(LLCT) - Khi nói về xã hội
tương lai, Mác tránh đi vào sự mô tả chi tiết mà chỉ khẳng định rõ: CNCS nảy
sinh không phải từ hư vô mà từ CNTB. CNTB tiêu biến cũng không phải vào hư vô
mà để lại “những dấu vết” trong CNCS. Do đó, giữa chúng tất yếu có
một “thời kỳ quá độ chính trị” - thời kỳ quá độ (TKQĐ) như lâu nay thường
gọi tắt, với nhà nước là “nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”
1. Phải chăng chưa có và không thể có chủ nghĩa xã hội?
Gần
đây có ý kiến cho rằng: theo Mác, công cụ lao động (CCLĐ) là cái quan trọng
nhất, quy định quan hệ sản xuất (QHSX), phương thức sản xuất (PTSX), hình thái
kinh tế - xã hội (KTXH). Cây gậy và chiếc cung tên sinh ra xã hội cộng sản
nguyên thủy, cái cuốc sinh ra xã hội chiếm hữu nô lệ, chiếc cày sinh ra xã hội
phong kiến, và máy hơi nước sinh ra xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN). Nhưng chính
Mác và Lênin lại xác định,CNXH dựa trên nền đại công nghiệp cơ khí giống như
CNTB. Như vậy, đã có hai hình thái KTXH trên cùng một trình độ CCLĐ. Tức là Mác
và Lênin đã không nhất quán, tự mâu thuẫn với chính mình. Nếu theo đúng học
thuyết hình thái KTXH, thì CNXH phải có cơ sở CCLĐ khác, cao hơn đại công
nghiệp. Vậy mà Liên Xô, Đông Âu thời kỳ 1917- 1991 trước đây đều có CCLĐ, LLSX,
năng suất lao động (NSLĐ), mức sống, thu nhập bình quân đầu người... không
những không hơn, mà thậm chí lại còn kém xa những nước phương Tây. Do đó, các
xã hội được gọi là XHCN từ trước đến nay, thật ra đều chưa phải là CNXH.
Mặt
khác, hàng trăm năm đã qua từ Mác, Lênin và trong một thời hạn chắc chắn là
không ngắn nữa, các nước phương Tây đã, đang và vẫn sẽ là TBCN. Không những
thế, chúng còn tiếp tục phát triển ngày càng cao, mà không hề “giãy chết” (hay
cho dù chỉ là “đang chết dần đi”) như Lênin nhận định. CNTB thế giới nói chung
vẫn không ngừng đi lên, mà chưa hề bước vào giai đoạn tột cùng của nó. Một loại
CCLĐ mới cao hơn đại công nghiệp cơ khí cũng chưa xuất hiện. Cho nên, tất cả
những nước còn lại, nhất là các nước kém phát triển hoặc đang phát triển, tất
yếu đều phải đi theo con đường TBCN, hội nhập vào quỹ đạo của CNTB do phương
Tây dẫn đầu.
Có
nghĩa là, trong bối cảnh ấy của CNTB, mục tiêu CNXH không hề tồn tại, không
thực tế và cũng hoàn toàn không cần thiết. Con đường XHCN là vô vọng, vô ích,
bất khả thi. Từ trước đến nay không những chưa có CNXH thực sự ở bất kỳ
đâu; mà ngay cả trong tương lai xa cũng không xuất hiện khả năng, điều kiện cho
nó ra đời, tức là không thể có CNXH. Bởi vậy, cần từ bỏ mục tiêu, con đường đi
lên hình thái KTXH XHCN, CSCN xa xôi, mơ hồ, vô căn cứ, để hướng tới mục tiêu
thiết thực, chắc chắn về “sự phát triển” ở các mức độ cao hay thấp cụ thể,
thích hợp khác nhau với từng quốc gia, dân tộc. Điều này thực chất chính là
hướng tới mục tiêu, con đường CNTB, một chế độ xã hội có cơ sở kinh tế - kỹ
thuật đầy đủ, tương thích và còn giàu tiềm năng cách tân, sáng tạo, tăng
trưởng, phát triển mạnh mẽ (!?).
Dưới
đây sẽ xem xét kỹ hơn, để chỉ rõ sai lầm của những ý kiến trên cả về học thuật
lẫn về thực tế.
2. Công cụ lao động trong phương thức sản xuất
CCLĐ
chỉ là sản phẩm hoạt động của chủ thể người lao động. Mác nói đến CCLĐ của
người lao động nhất định, không phải CCLĐ bất kỳ, tự thân, chung chung. CCLĐ
tách khỏi người lao động, thì chưa phải là thành tố của sản xuất. Bản thân CCLĐ
không quy định cái gì khác, càng không quy định người lao động. Tính độc lập
của nó đối với người lao động chỉ là tương đối. Nó chỉ trở thành CCLĐ đúng
nghĩa khi gắn với người lao động nhất định cụ thể tương ứng.
Mối
quan hệ giữa người lao động với giới tự nhiên được thực hiện thông qua CCLĐ và
bằng CCLĐ. CCLĐ đó gắn liền với chủ thể người lao động, là năng lực chinh phục,
cải tạo giới tự nhiên vốn tiềm ẩn bên trong họ, đã vật thể hóa ra bên ngoài.
Khi được người lao động tạo ra, CCLĐ trở thành “khí quan” của họ trong quá
trình lao động sản xuất, được họ sử dụng, phù hợp và tương thích với họ. CCLĐ
trong trạng thái tĩnh tại, bất động, tách rời người lao động, chỉ còn là khối
vật thể thuần túy.
Nhưng
ngay cả khi gắn với người lao động, CCLĐ cũng chỉ có thể góp phần cùng với họ
tạo nên một trình độ kinh tế - kỹ thuật cụ thể nhất định của LLSX, mà không
trực tiếp quy định bản chất KTXH của QHSX. Toàn bộ LLSX nói chung, như một hệ
thống các nhân tố hợp thành, bao gồm CCLĐ, đối tượng lao động, phương tiện lao
động, và trước nhất là người lao động, mới chính là cái trực tiếp quy định bản
chất KTXH của QHSX, phương thức sản xuất. Trong hệ thống chung của LLSX, chính
người lao động với tất cả các thế hệ hiện tại và trước đó kế tiếp nhau là chủ
thể chân chính đích thực tạo ra, quyết định CCLĐ. Ngay cả những CCLĐ có sẵn và
có trước người lao động thì cũng không chi phối họ hoàn toàn. Bởi vì, chúng vẫn
chỉ là kết quả của các thế hệ người lao động đi trước.
CCLĐ
và người lao động được nói đến ở đây không phải là CCLĐ và người lao động lắp
ghép tùy tiện, gò ép, ngẫu nhiên với nhau. Đó là một tổng thể hoàn chỉnh kết
hợp, tổng hợp thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa người lao động với CCLĐ. Người
lao động nào thì có CCLĐ ấy tương ứng, và ngược lại. CCLĐ của người công nhân
công nghiệp thế kỷ XXI đương nhiên không thể là cái rìu đá. Một dây chuyền máy
tự động không phải là CCLĐ cho người tiền sử. Người lao động của một nền sản
xuất lạc hậu có thể có được CCLĐ tiên tiến nhờ sự giúp đỡ, viện trợ từ bên
ngoài (như Mông Cổ trong giai đoạn 1921-1991). Hoặc ngược lại, người lao động
của nền sản xuất phát triển cao có thể phải sử dụng CCLĐ lạc hậu, khi bị mất cơ
sở kinh tế - kỹ thuật tiên tiến vì thiên tai, chiến tranh (như Đức, Nhật Bản
sau năm 1945). Nhưng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ, không có ý nghĩa phổ biến.
QHSX
giữa những người lao động với nhau phù hợp tất yếu với mối quan hệ giữa họ với
tự nhiên, do mối quan hệ này quy định. Nhưng không phải là chỉ riêng CCLĐ quy
định QHSX. Thật ra, người lao động tự xác lập quan hệ KTXH của mình, nhưng
không tùy tiện mà căn cứ vào điều kiện kinh tế - kỹ thuật hiện thực khách quan
của chính họ. Mác đã từng viết: “sở hữu là hậu quả tất yếu của những công cụ
sản xuất hiện có”, “công nghiệp lớn xóa bỏ sở hữu tư nhân”(1). Đây
chỉ là một cách diễn đạt vắn tắt, ngắn gọn về LLSX nói chung bao gồm cả người
lao động. Trên thực tế, CCLĐ nào cũng thuộc về một người lao động nhất định.
Nếu
coi “CCLĐ tạo nên người lao động, quy định QHSX”, thì đó là sự lẫn lộn về
nguyên tắc. Cái quy định QHSX ở đây vẫn là người lao động với CCLĐ, tức là
những bộ phận hợp thành yếu tố chính của LLSX. Đó là, người lao động sử dụng
CCLĐ chứ không phải chỉ có hai bàn tay trắng và khối tri thức, thông tin trong
đầu óc dù to lớn sâu sắc đến bao nhiêu. Và CCLĐ gắn kết, tương hợp với người
lao động, được họ vận hành trong lao động sản xuất, chứ không phải chỉ là khối
vật thể, vật chất - kỹ thuật riêng biệt dù tiên tiến, hiện đại đến đâu.
3. Công cụ lao động trong hình thái kinh tế - xã hội
Các
CCLĐ được nêu trên đã thật sự tiêu biểu, đặc trưng cho những hình thái KTXH
tương ứng chưa? Chẳng hạn, ở phương Tây thời phong kiến trung cổ, CCLĐ điển
hình là chiếc cối xay gió, chứ không phải là cái cày. Nhưng ngay trong thời đại
của mình những chiếc cối xay ấy, mà nay vẫn còn lại như một di tích lịch sử đặc
sắc ví dụ ở miền đồng quê Hà Lan, cũng mang đậm ý nghĩa biểu tượng hơn là vai
trò thực tế. Vậy thì tiêu chí của các CCLĐ đặc thù, phân biệt những hình thái
KT-XH ấy là gì? Có phải là trình độ, chất lượng, hàm lượng kỹ thuật - công nghệ
trực tiếp, đơn thuần của các CCLĐ này? Hay là quy mô, mức độ, hiệu quả xã hội
hóa đối với nền sản xuất mà chúng tạo ra, từ đó làm thay đổi bản chất KTXH của
QHSX?
Theo
Mác, tuy LLSX trực tiếp quy định QHSX, song cái trực tiếp quy định bản chất
KTXH của hình thái KTXH lại là QHSX(2). Bởi vậy, rất cần trở
lại với thực chất tư tưởng, văn cảnh cụ thể của những luận điểm của Mác,
Ăngghen, Lênin một cách đầy đủ, nghiêm túc, thay vì chỉ dẫn ra một số câu trích
từ những tác phẩm đồ sộ, rộng lớn của các ông(3).
Cái
gậy, chiếc cung tên, cái cuốc, cái cày, hoặc kể cả cối xay gió đều chỉ là những
CCLĐ thủ công. Điểm khác biệt của cái cày dùng sức kéo đại gia súc, hay chiếc
cối xay gió lợi dụng sức gió với cái cuốc, cái gậy, chiếc cung đều không đáng
kể về chất. Những nguồn động lực cung cấp cho thao tác lao động sản xuất này,
dù nhỏ hay lớn, thậm chí còn là rất lớn, vẫn có nhiều hạn chế(4).
Vậy mà theo ý kiến trên, các CCLĐ cùng một trình độ thủ công ấy lại tạo ra ba
hình thái KTXH khác biệt nhau. Còn máy hơi nước là CCLĐ cơ khí hoàn toàn
khác về chất, thì lại chỉ tạo ra được duy nhất CNTB. Hình thái KTXH mới XHCN
phải dựa trên cơ sở một CCLĐ khác cao hơn đại công nghiệp cơ khí. Nếu CCLĐ thủ
công đã làm cơ sở chung cho ba hình thái KTXH, thì tại sao CCLĐ cơ khí
không thể tạo ra hơn một hình thái KTXH?
Cho
nên, cơ sở của CNXH không phải là một nền kinh tế - kỹ thuật, CCLĐ mơ hồ, trừu
tượng, mà vẫn là một nền sản xuất vật chất phát triển cao. Nó bao gồm một số
ngành, lĩnh vực công nghiệp, hoặc kể cả ngoài công nghiệp mới nào đó. Nhưng
chúng vẫn gắn với công nghiệp và không thay thế công nghiệp.
CCLĐ
đại công nghiệp trong tương lai với trình độ cao hơn hiện nay, có thể sẽ tạo
nên cơ sở kinh tế - kỹ thuật của CNXH, CNCS. Về mặt nguyên tắc, có thể nói như
vậy và cũng chỉ có thể nói thế thôi. Ngay từ bây giờ đòi hỏi đã phải chỉ ra
được cụ thể CCLĐ ấy là gì, thì chính là điều phi lịch sử, phi thực tế. Điều đó
sẽ khó tránh khỏi hoặc rơi vào quan điểm tư biện, chủ quan, không luận chủ
nghĩa, hoặc chuyển sang tư duy khoa học viễn tưởng kiểu Giuynlơ Vécnơ.
Khi
nói về xã hội tương lai, Mác tránh đi vào sự mô tả chi tiết mà chỉ khẳng định
rõ: CNCS nảy sinh không phải từ hư vô mà từ CNTB. CNTB tiêu biến cũng không
phải vào hư vô mà để lại “những dấu vết” trong CNCS. Do đó, giữa chúng tất yếu
có một “thời kỳ quá độ chính trị” - thời kỳ quá độ (TKQĐ) như lâu nay
thường gọi tắt, với nhà nước là “nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô
sản”(5).
Một
CCLĐ cụ thể đặc trưng theo một ý nghĩa tương đối cho CNXH, CNCS có thể đến
trình độ phát triển cao của hình thái KTXH này mới xuất hiện. Nhưng khi ấy nó
cũng vẫn chỉ là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của hình thái đó. Mác -
Ăngghen đã luận giải sâu sắc rằng, ngay từ nửa sau thế kỷ XIX, nền đại công
nghiệp cơ khí đã bắt đầu vượt qua chế độ tư hữu và cơ chế cạnh tranh tự do
TBCN. Khi ấy, với CCLĐ này đã bắt đầu có thể xác lập chế độ sở hữu và sự quản
lý chung của toàn xã hội đối với nền sản xuất, tức là QHSX CSCN(6).
Như
vậy, cách tiếp cận mối quan hệ CCLĐ (quy định)/ hình thái KTXH trong ý kiến
trên, là vừa thiếu chính xác, chặt chẽ vừa không hợp lý, nhất quán. Các CCLĐ đã
nêu đều không đặc trưng, theo nghĩa là nguyên nhân quyết định cuối cùng cho
những hình thái KTXH. Nhiều lắm chúng cũng chỉ biểu đạt các kiểu loại, dạng
thức xã hội nào đó nhất định, nhưng không theo tiêu chí hình thái KT-XH mang
tính tổng hợp, đồng bộ, hệ thống, cân đối, tức hoàn toàn không phải là những
hình thái KTXH.
Tóm
lại, CCLĐ không quy định, quyết định người lao động, QHSX, phương thức sản
xuất, hình thái KTXH. Nền đại công nghiệp cơ khí giữa thế kỷ XIX đã có thể trở
thành cơ sở ban đầu cho CNXH, mặc dù bản thân CCLĐ hùng mạnh này vẫn tiếp tục
phát triển lên những trình độ mới ngày càng cao hơn nữa trong CNTB. Chính vì
vậy, một kết luận lôgíc được rút ra ở đây là, xét trong cả tiến trình đi từ
CNTB lên CNXH ở một số nước nhất định, thì giai đoạn đầu tiên của tiến trình đó
hoàn toàn có thể thấp hơn về CCLĐ, kinh tế... so với một số nước TBCN phát
triển cao hơn nào đó khác cùng thời.
4. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội
CNXH
đương nhiên là cao hơn về mọi mặt, trước hết là về kinh tế kể cả so với CNTB
phát triển tới đỉnh điểm. Nhưng TKQĐ “lâu dài, khó khăn” từ CNTB nói chung trực
tiếp lên CNXH, nhất là chặng đầu của TKQĐ đó, có thể không cao hơn mà thậm chí
còn thấp hơn CNTB đỉnh cao. Đặc biệt, đối với TKQĐ từ điểm xuất phát tiền TBCN
nửa trực tiếp, hoặc gián tiếp lên CNXH, thì chặng đầu thấp hơn CNTB sẽ còn lâu
dài, khó khăn gấp bội, và đây là điều tất yếu.
TKQĐ
từ CNTB trực tiếp lên CNCSnhìn chung cao hơn CNTB đã đạt đến đỉnh
điểm. Tuy nhiên, đỉnh điểm về lôgíc và về lịch sử trên thực tế không trùng
nhau về thời gian, không gian. Quy luật kinh tế cơ bản của CNTB bắt đầu phát
huy tác động đầy đủ và chi phối, thống trị tuyệt đối sớm hơn rất nhiều so với
thời điểm xã hội TBCN kết thúc. Cái lịch sử kéo dài sự tồn tại quá thời rất
lâu, sau khi cái lôgíc đã hoàn tất. CNTB có thể phát triển cao sớm nhất ở một
quốc gia, dân tộc này, nhưng lại bị thay thế trước tiên ở một quốc gia, dân tộc
khác. Trên thực tế, CNTB xuất hiện mầm mống kinh tế đầu tiên ở Italia thế kỷ
XIV; xác lập chế độ nhà nước hoàn chỉnh sớm nhất ở Hà Lan thế kỷ XVI, ở Anh thế
kỷ XVII; thực hiện các cuộc cách mạng tư sản điển hình triệt để ở Pháp năm
1789, ở Mỹ năm 1776.
Cho
nên, tại một số nước TBCN đạt đến đỉnh điểm lôgíc, tuy không phát triển cao
nhất nhưng đã bắt đầu TKQĐ, thì CNTB ở đây cũng kết thúc cả về mặt lịch sử.
Trong khi đó, tại một số nước TBCN khác, tuy phát triển cao nhất nhưng chưa đi
vào TKQĐ, thì sự phát triển lịch sử của CNTB vẫn tiếp diễn. Lúc này, so với
những nước thứ hai, thì những nước thứ nhất vẫn sẽ thấp hơn về mặt kinh tế,
nhất là trong giai đoạn đầu của TKQĐ. Chỉ đến giai đoạn cuối của TKQĐ, thì về
mọi mặt chúng mới hoàn toàn vượt qua CNTB.
Mác -
Ăngghen cũng đã lần đầu tiên đề cập tới khả năng về TKQĐ từ xã hội tiền TBCN
không hoàn toàn trực tiếp, mà nửa trực tiếp đi lên CNCS bỏ qua giai đoạn phát
triển TBCN. Ở đây nước lạc hậu được nước TBCN tiên tiến phương Tây giúp đỡ về
cơ sở kinh tế - kỹ thuật. Chúng tác động qua lại lẫn nhau và cùng đi vào TKQĐ(7).
Trong trường hợp này, giai đoạn đầu của TKQĐ ở nước lạc hậu thấp hơn CNTB rõ
rệt về CCLĐ, kinh tế.
Khả
năng về TKQĐ nửa trực tiếp được Mác - Ăngghen khái quát từ thực tế nước Nga Sa
hoàng đương thời và liên hệ với một tiền lệ lịch sử có ý nghĩa tham chiếu gợi
mở lớn. Tiền lệ ấy được hai ông quan tâm ngay từ giữa những năm 1840, đề cập
nhiều lần trong suốt thời gian về sau. Đó là trường hợp người Giécmanh thời cổ
đại ở Tây Âu, đã từ xã hội công xã nguyên thủy quá độ nửa trực tiếp lên xã hội
phong kiến bỏ qua giai đoạn phát triển chiếm hữu nô lệ(8). Cùng tham
gia vào bước quá độ này là người La Mã đã đạt tới trình độ cao của xã hội chiếm
hữu nô lệ.
Kế
thừa và phát triển Mác - Ăngghen, trong thời đại mình, Lênin nêu lên và hiện
thực hóa ở nước Nga lý luận về TKQĐ từ các quốc gia dân tộc lạc hậu tiền TBCN
riêng biệt, gián tiếp lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Nội dung cơ bản cốt
lõi của lý luận này là sử dụng kinh tế TBCN để xây dựng, phát triển LLSX cho
CNXH, tức là chính sách kinh tế mới (NEP). Tuy nhiên, khi gặp tình thế chiến
tranh quân sự khẩn cấp, khó khăn, có thù trong giặc ngoài, sự phản loạn phục
thù của tư sản, quý tộc, địa chủ bên trong hoặc sự can thiệp xâm lược bên ngoài
của CNTB, chủ nghĩa đế quốc thế giới, thì chuyển sang chính sách cộng sản thời
chiến. Trong TKQĐ gián tiếp này, hiển nhiên là CCLĐ, nền kinh tế không thể cao
hơn, mà một thời gian đầu rất dài vẫn sẽ thấp hơn hẳn so với CNTB. Vì thế Lênin
nêu rõ, sau Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga Xôviết nói CNXH chỉ là với ý nghĩa
quyết tâm xây dựng CNXH, chứ không phải đã có nền kinh tế XHCN thực sự(9).
Như
vậy, lý luận Mác - Lênin về TKQĐ làm sáng tỏ rằng, không phải CNXH, mà giai
đoạn đầu của TKQĐ nói chung, TKQĐ gián tiếp nói riêng lên CNXH thường thấp hơn
CNTB đã phát triển cao về các mặt kinh tế, LLSX, khoa học - kỹ thuật - công
nghệ, NSLĐ, CCLĐ... Điều này không mâu thuẫn, mà được hàm chứa chính trong nội
dung thống nhất, toàn diện, sâu sắc biện chứng của lý luận đó nói chung, lý
luận về TKQĐ gián tiếp nói riêng.
5. Thực chất của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”
Trên
thực tế, và cũng theo đúng lý luận Mác- Lênin về TKQĐ, Liên Xô và các nước XHCN
Đông Âu trước đây, những nước XHCN hiện nay đều chưa phải là các xã hội XHCN
thật sự. “CNXH hiện thực” thật ra chỉ là các xã hội định hướng XHCN, đang ở
TKQĐlên CNXH với những trình độ phát triển khác nhau. Hơn nữa, TKQĐ đó về thực
chất chỉ là gián tiếp. Không phụ thuộc vào những tuyên bố của chính giới, giới
học thuật tại một số nước XHCN trước đây và hiện nay, điều này đã được thực tế
lịch sử và thực tiễn cách mạng thế giới kiểm chứng, khẳng định. TKQĐ gián tiếp
này sẽ chỉ kết thúc khi nó hoàn toàn vượt qua CNTB trên toàn thế giới về mọi
mặt cả tương đối lẫn tuyệt đối, cả đồng đại lẫn lịch đại, trong tất cả các lĩnh
vực chính trị, văn hóa, xã hội, tinh thần, đặc biệt là kinh tế. Cho nên, trước
khi đạt tới trình độ ấy, trong thời gian đầu khá dài TKQĐ gián tiếp kém xa CNTB
về CCLĐ, kinh tế là điều rất bình thường, tự nhiên.
Trong
khi đấy, sau Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga đã 100 năm và sau Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã 170 năm, do sự phát triển “ngoắt
nghoéo, dích dắc của lịch sử” (Lênin) mà triển vọng về các TKQĐ trực tiếp, nửa
trực tiếp có thể vẫn còn xa. Chính bởi thế, trong những vấn đề cơ bản nền tảng
của chủ nghĩa Mác- Lênin, lý luận về TKQĐ gián tiếp trở thành một nội dung có ý
nghĩa quan trọng hàng đầu đối với hệ thống lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam
suốt từ năm 1930 tới nay. Ý nghĩa này càng tăng lên trong thời kỳ đổi mới từ
năm 1986, khi Liên Xô trước đây bắt đầu đi vào cải tổ và cắt giảm đáng kể sự
giúp đỡ đối với Việt Nam, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay. Đối với tất cả các
nước đang và chậm phát triển nói chung sau cơn địa chính trị toàn thế giới năm
1989-1991, lý luận đó cũng có ý nghĩa tương tự. Bởi vì, nếu như từ năm 1917 như
Lênin chỉ rõ, con đường đi lên CNXH của các quốc gia, dân tộc thuộc địa, phụ
thuộc lạc hậu là “liên minh chặt chẽ với nước Nga Xôviết, với các nước cộng hòa
xôviết”, tức thực hiện TKQĐ nửa trực tiếp. Thì từ năm 1991 con đường đó về cơ
bản chuyển thành TKQĐ gián tiếp, như Lênin từng vạch ra cho chính nước Nga.
Nhưng
dù mới chỉ là TKQĐ gián tiếp thì cũng chính là đã bắt đầu thực sự tồn tại con
đường đi lên CNXH. Ở đây nếu cho rằng đã có CNXH, thì sẽ là không tưởng, “tả
khuynh”, giáo điều, bảo thủ, chủ quan. Nhưng nếu coi là hoàn toàn chưa có và sẽ
không thể có CNXH, nên phải đi con đường TBCN “phù hợp với quy luật tự nhiên”,
thì lại là ngụy biện, hữu khuynh, cơ hội, thực dụng. Cả hai loại ý kiến này đều
phi biện chứng, trái với thực tế. Đặc biệt, chúng không thấy được tính đặc thù
của TKQĐ gián tiếp là, trong một thời gian đầu khá lâu dài sẽ thấp hơn CNTB về
kinh tế - kỹ thuật. Nhưng mặt khác, TKQĐ ấy dù sao cũng là con đường nhanh
nhất, chắc chắn nhất để phát triển thực sự và đi lên CNXH.
Liên
quan đến điều này, có thể thấy thêm rằng, cho đến nay vẫn tồn tại quan điểm
đồng nhất TKQĐ trực tiếp với CNXH. Nhưng với TKQĐ gián tiếp thì không thể là
CNXH được. Bởi vì, trong giai đoạn đầu nó tất yếu thấp hơn đỉnh điểm lôgíc,
chưa nói đỉnh điểm lịch sử của CNTB. Nếu TKQĐ gián tiếp chính là CNXH, và
“CNXH” này thực tế thấp hơn CNTB, thì đây là điều hoàn toàn phi lý, nghịch lý.
Nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống lý luận Mác- Lênin, do thế không thể chấp nhận
được. Rõ ràng, tư tưởng của Lênin phân biệt TKQĐ với CNXH(10), là
hoàn toàn hợp lý, đúng đắn và vô cùng sáng suốt. Nó đã bao quát chính xác, tiên
lượng thiên tài về triển vọng mang tính hiện thực cao của TKQĐ gián tiếp trong
khả năng tổng quát về TKQĐ nói chung.
Những
ý kiến nêu trên đã áp đặt một “tam đoạn luận” cho rằng: i) Tại Liên Xô, các
nước XHCN Đông Âu trước đây và những nước XHCN hiện nay đã có “CNXH đích thực”;
ii) Nhưng vì về CCLĐ, kinh tế CNXH ấy rõ ràng thấp hơn hẳn CNTB, là chế độ vẫn
đang tiếp tục phát triển ngày càng hiệu quả, mạnh mẽ; iii) Cho nên phải phủ
nhận CNXH, khẳng định CNTB. Tư duy và hệ luận này thống nhất với luồng quan
điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong nước từ gần 30 năm nay. Chúng tương
đồng, tích hợp, tổng hợp những quan điểm của các tư tưởng gia, lý luận gia “cải
tổ” nửa cuối những năm 1980 phủ nhận hoàn toàn CNXH Xôviết và của Phukuyama,
học giả Mỹ nổi danh vào năm 1989, khi cho rằng lịch sử xã hội loài người “cáo
chung” với đỉnh cao khải hoàn tột bậc là CNTB. Tư duy và hệ luận đó, từ ngộ
nhận đã đi đến đối lập với một số nội dung lý luận Mác - Lênin quan trọng, có
tính thực tiễn vừa trực tiếp cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài đối với sự nghiệp
cách mạng XHCN nước ta.
Để góp
phần khắc phục sai lầm trên và những hạn chế khác trong nhận thức về mục tiêu,
con đường lên CNXH ở Việt Nam ngày nay, từ cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, cần tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề cấp bách, thiết thực
sau:
i)
Biện chứng của quá trình hình thành, sinh thành, trưởng thành, phát triển, quá
độ, chuyển hóa, phủ định của phủ định các hình thái KTXH.
ii)
Tính đặc thù của CNXH trong toàn bộ quá trình trên.
iii)
Lý luận về các TKQĐ trực tiếp, nửa trực tiếp lên CNCS của Mác - Ăngghen, đặc
biệt là TKQĐ gián tiếp lên CNXH của Lênin.
iv)
Thực tiễn về TKQĐ gián tiếp lên CNXH: quá trình lịch sử, kinh nghiệm xôviết;
những điều kiện, khả năng mới trong giai đoạn hiện nay của thời đại ngày nay;
nội dung, đặc điểm ở Việt Nam
thời gian qua và hiện nay.
______________________
Bài
đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016
1.
Mác: Hệ tư tưởng Đức (1845 -
1846), C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn
tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94-95.
2.
Mác: Lời tựa Góp phần phê
phán khoa kinh tế chính trị (1859), Sđd, t.13, tr.15.
3.
Liên quan đến vấn đề ở đây, xem thêm: Mác: Hệ
tư tưởng Đức, Sđd; Mác: Tư
bản. Phê phán khoa kinh tế chính trị (1867), Sđd, t.23, tr.1056-1060.
4.
Mác: Tư bản, Sđd,
tr.543-545.
5.
Mác: Phê phán Cương lĩnh
Gô-ta (1875), Sđd, t.19, tr.47.
6. Mác
- Ăngghen: Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản (1847-1848), Sđd, t.4, tr.604.
7.
Mác: Những bản dự thảo thư
trả lời thư của V.I.Da-xu-lích (1881), Sđd, t.19, tr.572-603.
8.
Mác: Hệ tư tưởng Đức,
Sđd, t.3, tr.106-107.
9.
Lênin: Về bệnh ấu trĩ “tả
khuynh”...(1918), V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ,
Mátxcơva, 1978, tr.362.
10.
Lênin: Nhà nước và cách mạng
(8-9/1917), V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2005, t.33, tr.222-223, 390-391.
PGS, TS PHẠM VĂN CHÚC
Ban Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương
(Trích nguồn Tạp chí Lý luận chính trị online 26/4/2017 http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1964-bac-bo-y-kien-ngay-nay-tren-the-gioi-va-o-viet-nam-khong-the-co-chu-nghia-xa-hoi.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét