Trong sự nghiệp của mình, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc đã làm nhiều phim tài liệu về Bác, trong đó có 3 bộ phim từng đoạt giải thưởng. Đặc biệt, bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” đã tái hiện hình ảnh một vị lãnh tụ của những bước ngoặt lịch sử nhưng cũng chan hòa và gần gũi người lao động.
Lần theo dấu Bác trên đất nước Lênin
Năm 1978, đoàn làm phim gồm đạo diễn Bùi Đình Hạc, nhà biên kịch Hồng Hà, nhà quay phim Đỗ Duy Hùng được giao nhiệm vụ sang Liên Xô làm phim về đề tài Bác Hồ. Đây cũng là năm diễn ra lễ ký hiệp ước hữu nghị Việt - Xô nên đoàn gặp nhiều thuận lợi. Nhanh chóng có được giấy giới thiệu đến liên hệ công tác tại Viện Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đoàn được xem cả khối tài liệu lớn có giá trị với nhiều tranh, ảnh, giấy tờ, công điện… Nhiệm vụ của những người làm điện ảnh Việt Nam lần này ngoài ý đồ nghệ thuật còn phải tìm hiểu và xác minh lại thời điểm Bác hoạt động tại Liên Xô (trước đó người ta vẫn nghĩ Bác tới đây sau khi lãnh tụ Lênin mất, nên không được gặp Người). Mọi người đều xác định đây vừa là vinh dự nhưng cũng là một trọng trách với dân tộc, đáp ứng ý nguyện của nhân dân. Ai cũng thầm nhủ sẽ dốc hết sức mình để đáp lại tình cảm và sự kỳ vọng nơi quê nhà.
Ảnh cắt từ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” |
Và sau một tháng nỗ lực tìm kiếm, đoàn đã có được tấm hộ chiếu Bác dùng để đến Liên Xô, đó là ngày 30.6.1923. “Ngay sau đó, chúng tôi tiếp tục đến Viện Lưu trữ Điện ảnh Liên Xô, xem hàng vạn mét phim tư liệu liên quan đến thời gian hoạt động của Bác ở Liên Xô. Cũng tại đây, anh em đã cẩn thận, lựa chọn những thước phim có hình ảnh Bác ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5; Đại hội Quốc tế Nông dân, Đại hội Quốc tế Công hội lần thứ 3; Đại hội Quốc tế Phụ nữ lần thứ 3… và nhiều hình ảnh của Bác ở Quốc tế Cộng sản” - đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc kể lại.
Và trong chính những thước phim thời sự về Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, đoàn đã tìm ra đoạn phim có hình ảnh Bác đi cùng những người dân Moscow. Đó là những tư liệu mới, có giá trị trong việc xác định thời điểm Bác đến Liên Xô. “Sau này, tôi đã chắt lọc đưa những tư liệu vào nhiều bộ phim, trong đó có Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin (1979) và Đường về Tổ quốc (1980); thể hiện sinh động chặng đường hoạt động cách mạng từ lúc Người trên đất nước của Lênin đến năm trở về Pác Bó (1941), đưa cuộc cách mạng của dân tộc ta vào bước ngoặt lịch sử”.
Giản dị mà lớn lao
Khác với hai bộ phim trước, trong bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, đạo diễn Bùi Đình Hạc đi theo hướng tiếp cận mới, với mong muốn “tìm thấy Bác trong cái giản dị mà lớn lao, khám phá tâm hồn của Người”. Đó là hình ảnh một vị lãnh tụ của những bước ngoặt lịch sử nhưng cũng chan hòa và gần gũi với người lao động cần lao. Ngay khi bắt tay vào làm, đã có không ít dự báo về thành bại của bộ phim, nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc và đồng nghiệp của ông ở Hãng phim Ngọc Khánh (thuộc Viện Phim Việt Nam) vẫn nỗ lực thực hiện ý tưởng của mình.
Ngoài tư liệu ở nước ngoài, đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng dựa vào những tư liệu khá phong phú ở Viện Phim Việt Nam. Ông đã tìm thấy những thước phim lưu trữ gần 40 năm trước, chưa bao giờ được sử dụng, ghép nối thành một trường đoạn Bác đi chiến dịch. Đạo diễn Bùi Đình Hạc tâm sự: “Mọi việc đã hoàn tất, nhưng việc đặt tên phim là phải thảo luận nhiều nhất. Tôi đã phân tích, đánh giá cùng với những xúc cảm khi tôi ở gần Bác. Nếu chọn tiêu đề không đúng sẽ dễ làm mất đi tầm tư tưởng của phim, hoặc nếu đặt đơn giản quá lại không thể hiện được trọn vẹn và đầy đủ những thông điệp trong đó. Sau mấy đêm thức trắng, suy nghĩ và trăn trở, tôi quyết định lấy nhan đề Hồ Chí Minh - Chân dung một con người và được cả đoàn làm phim chấp thuận”.
Nhiều năm trôi qua, những thước phim năm xưa của đạo diễn Bùi Đình Hạc và cộng sự đã được trên 70 cơ quan thông tấn của các quốc gia sử dụng làm tư liệu. Bộ phim nhắc người xem về sự giản dị của Bác trong chiếc áo nâu xám bạc màu; nhớ sự chan hòa trong những cái ôm nồng ấm Bác dành cho các cụ già, em nhỏ, các cháu thiếu niên, nhi đồng, bộ đội, dân quân, du kích. Rồi tình cảm của Bác với quê hương xứ sở khi Người về thăm quê, đứng lặng bên mái hiên nhà xưa cũ, cạnh chiếc khung cửi mà cụ thân sinh của Người đã ngồi; dáng điệu ung dung đi bên hàng râm bụt, hỏi thăm bà con lối xóm, trò chuyện với những người bạn thuở thiếu thời…
“Với Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, chúng tôi - những người làm phim về Bác không ước mong gì hơn là truyền đạt toàn bộ thông điệp về nhân cách, trí tuệ, tình cảm, cuộc đời, thân thế và sự nghiệp lớn lao cũng rất đỗi giản dị của Bác tới toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước. Qua mỗi trường đoạn phim có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng suy nghĩ của Người” - đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét