Phạm Văn
Chung(**)
Nguồn: Tạp chí Triết học, số 11 (210),
tháng 11 - 2008
Trong bài viết này, tác giả trình
bày thêm những luận giải của mình về phạm trù vật chất của V.I.Lênin để trao
đổi với tác giả Nguyễn Huy Canh nhằm làm sáng tỏ thêm những luận điểm, suy nghĩ
của mình về phạm trù này. Qua đó, tác giả cũng đã chỉ ra ý nghĩa và giá trị của
phương pháp tư duy lịch sử.
Ảnh minh họa
Tôi rất vui mừng vì bài viết của
mình trên Tạp chí Triết học số 7 - 2007 đã được tác giả Nguyễn Huy Canh quan
tâm và viết bài trao đổi đăng trên Tạp chí Triết học số 3, 2008. Nhân đây, cần
phải khẳng định thêm rằng, tranh luận khoa học luôn là một công việc rất có ý
nghĩa. Sau khi đọc những nhận xét phản biện của tác giả Nguyễn Huy Canh, tôi
thấy cần phải bảo vệ ý kiến của mình và giải thích rõ thêm một số điểm để tránh
cho những độc giả khác có thể hiểu lầm. Tôi xin trình bày từng điểm một rồi sau
đó, đưa ra nhận xét chung.
1. Tôi chân thành cảm ơn đánh giá và lời khen của tác giả Nguyễn
Huy Canh đối với những hiểu biết của tôi về tính lịch sử trong quan niệm
của V.I.Lênin về vật chất. Đây chính là mục tiêu và ý nghĩa quan trọng trong
bài viết của tôi. Nhưng tiếc rằng, tác giả chưa thấy được thực chất mục tiêu và
ý nghĩa này, vì thế đã có những luận bàn chưa đúng và lạc đề, cụ thể là đối với
mục 2 và 3 trong bài viết của tôi.
2. Ngay ở đầu bài viết, tác giả Nguyễn Huy Canh đã đưa ra những
nhận định thiếu rõ ràng. Tác giả viết: “Quan niệm này (định nghĩa vật chất -
P.V.C) của V.I.Lênin đã được nhiều học giả mácxít bàn luận và (tôi viết
nghiêng - P.V.C) về cơ bản, là đúng đắn, chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn
còn những hạn chế cần phải làm rõ… Vì chưa đạt đến trình độ nhận thức triết học
về những hạn chế đó, nên tác giả Phạm Văn Chung đã mắc phải những nhầm lẫn,
luẩn quẩn trong việc thể hiện ý tưởng của mình” (tr.69). Xin hỏi: Những “hạn
chế” mà tác giả nói đến ở đây là gì? Chúng là những hạn chế trong quan niệm của
V.I.Lênin về vật chất hay là của các nhà nghiên cứu mácxít về quan niệm vật
chất của V.I.Lênin? Trong khi chưa giải thích rõ điều này, tác giả lại nói
rằng, bài viết của tôi là “là một phát hiện ra những hạn chế đó, mặc dù phát
hiện này mới chỉ là sự cảm nhận”! Tiếp đó, tác giả chưa cho tôi biết “ý tưởng”
mà tôi thể hiện là “ý tưởng” gì, có phải đó là ý tưởng phát hiện ra “những hạn
chế đó” (những hạn chế không rõ là gì). Như vậy, ngay từ đầu, tác giả Nguyễn
Huy Canh đã tỏ ra chưa rõ ràng, thậm chí “mập mờ”(?) trong cách đặt vấn
đề. Người đọc không biết tác giả sẽ dẫn họ đi đâu.
Thêm nữa, ngay ở những dòng đầu của
bài viết, tác giả Nguyễn Huy Canh đã tỏ ra non yếu trong hành văn tiếng Việt.
Cụ thể, tác giả không nên nói là: “Công lao của ông (chỉ V.I.Lênin) được ghi
nhận bởi (tôi viết nghiêng - P.V.C) một phát hiện nổi tiếng”... Bởi vì,
nói như thế có khác nào nói: “Công lao của ông được ghi nhận bởi công lao của
ông”! Đoạn văn trên còn được viết tiếp: Công lao của ông được ghi nhận bởi một
phát hiện nổi tiếng, “khi (tôi viết nghiêng - P.V.C) đưa ra quan niệm về
vật chất bằng (tôi viết nghiêng - P.V.C) định nghĩa sau: “... Diễn đạt
như thế này dễ làm cho người đọc hiểu “phát hiện nổi tiếng” của V.I.Lênin liên
quan hoặc nằm trong quan niệm của ông về vật chất chứ không phải là chính quan
niệm ấy và như thế, không rõ phát hiện ấy là gì. Lẽ ra tác giả phải viết: “Một
phát hiện nổi tiếng, đó là quan niệm về vật chất với định nghĩa sau:...”, mới
đúng. Đương nhiên, người nghiên cứu triết học mácxít có thể hiểu tác giả muốn
nói đến phát hiện của V.I.Lênin là quan niệm (định nghĩa) của ông về vật chất.
Nhưng tác giả nghĩ gì về trách nhiệm đối với người đọc, đối với việc giữ gìn
“sự trong sáng” của tiếng Việt? Đó là tôi chưa nói đến điều: Quan niệm của
V.I.Lênin về vật chất có phải là “một phát hiện nổi tiếng” hay chỉ là “hoàn
chỉnh” hơn quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen mà thôi?
Sau khi nêu một số luận đề chưa rõ
ràng và với cách hành văn chưa chuẩn như vậy, tác giả Nguyễn Huy Canh bắt tay
vào luận giải “những nhầm lẫn và luẩn quẩn” trong việc thể hiện ý tưởng của
tôi.
3. Trước hết, phải nói đến những thiếu sót rất đáng lưu ý về
kiến thức cơ bản của tác giả trong lôgíc học, nhận thức luận và triết học nói
chung. Tác giả nói: “Khái niệm (phạm trù) là hình thức phản ánh chủ quan, biểu
hiện chủ quan tính bản chất của đối tượng. Những tính chất đặc trưng, những
thuộc tính cơ bản có tính bản chất của đối tượng được phản ánh, được ghi nhận
trực tiếp bởi định nghĩa khái niệm” (tr.69, cột 2 và tr.71, cột 1). Trong những
nhận định này, có 3 thiếu sót: Thứ nhất, những khái niệm (phạm trù)
không phải là “hình thức phản ánh chủ quan, biểu hiện chủ quan”... như tác giả
hiểu, mà là “hình thức chủ quan của thế giới khách quan” (theo cách nói của
V.I.Lênin). Nếu nói như tác giả thì rất có thể dẫn đến phủ nhận tính khách quan
của chân lý. Đồng thời, những khái niệm (phạm trù) không phải chỉ phản ánh,
biểu hiện “tính bản chất của đối tượng”, mà phản ánh, biểu hiện cả bản chất của
đối tượng. Thứ hai, “những tính chất đặc trưng”, “những thuộc tính cơ
bản” của đối tượng bao giờ cũng biểu hiện và biểu hiện rất rõ bản chất của đối
tượng, thậm chí chúng còn là chính bản chất của đối tượng. Do vậy, không cần
phải nói như tác giả là chúng “có tính bản chất”. Thứ ba, những tính
chất và những thuộc tính này được nêu trong định nghĩa khái niệm là kết quả của
quá trình trừu tượng hoá, khái quát hoá, thậm chí rất cao (như những định nghĩa
các khái niệm triết học), vì thế chúng được phản ánh, được ghi nhận gián
tiếp, chứ không phải “trực tiếp” như tác giả hiểu. Tuy nhiên, tôi hiểu
rằng, ở đây, tác giả đang lập luận nhằm bác bỏ ý kiến của tôi về hai cách định
nghĩa “trực tiếp” và “gián tiếp” phạm trù vật chất. Nhưng, nếu nhầm lẫn về kiến
thức cơ bản như thế này thì hẳn là việc bác bỏ sẽ trở nên khó khăn, ngay cả khi
tôi nhầm lẫn và luẩn quẩn thực sự!
Còn đây là những thiếu sót cơ bản
thiên về lôgíc hình thức của tác giả Nguyễn Huy Canh: “Định nghĩa khái niệm là
nội dung, là bộ mặt của khái niệm, là lời giải thích trực tiếp cho khái niệm.
Nhưng nó cũng đồng thời nhằm trực tiếp nói về đối tượng mà khái niệm phản ánh”
(tr.69, cột 2). Bất cứ ai có kiến thức cơ bản về “phép định nghĩa khái niệm”
đều có thể thấy tác giả Nguyễn Huy Canh đã tách định nghĩa khái niệm ra khỏi
khái niệm, xem nó như một phần (“nội dung”, “bộ mặt”) của khái niệm, như là
công việc nhằm “giải thích” nội dung khái niệm, để nói về đối tượng mà “khái
niệm phản ánh”. Như thế, tác giả Nguyễn Huy Canh xem khái niệm là cái gì đó đã
xong, còn việc định nghĩa khái niệm là giải thích cái đã xong ấy. Tác giả tỏ ra
chưa nắm vững bản chất của định nghĩa khái niệm, đó là quá trình xác lập khái
niệm, trước hết là xác lập nội dung của nó. Quá trình này bao gồm cả việc phát
biểu định nghĩa.
4. Vì có những nhầm lẫn và hiểu biết chưa chắc chắn, chưa đúng
về bản chất của định nghĩa khái niệm, về sự phản ánh đối tượng ở trình độ khái
niệm, ở nhận thức lý tính, nên tác giả Nguyễn Huy Canh đã không thấy được vấn
đề mà tôi đã nêu ra để bàn luận là về những cách “gián tiếp” và “trực
tiếp” trong định nghĩa phạm trù vật chất. Tác giả Nguyễn Huy Canh viết: “Dù là
khái niệm ấy được con người xây dựng bằng cách nào đi chăng nữa (trực tiếp hay
gián tiếp, đường vòng hay đường thẳng) thì nội dung của nó được chỉ ra trong
định nghĩa cũng là nhằm trực tiếp nói về đối tượng ấy chứ không bao giờ là một
sự gián tiếp” (tr.69, cột 2). Đây là vấn đề chính mà bài viết của tác giả
Nguyễn Huy Canh bàn đến, nên tôi xin được nói kỹ hơn.
Thứ nhất, trong bài viết của mình, tôi nói những “định nghĩa” của
V.I.Lênin về vật chất (lưu ý: từ định nghĩa nhiều khi tôi đặt trong ngoặc kép) có
thể (tôi nhấn mạnh từ này) phân chia thành hai dạng hoặc hai cách định
nghĩa (tr.51, Tạp chí Triết học, số 7/2007). Tôi phân chia thành hai dạng hay
hai cách định nghĩa gắn liền với bối cảnh lịch sử của những định nghĩa của
V.I.Lênin với mục đích là cho thấy rõ cần phải chọn dạng, cách định nghĩa nào
làm định nghĩa “kinh điển” để đưa vào sách giáo khoa triết học, chứ không hề có
ý định tổng kết thành một trong những hình thức hoặc quy tắc định nghĩa khái
niệm. Vì vậy, hãy xem đây như một cách hiểu khác về định nghĩa vật chất của
V.I.Lênin.
Vì thế, nếu trong luận giải trên,
tác giả Nguyễn Huy Canh lưu ý đến mệnh đề “dù là khái niệm ấy được con người
xây dựng bằng cách nào đi chăng nữa (trực tiếp hay gián tiếp, đường vòng hay
đường thẳng)” và dừng lại ở đây, thì đã không đi lạc đề. Cái chính cần bàn ở
đây là cách định nghĩa, mà thực ra là cách phát biểu định nghĩa.
Trong bài viết của mình, khi giải thích những cách định nghĩa gián tiếp và trực
tiếp, tôi thường viết là “nói về” (đến 12 lần), tức là bàn về cách phát biểu
định nghĩa, chứ không dùng từ “phản ánh” như tác giả Nguyễn Huy Canh. Thế
nhưng, tác giả Nguyễn Huy Canh, do quá chú ý đến việc lý giải tính “trực tiếp”
trong định nghĩa với tư cách sự phản ánh, nên đã hiểu sai dụng ý chính trong
bài viết của tôi. Cần nhắc lại rằng, khái niệm là một hình thức nhận thức lý
tính, nên nó phản ánh gián tiếp chứ không phải trực tiếp đối tượng nhận
thức.
Thứ hai, tác giả Nguyễn Huy Canh có thừa nhận rằng, nói “vật chất
là thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác...”
và “vật chất là phạm trù triết học...” hoặc “sách là một trong những lâu đài
bền vững nhất” và “sách là một khái niệm chỉ....”, là những cách nói khác nhau
về cùng một đối tượng không? Cách nói thứ nhất, cụ thể, khi nói “vật chất là
thực tại khách quan”, “sách là một trong những lâu đài...”, khiến người ta chú
ý ngay đến những đối tượng hiện thực, người ta lập tức chú ý đến toàn bộ thực
tại xung quanh, đến những lâu đài thực (để so sánh với sách); còn khi nói “vật
chất là một phạm trù triết học...”, “sách là một khái niệm...”, người ta phải
nghĩ ngay và có thể phải lý giải “một phạm trù triết học”, “sách là khái niệm”
có nghĩa là gì, rồi sau đó mới nói đến “thực tại khách quan”, đến “sách” trong
hiện thực. Tôi quan niệm đó là những cách nói, những cách định nghĩa “trực
tiếp” và “gián tiếp” về đối tượng. Nhưng từ đây, tôi muốn nói đến điều căn bản
là, không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, nhận thức khoa học thường đưa ra cách định
nghĩa thứ nhất về đối tượng: “Hình thang là tứ giác...”, “Con người là động vật
có trí tuệ...”, “Vật chất là nước, lửa, không khí...”. Bởi lẽ, thực tiễn yêu
cầu con người phải nói ngay, nói chính, nói trực tiếp về đối tượng mà nó đang
gặp, đang cần đối xử, biến đổi, chiếm lĩnh chúng. Đứng trước những phát minh về
điện tử cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học tự nhiên đòi hỏi phải
giải đáp xem đó có phải là vật chất hay không, thì trong trường hợp này, câu
trả lời cần phải nêu ra: “Vật chất là thực tại khách quan được đem lại trong
cảm giác...”. Nhưng khi những nhà triết học kinh nghiệm chủ nghĩa định bác bỏ
khái niệm vật chất của triết học, thì lại phải nói: “Vật chất là một phạm trù
triết học”, nghĩa là nói về vật chất với tư cách phạm trù, hơn nữa là phạm trù
triết học (vì thế cách nói ấy càng trở nên gián tiếp).
Như vậy, tính “gián tiếp” và “trực
tiếp” mà tôi nói đến ở đây chủ yếu nhằm nhấn mạnh tính lịch sử của những định
nghĩa về vật chất, đặc biệt là định nghĩa kiểu “vật chất là một phạm trù triết
học...”. Chỉ trong bối cảnh lịch sử như đã nói, V.I.Lênin mới phát biểu định
nghĩa dạng ấy và chúng ta thấy, nó khác với cách định nghĩa, cách phát biểu
định nghĩa thông thường, phổ biến như vẫn thấy. Vả lại, việc phân chia thành
hai dạng hoặc hai cách định nghĩa “trực tiếp” và “gián tiếp” ở đây chỉ rất hình
thức. Nhưng, do những kiến thức cơ bản về lôgíc học, về nhận thức luận và về
triết học nói chung còn chưa chắc chắn, còn có sự nhầm lẫn, nên tác giả Nguyễn
Huy Canh đã hiểu sai tinh thần những luận giải của tôi.
Thứ ba, tác giả Nguyễn Huy Canh nói rằng, “khi phát biểu định
nghĩa về hình thang, người ta không đưa thêm vào cụm từ “một khái niệm toán học
dùng để chỉ”, vì “điều này, theo tôi, chỉ làm định nghĩa thêm dài dòng, rối rắm
và không cần thiết” (tr.70, cột 1). Cần nói rằng đây không phải là chuyện “dài
dòng” hay “rối rắm”, mà là cần hay không cần. Tác giả Nguyễn Huy Canh chỉ thấy
được một điểm và đã vô tình tách toán học - một khoa học cụ thể ra khỏi triết
học. Tác giả không thấy rằng, nếu triết học không giải đáp vấn đề vật chất là
một phạm trù triết học, các khái niệm của con người đều là những trừu tượng,
những sản vật của tư duy, thì sẽ đến lúc toán học và các khoa học cụ thể phải
giải đáp những vấn đề ấy và như thế, sẽ là một thời kỳ sinh sôi mới của phép
siêu hình. Nhưng, rất may là chủ nghĩa duy vật biện chứng đã giải quyết vấn đề
đó và do vậy, nhiều năm nay và hiện tại các khoa học cụ thể, trong đó có toán
học, có thể đi trên con đường thênh thang của nhận thức mà chủ nghĩa duy vật
biện chứng đã chỉ ra. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là toán học cũng như
các khoa học cụ thể không phải định nghĩa “hình thang là một phạm trù toán
học...”, “sự sống là một khái niệm sinh vật học...”, chỉ có điều là các khoa
học ấy không cần nói như thế, mà chỉ cần nói “hình thang là tứ
giác...”, vì như thế đã bao hàm “hình thang” là một trừu tượng toán học, đúng
như tác giả Nguyễn Huy Canh đã nhận ra. Vì vậy, sự chia thành hai cách
định nghĩa, mà thực ra chỉ là hai cách phát biểu định nghĩa trong những
định nghĩa của V.I.Lênin về vật chất, chỉ là nhằm thấy rõ tính lịch sử của
những cách đó, nhất là cách mà tôi gọi là định nghĩa “gián tiếp”. Thế
thì tại sao không nói, không định nghĩa “vật chất là thực tại khách quan được
đem lại cho con người trong cảm giác” (vì định nghĩa này cũng đã bao hàm điều
“vật chất” là một trừu tượng, một phạm trù triết học. Tôi cũng đã nói rõ
điều này trong bài viết của mình (Tạp chí Triết học, số 7, 2007, tr.54, cột
2)), mà lại phải nói “vật chất là phạm trù triết học...” trong bối cảnh bình
thường của khoa học và triết học? Tôi lấy làm tiếc là tác giả Nguyễn Huy Canh
đã rơi vào những tranh biện không cần thiết do hiểu sai điều mà tôi muốn nói và
qua đó, bộc lộ những thiếu sót rất đáng nói trong kiến thức khoa học nghề
nghiệp cơ bản của mình.
5. Điểm cuối cùng là những bàn luận của tác giả Nguyễn Huy Canh
về các thuộc tính của vật chất. Tôi nhất trí với tác giả rằng, vật chất cũng
như mọi đối tượng đều có rất nhiều thuộc tính, thậm chí nhiều thuộc tính cơ
bản. Nhưng, khi bàn về điều này, tác giả Nguyễn Huy Canh lại bỏ qua cái điều mà
tác giả đã “khen” tôi và một lần nữa lại tỏ ra chưa rõ ràng khi cho rằng, “có
lẽ tác giả (P.V.C) đã có sự nhầm lẫn nào đó” (tr.71, cột 2)! Xin hỏi tác giả:
“Nhầm lẫn nào đó” là gì? Tuy vậy, điều chủ yếu mà tôi muốn nói là tác giả đã
đặt những luận giải của tôi ra khỏi bối cảnh vấn đề cần bàn. Tác giả Nguyễn Huy
Canh cần phải thấy rõ là, trong bài viết của mình, tôi nói đến phạm trù vật
chất của V.I.Lênin trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm
phê phán của ông. Ở đây, V.I.Lênin đã nói rằng, phạm trù vật chất được xác
định trong phạm vi nhận thức luận cơ bản, tức là trong phạm vi vấn đề cơ bản
của triết học, vì vậy ông chú ý vạch ra hai thuộc tính cơ bản, thậm chí chỉ
nhấn mạnh đặc tính duy nhất của vật chất là “tồn tại khách quan”. Do vậy, những
bàn luận của tôi không đi ra ngoài giới hạn này. Nếu tác giả Nguyễn Huy Canh
đọc lại tác phẩm của V.I.Lênin thì sẽ thấy, ông bàn về “vận động”, “không gian”
và “thời gian” trong một phần khác, tương đối độc lập so với phần nói về phạm
trù vật chất.
Có lẽ là do vội vàng và quá say sưa
với việc “phát hiện” ra những “nhầm lẫn”, “luẩn quẩn” của tôi, nên tác giả
Nguyễn Huy Canh đã đặt tôi ra khỏi bối cảnh vấn đề mà tôi nêu lên và bàn luận
để phê phán, vì vậy tác giả chưa hiểu đúng thực chất nội dung và ý nghĩa bài
viết của tôi.
Để kết thúc, tôi muốn nói với tác
giả Nguyễn Huy Canh một điều: ý nghĩa và giá trị rất cơ bản của phương pháp tư
duy lịch sử là ở chỗ, nó không tách rời ý thức coi trọng lịch sử và do
đó, ý thức tôn trọng con người!
(*) Trả lời bài viết của Nguyễn Huy
Canh “Bàn về phạm trù vật chất của V.I.Lênin” đăng trên Tạp chí Triết học số
3/2008.
(**) Tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét