực lượng sản xuất vẫn còn chưa phát triển, vẫn chưa chín muồi cái tất yếu kinh tế cho sự đòi hỏi phải có một quan hệ sản xuất mới, thì khi đó quan hệ sản xuất mới tuy có được xác lập nhưng cũng chỉ tồn tại một cách hình thức mà thôi.
Nó chẳng những không tạo địa bàn cho lực lượng sản xuất phát triển mà trái lại còn kìm hãm sự phát triển ấy. Đã tách rời lực lượng sản xuất, không tính đến trạng thái hiện thực của lực lượng sản xuất thì quan hệ sản xuất dù mang hình thức tiên tiến cũng vẫn kìm hãm lực lượng sản xuất không khác gì khi nó là một hình thức lạc hậu, lỗi thời.
Đấu tranh giai cấp thúc đẩy xã hội phát triển, do đó phải được hiểu một cách đúng đắn, tuân theo lô gích khách quan của kinh tế và chính trị chứ không phải là ý muốn chủ quan của giai cấp, của đảng phái, nó là hành động hợp quy luật chứ không phải là những ước muốn, những nguyện vọng đạo đức, tình cảm, ý chí chủ quan.
Theo đó, trong Tuyên ngôn, khi nhìn nhận lịch sử xã hội trong điều kiện tồn tại các giai cấp, với những mâu thuẫn, xung đột, đối kháng của nó là lịch sử đấu tranh giai cấp, C. Mác - Ph. Ăng-ghen đã thấy xu hướng vận động lịch sử trong xã hội hiện đại là: “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự chiến thắng của giai cấp công nhân đều tất yếu như nhau”. Trước Tuyên ngôn (năm 1848), trong “Hệ tư tưởng Đức” (năm 1846), C. Mác - Ph. Ăng-ghen đã hình dung, chủ nghĩa cộng sản hình thành từ kết quả vận động của sản xuất, từ thực tiễn lịch sử chính trị của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Rằng, cách mạng cộng sản chủ nghĩa về thực chất là có nội dung kinh tế. Kết luận ấy thấm nhuần quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, là lý trí tỉnh táo, sáng suốt, nhận rõ lô gích khách quan của phát triển xã hội. Lý giải của C. Mác là đúng đắn, bởi xuất phát từ thực tiễn và dựa trên căn cứ khoa học, “đem khoa học thay thế cho mộng tưởng” (V.I. Lê-nin).
Rõ ràng, đấu tranh giai cấp là con đường, là phương thức mà các giai cấp xã hội và các dân tộc trong thế giới nhân loại tất yếu phải đi qua để tiến tới chủ nghĩa xã hội, để từng bước, trong tiến trình lâu dài, hết sức lâu dài xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Đấu tranh giai cấp là tất yếu mà lịch sử sản xuất và lịch sử chính trị đặt ra chứ không phải sự lựa chọn chủ quan “muốn” hay “không muốn” của bất cứ ai.
Nó tồn tại rất lâu dài, diễn ra rất phức tạp, nội dung và hình thức biểu hiện rất phong phú, nó có tính quy luật nhưng tuyệt nhiên không có mục đích tự thân, nó không tự biến mình thành cứu cánh. Nó chỉ là phương tiện bắt buộc phải sử dụng để giải quyết yêu cầu lịch sử đặt ra để đi tới tương lai xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa - một tương lai tốt đẹp, xứng đáng nhất với con người và loài người, khi các giai cấp tự tiêu vong và xã hội chính trị (có nhà nước) tự giải thể. Vào lúc đó, lịch sử sẽ tìm thấy hình thức tổ chức thay thế là “một liên hợp cộng đồng của những con người tự do” và “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”. Đây mới chính là mục đích tự thân của lịch sử.
Đấu tranh giai cấp, một khi đi trọn lô gích của mình sẽ tiệm cận đến cái mục đích tự thân ấy, con người từ tất yếu tới tự do, từ vương quốc của tất yếu tới vương quốc của tự do, thực sự là chủ và làm chủ xã hội do mình sáng tạo ra.
Một nhận thức như thế không chỉ là khoa học mà còn là cách mạng, hơn nữa, còn là nhân văn và văn hóa. Đủ thấy, những ai phủ nhận đấu tranh giai cấp, cho rằng, luận thuyết ấy của C. Mác là sai lầm thì chính thực tiễn lịch sử và lý luận cách mạng đã bác bỏ sai lầm của họ. Những người Mác-xít chân chính, nhiệt thành với chủ nghĩa xã hội, vững tin vào lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn thì luận thuyết của C. Mác về đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, đó là chân lý, là giá trị nằm trong những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác, đủ sức vượt qua thử thách của lịch sử, của thời gian.
3. Bối cảnh mới, nhận thức mới
Tư tưởng, học thuyết của C. Mác đã cách xa chúng ta trên 1,5 thế kỷ. Sau C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin, thế giới đã biến đổi vô cùng nhanh chóng. Dù là những thiên tài kiệt xuất, các bậc vĩ nhân đó cũng là những con đẻ của thời đại mình, cũng bị chế ước bởi những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đương thời. Thế giới đương đại ngày nay đang trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với sự bùng nổ mãnh liệt của thông tin và sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin. Đời sống chính trị quốc tế cũng diễn biến phức tạp, bao hàm cả những đột biến khó lường như nhận định của Đảng ta trong những năm gần đây. Cuộc đấu tranh ý thức hệ trên thế giới, nhất là từ sau khi xảy ra sự biến chính trị ở Liên Xô và Đông Âu với sự đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, Đảng Cộng sản ở đó tự đánh mất vai trò và vị thế cầm quyền, phong trào cách mạng thế giới lâm vào thoái trào tạm thời… đã trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác – Lê-nin bị tấn công từ nhiều phía, trong đó có học thuyết về đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và nhà nước. Điều đó không có gì lạ. Tất cả những ai có lương tri, trọng sự thật và chân lý đều ý thức rõ sức ảnh hưởng lâu dài của tư tưởng C. Mác. Ngay các học giả tư sản có đầu óc khách quan, không thiên kiến cũng đều thấy, thế kỷ XXI sẽ không thể hình dung được nếu không tính đến sự hiện diện của C. Mác.
Bell Daniel đã nói về Mác và chủ nghĩa Mác rằng, mặc dù ở phương Tây luôn có những cuộc “mai táng” định kỳ Mác và chủ nghĩa Mác nhưng thật ra tất cả những điểm khu biệt mà chúng ta (những học giả tư sản Âu Mỹ) dùng để chống Mác, xét cho cùng, chúng ta có được là nhờ có Ông ta. Trong các vấn đề về những bước chuyển hóa xã hội, chúng ta cần hướng tới Mác. Các khoa học xã hội nói chung đã phát triển như là một cuộc đối thoại không ngừng với Mác và chúng ta vẫn là những kẻ đi sau Mác.
Terry Eagleton, trong cuốn sách nổi tiếng “Tại sao Mác đúng?”, đã nhận định: Có một cuộc sống sau chủ nghĩa Mác là toàn bộ giá trị của chủ nghĩa Mác… Chủ nghĩa Mác là sự phê phán chủ nghĩa tư bản, sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa… không những thế đó còn là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới. Chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại…5
Có thể viện dẫn lời của C. Mác về niềm tin để khẳng định một niềm tin đối với di sản tư tưởng của Ông mà Ông đã cống hiến cho nhân loại vẫn tiếp tục rọi sáng cho nhận thức và thúc đẩy hành động của chúng ta.
C. Mác viết, “Tư tưởng chiếm lĩnh ý nghĩ của chúng ta, bắt lòng tin tưởng của chúng ta phải phục tùng và được lý trí cột chặt lương tâm của chúng ta vào chúng. Đó là sợi dây ràng buộc mà người ta không thể bứt ra được, nếu không xé nát trái tim mình”6.
Bởi thế, trong bối cảnh hiện nay, niềm tin và sự trung thành với tư tưởng, học thuyết của C. Mác đòi hỏi mỗi người phải nâng cao không chỉ nhận thức khoa học mà còn là rèn luyện bản lĩnh chính trị để có thể bảo vệ chân giá trị của học thuyết, chủ nghĩa Mác trên cơ sở nhận thức mới, sáng tạo và phát triển.
Trong khi khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội cần nhận rõ, đây là một trong những động lực căn bản nhưng không được xem nó là động lực duy nhất. Bởi giai cấp và đấu tranh giai cấp là những phạm trù lịch sử nên đấu tranh giai cấp cũng không tự coi mình là động lực vĩnh viễn.
Xét đến cùng, như Mác nói, sản xuất, trước hết là sản xuất vật chất bởi lao động sáng tạo và tự do của con người và loài người mới đích thực là động lực vĩnh viễn của lịch sử. Cũng chỉ xét đến cùng, kinh tế mới tham dự vào lịch sử với tư cách là nhân tố quyết định.
Đấu tranh giai cấp, trong trình độ điển hình của nó là đấu tranh chính trị dẫn tới cách mạng xã hội để chuyển xã hội lên một nấc thang, một trình độ cao hơn, thực hiện mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội, một sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng với hệ giá trị cốt yếu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc như Hồ Chí Minh xác định.
Hệ mục tiêu của cuộc đấu tranh trên quy mô và tầm vóc thế giới hiện nay là hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội. Phấn đấu cho mục tiêu đó diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, các nước có chế độ chính trị và theo những ý thức hệ khác nhau, cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh. Đó là những biểu hiện mới của đấu tranh giai cấp trong thời đại ngày nay.
Với Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đấu tranh vì độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững và hiện đại hóa, tăng cường quốc phòng - an ninh và đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng với đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển. Đó cũng chính là nội dung và hình thức mới của đấu tranh giai cấp dưới ngọn cờ Cương lĩnh của Đảng, trên nền tảng tư tưởng Mác – Lê-nin – Hồ Chí Minh.
GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO
___________________
___________________
1 -V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 14, Nxb Tiến bộ, M. 1980, tr. 246.
2 - Sđd, Tập 16, tr. 68.
3 - Sđd, M. 1979, Tập 42, tr. 349 / M. 1978, Tập 45, tr. 147.
4 - Lời tựa góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C. Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 1995. tr. 15.
5 - Terry Eagleton, Tại sao Mác đúng?, Nxb CT-HC, H. 2012, tr. 24.
6 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG. H. 1995, tr. 173.
http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/phe-phan-quan-diem-cho-rang-luan-thuyet-dau-tranh-giai-cap-la-dong-luc-phat-trien-xa-hoi-c/10105.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét