Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Chủ Nhật, 07/05/2017, 23:03:32
Việc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thống nhất cao với hình thức kỷ luật cảnh cáo và đồng ý cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), thể hiện sự nghiêm minh và rất cần thiết để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, nhưng đó là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng, mọi cán bộ, đảng viên bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, các quy định, Điều lệ Đảng, không có “vùng cấm” nào. Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng phải chịu trách nhiệm lớn trước Đảng, trước dân. Qua đó, chúng ta có thêm những bài học sâu sắc về xây dựng Đảng, nhất là đối với công tác cán bộ.
Trước đó, để có cơ sở đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung cao độ, thận trọng từng việc trong hơn bảy tháng liền để kiểm tra dấu hiệu vi phạm theo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng; xác minh, kết luận công tâm, khách quan, có lý, có tình, bởi đây là vấn đề liên quan đến uy tín cán bộ, đến sinh mệnh chính trị của con người. Bộ Chính trị cũng dành nhiều thời gian thảo luận dân chủ, kiểm điểm nghiêm minh trên tinh thần đồng chí, tâm phục, khẩu phục. Ban Chấp hành Trung ương đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt, có xem xét những đóng góp nhất định của đồng chí Đinh La Thăng và thống nhất rất cao khi bỏ phiếu kỷ luật.
PVN là tập đoàn kinh tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà. Thật đáng tiếc, những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và một số cá nhân liên quan đã làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, làm thiệt hại lớn cho Nhà nước, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN giai đoạn 2009 - 2011. Những vi phạm của đồng chí là đã ký ban hành một số văn bản có nội dung không phù hợp quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; ký thỏa thuận tham gia góp vốn với OceanBank trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất; góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN; ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Việc kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng và một số cán bộ liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; cán bộ liên quan sự cố ô nhiễm môi trường biển một số tỉnh miền trung, là bước tiến mới của Đảng về phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong xử lý những vấn đề nhạy cảm, sai phạm của cán bộ các cấp, kể cả cán bộ cấp cao theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó cũng là sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, người có công thì biểu dương, khen thưởng, người vi phạm phải xử lý nghiêm minh đúng pháp luật. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo; là bài học chung cho các cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là trong khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trước yêu cầu nhiệm vụ ấy, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống mới đáp ứng đòi hỏi của thực tế công cuộc đổi mới đất nước.
Có ý kiến cho rằng PVN đã mạnh dạn đổi mới, đi đầu trong một số hoạt động. Song, đổi mới phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật và kỷ cương, phép nước, các nguyên tắc, quy định của Đảng. Chính vì làm trái pháp luật, PVN mới để xảy ra tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, một số dự án không phát huy được hiệu quả, như dự án đầu tư ra ngoài ngành, ngoài lãnh thổ. Việc giao quyền cho một số đơn vị thành viên có thể là cần thiết, nhưng thiếu thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn ngừa sai phạm. Đây còn là bài học trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc giữa cấp ủy và lãnh đạo Tập đoàn, xác định mối quan hệ và trách nhiệm giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhất là các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người đứng đầu PVN phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm đã xảy ra.
Qua vụ việc tại PVN cho thấy, không chỉ Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn có lỗi, mà còn là trách nhiệm của những bộ, ngành, cơ quan liên quan đã quản lý thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả, thậm chí có lúc, có việc buông lỏng dẫn đến không phát hiện sai phạm để ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ. Các sai phạm rất nghiêm trọng tại PVN xảy ra trong giai đoạn 2009 - 2015, thế nhưng khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng đã không được tập thể cấp ủy và lãnh đạo PVN kiểm điểm thấu đáo, chỉ ra cụ thể, đưa ra biện pháp khắc phục, cho nên những yếu kém, vi phạm không được ngăn chặn, xử lý thỏa đáng. Có cán bộ sai phạm nghiêm trọng không những không bị kỷ luật mà còn được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt, bầu cử giữ chức vụ cao hơn như trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Vì vụ Trịnh Xuân Thanh mà bảy cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật.
Việc quyết định xử lý kỷ luật cán bộ tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có ý nghĩa rất quan trọng, vì hội nghị này thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có nội dung sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua việc kỷ luật cán bộ, càng thấy những vấn đề nêu trên cần được bàn một cách toàn diện, sâu sắc. Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, nhất là việc nâng cao vai trò, vị thế, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy phù hợp với mô hình tổ chức mới của doanh nghiệp; coi công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt. Quá trình sắp xếp doanh nghiệp cần gắn liền với lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ bảo đảm yêu cầu đổi mới doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện đồng bộ; giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục khuyết điểm, vi phạm ngay từ khi manh nha.
BẮC VĂN
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32804602-bai-hoc-sau-sac-ve-cong-tac-xay-dung-dang.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét