(LLCT) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau một bài học quý báu: cách mạng là một khoa học, thực hành công việc là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, thực hành công việc phải có phương pháp khoa học, lý thuyết khoa học thì mới thành công. Lý thuyết và phương pháp khoa học giúp Người đi sát thực tế, nắm bắt thời cơ để xác định đúngchủ trương và thực hiện thành công chủ trương ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng, quyết định mở Chiến dịch Biên Giới 1950, nguồn: 1950
1. Làm việc có khoa học
Làm việc có khoa học, theo Người là "làm việc đúng hơn, khéo hơn", có kết quả; còn làm việc không có khoa học tức là làm việc "không đúng, không khéo", tùy tiện, gặp đâu làm đấy, nên thường mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm, hoặc không có kết quả, thậm chí thất bại. Theo Người: Nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên.
Nước ta đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏlẻ, manh mún, vì vậy, cách làm việc của nhiều người còn theo lối thủ công, chưa khoa học. Đó là thói quen làm việc tự do, tùy tiện, được chăng hay chớ, thiếu điều tra, nghiên cứu, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu cụ thể, thiếu trật tự, bảo thủ, trì trệ, gâylãng phí thời giờ, tiền bạc và của cải, v.v.. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi người trong công việc phải kiên quyết khắc phục những hạn chế đó, đồng thời cócách làm việcphùhợp. Từ rất sớm, Người đã xây dựng vàthực hiện nghiêm túc phương pháp làm việc khoa học và thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo mọi ngườilàm theo. Làm việc có khoa học theo Người tập trung ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc là "phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, óc nghĩ, miệng nói, tay làm"; phải cẩn thận mà nhanh nhẹn; phải làm đến nơi đến chốn; phải biết động viên mọi người, những bộ phận giúp việc, những người cộng sự. Đồng thời, còn phải biết phân công công việc cho hợp lý, chớ "người giỏi thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc", "người viết giỏi lại dùng vào việc cần phải nói, người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào việc viết", v.v.. Ngoài ra,phải nắm được những thông tin cần thiết, chính xác, sàng lọc những thông tin sai lệch, để biết rõnhững người, những việc làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả và cả những người, những việc làm sai, làm dối, làm ẩu. Mặt khác, trong quá trình tiến hành công việc, phải kiểm tra, xem xét, đối chiếu, so sánh những cách làm khác nhau, những ý kiến khác nhau để chọn ra cách làm đúng, bỏ cách làm sai. Theo Người: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm"(1). Người còn dặn, cách làm việc phải thiết thực, suốt đời như vậy, trong từng ngày, từng giờ cũng phải như vậy.
Thứ hai, không tham làm nhiều trong một lúc, mà làm xong việc này mới sang việc khác, làm đến đâu chắc đến đó, làm từ việc gốc, việc chính, từ việc nhỏ đến việc lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta thường tham lam làm nhiều việc trong một lúc. Thí dụ: Muốn lập một tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng làm kiểu mẫu. Thành thử, "ăn nhiều, nuốt không xuống". Chúng ta không biết tập trung lực lượng làm xong một nơi, lấy đó làm kinh nghiệm, rồi làm nơi khác"(2). Người phê bình cách làm việc ôm đồm, qua loa, đại khái, chiếu lệ, làm được ít suýt ra nhiều, để báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch. Theo Người, làm bất kỳ việc gì, phải bắt đầu từ gốc đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc.Cụ thể: "Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát,do dự"(3).
Thứ ba, làm bất cứ công việc gì cũng cần tránh bệnh chủ quan. Có thể mục đích, chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra rất đúng, nhưng do chủ quan trong quá trình thực hiện nên tiến hành không sát, không đúnglàm chokết quả công việc hạn chế, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại. Cũng có thể do chủ quan, nên chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra không sát, không cụ thể, không phù hợp, dẫn đếnkhi tiến hành công việc dù đã rất cố gắng, rất quyết tâm, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Vì thế, trước khi làm bất kỳ việc gì cũng phải suy nghĩ, tính toán cho kỹ, xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, chớ nghĩ thế nào làm thế ấy, chớ nôn nóng, vội vàng, chớ làm bừa, làm ẩu. Theo Người: Gặp vấn đề gì ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy. Người căn dặn: "So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm"(4).
2. Làm việc phải xác định rõ phương hướng, mục đích
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, trước hết phải xác định được phương hướng, mục đích thật rõ ràng, cụ thể và sát hợp. "Hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào"(5). Phương hướng, mục đích là dự kiến về kết quả đặt ra để hướng tới, để làm việc, phấn đấu trong công việc. Mục đích giống như người chỉ đường. Ngườilấy thí dụ: "Các anh em cần đi Sài Gòn, người chỉ đường chỉ cho anh em phải đi về phương Nam và đi qua những tỉnh Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang chẳng hạn. Người chỉ đường chỉ có thể cho anh em được thế thôi. Đã có phương hướng sẵn, anh em cứ theo đó mà đi, đến tỉnh nào phải qua những con sông nào, những hòn núi gì, anh em sẽ tìm hỏi sau. Miễn là anh em biết theo phương Nam mà tiến chứ không lầm đường đi ngược lên Bắc rồi hóa đi tới Bắc Kinh là được"(6).
Mục đích lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và thực hiện là đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào. Ở Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó"(7). Năm 1927, Người viết cuốn Đường cách mệnh, trong đó nói rõ: Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Cách mệnh thì phải làm thế nào? Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người huấn thị: Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưucầutự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nói: Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành.
Với mục đích giànhđộc lập, tự dochoTổ quốc, hạnh phúc chonhân dân, Người đã cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đểđộng viên kinh tế cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Người chỉ rõ mục đích là: Làm cho nước mạnh, dân giàu. Năm 1947, viết cuốn Đời sống mới, ngay ở trang đầu, Người cũng nói rõ mục đích: Tôi mong đồng bào mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới, v.v..
Phương hướng và mục đích trong từng giai đoạn của cách mạng nước ta thường được thể hiện thành nhiệm vụ mang tính chiến lược và đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thành khẩu hiệu để mọi người nhớ và thực hiện. Trong Cách mạng Tháng Tám, Người nêu khẩu hiệu: "Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!". Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Người nêu khẩu hiệu: "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!". Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!". Người yêu cầu khi nêu khẩu hiệu phải thể hiện rõ được mục đích. Người giải thích: Mục đích thì nêu ra nhiều khẩu hiệu quá. Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào. Thậm chí không ai nhớ được những khẩu hiệu đó. Vậy chỉ nêu ra vài khẩu hiệu chính, thiết thực và phổ thông.
Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên và thanh niên rằng, làm bất cứ việc gì cũng phải xác định rõ phương hướng, mục đích. Phátbiểu tại Lễ tốt nghiệp Trường Quân chính Việt Nam, Người chỉ rõ: Thời kỳ huấn luyện này chưa thể cung cấp cho anh em những kiến thức đầy đủ và sâu rộng...; nó chỉ mới giúp được cho anh em những điều căn bản..., định rõ cho anh em một phương hướng đi cho khỏi lầm đường và thêm nữa gợi lòng ham muốn nghiên cứu của anh em. Phát biểu tại Lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người nêu: Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi. Như vậy anh em học ít nhưng bổ ích nhiều. Người phê bình một số cán bộ, đảng viên trong làm việc và công tác chỉ quen ra lệnh, ra chỉ thị, thường cao giọng với mọi người phải thực hiện mục đích này, mục tiêu nọ, mà không tính đến điều kiện thực tế, thậm chí ra chỉ thị, mệnh lệnh xong rồi quên, chỉ ra lệnh cho người khác làm, mình không chịu làm bất cứ việc gì, v.v..
3. Làm việc phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mỗi công việc được giao, khi đã xác định rõ phương hướng, mục đích thì phải vạch ra chương trình, kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể để thực hiện đạt kết quả. Chương trình, kế hoạch là dự án được thể hiện thành các chỉ tiêu, các biện pháp, các công việc chủ yếu nhằm thực hiện phương hướng, mục đích đã đề ra. Về cách làm việc có chương trình, kế hoạch, Ngườiminh họa: "Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, v.v. và làm sao xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bèn bắt tay vào việc đóng tủ. Như thế là anh thợ mộc ấy làm việc có kế hoạch. Như thế là anh ấy sẽ không hao phí thì giờ, tốn lực lượng, mà việc lại mau thành. Trái lại, nếu anh ấy không sắp đặt sẵn sàng trước, khi cần đến cưa mới chạy đi lấy cưa, khi cần đến đục thì phải chạy đi tìm đục. Như vậy thì mất thì giờ chạy lăng xăng cả ngày, mà công việc được ít. Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy. Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau"(8).
Người nhấn mạnhxây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế; đồng thời phải làm cho từng người, từng gia đình, từng đơn vị được bàn bạc kỹ lưỡng để họ nắm vững, khi đã hiểu thấu đáo rồi thì họ sẽ tự giác và vui vẻ thực hiện. Ngoài ra, khi đặt chương trình, kế hoạch phải tuyệt đối tránh đơn giản, sơ sài, qua loa, đại khái, đồng thời cũng tránh đặt quá cao, quá phiền phức, miễn cưỡng. Người nói: Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, để đánh trống bỏ dùi. Nói tóm lại, kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặntrong một lúc thường có nhiều công việc, có việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa, nên khi đã vạch ra chương trình, kế hoạch thì phải làm, phải thực hiện cho đạt kết quả. Tránh vạch ra rồi bỏ đấy, hoặc làm việc khác, thành thử không việc nào hoàn thành, mà đều dở dang. Nhiều trường hợp đã có chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách bố trí, sắp đặt công việc không khéo, phân công không rõ ràng, nên công việc không đạt kết quả. Vì vậy, cần phải suy xét cho kỹ, cho rõ tình hình, hoàn cảnh mà quyết định việc nào chính, việc nào phụ để sắp đặt công việc cho đúng, cho cụ thể và thiết thực. Người minh họa: "Cây gỗ bất kỳ to nhỏ, đều có gốc và ngọn. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà lại để sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít"(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách làm việc của nhiều người là bỏ nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch thật to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng. "Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để". Thậm chí, chương trình, kế hoạch này chưa làm xong đã vạch ra chương trình, kế hoạch khác; hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách sắp đặt công việc không khoa học, thiếu biện pháp thích hợp và thiếu quyết tâm nên không thực hiện được. Ngườicăn dặn: "Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được"(10).
Người còn chỉ rõ: Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại. Ta thường có tính tới đâu hay đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được. Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa. Để chương trình, kế hoạch thực hiện thành công, Người lưu ý rằng, bất cứ làm việc gì cũng đều phải chuẩn bị cho kỹ, có kế hoạch làm cho thiết thực, phải tổ chức thi hành cho đúng và phải chú ý đến những con người tiến hành công việc. "Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn, dễ hiểu: tức là vô luận việc gì đều dongười làm ra, và từ việc nhỏ đến việc to, từ gần đến xa đều thế cả".
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người cộng sự gần gũi và có nhiều năm công tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình"(11).
_____________________
(1), (2), (3), (4), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.637-638, 282, 69, 337, 271.
(5) , (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.122, 115-116, 272.
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.119, 118-119
(11) Phạm Văn Đồng: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh-Chúng ta học gì?,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.32.
PGS,TS Lê Văn Yên
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/anh-chinh/item/2002-phong-cach-lam-viec-ho-chi-minh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét