Bảo đảm và phát huy dân chủ trong chế độ một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay
Một đảng duy nhất cầm quyền như Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam hiện nay vẫn bảo đảm cho xã hội thực sự dân chủ? Hay phải như ý kiến một số người cho rằng: nhất thiết phải có nhiều đảng chính trị, thì xã hội mới có dân chủ; ngoài một đảng cầm quyền (hoặc liên minh cầm quyền) thì phải có đảng đối lập (hoặc một số đảng đối lập) thì xã hội mới có dân chủ thật sự? Và, như vậy, nhất thiết phải có đa nguyên chính trị?
1. Vấn đề dân chủ của xã hội không phụ thuộc vào số lượng các chính đảng. Hiện nay, xã hội Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất là ĐCS Việt Nam và đang là đảng cầm quyền. Điều này trên thực tế đã được toàn dân tộc Việt Nam thừa nhận và được ghi vào Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992. Sự lãnh đạo (hay cầm quyền) của ĐCS Việt Nam không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng qua các thời kỳ cam go của cách mạng. Đảng đã được nhân dân Việt Nam tin yêu, trao trọng trách dẫn đường phát triển cho dân tộc.
Thế giới đương đại ngày càng tỏ rõ vai trò rất quan trọng của các đảng chính trị đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; trong đó có vấn đề dân chủ. Dân chủ là khát vọng ngàn đời của con người; là động lực, mục tiêu của sự phát triển trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người. Hiện nay, trên thế giới có một số nước theo chế độ đa đảng; trong đó, một số nước theo chế độ lưỡng đảng thay nhau cầm quyền, có nước theo chế độ một đảng duy nhất. Trình độ dân chủ của xã hội trên thực tế ở các nước trên thế giới hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng của các đảng. Ở một số nước, nhiều đảng tranh nhau số phiếu cử tri, đấu đá nhau trên chính trường khiến xã hội rối loạn, xảy ra tình trạng vô chính phủ, mất ổn định chính trị và như vậy xã hội không bảo đảm được dân chủ. Một số nước theo chế độ đa đảng, nhưng thực chất vẫn chỉ có một đảng cầm quyền, còn lại những đảng khác tồn tại chỉ là hình thức. Một số nước chỉ có một đảng, nhưng chính trị-xã hội vẫn ổn định, vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ. Việc chỉ có một đảng hay có nhiều đảng hoàn toàn do điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước chế định. Chính vì vậy, trình độ dân chủ của xã hội nhất thiết không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít chính đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: chất lượng của chính bản thân đảng cầm quyền; chế độ chính trị của quốc gia; trình độ dân trí, mà trình độ dân trí là sự tổng hòa của các yếu tố truyền thống, học vấn, văn hóa;...
2. Bảo đảm và phát huy dân chủ của xã hội trong tình hình hiện nay ở nước ta. Việt Nam đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, theo hướng CNH, HĐH, mở cửa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, yêu cầu về dân chủ hóa trong đời sống của đất nước ngày càng cao. ĐCS Việt Nam duy nhất cầm quyền có nhiều lợi thế cho sự ổn định chính trị như thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nhưng điều đó cũng chứa đựng nguy cơ mất dân chủ. Do đó, để bảo đảm và phát huy dân chủ cho xã hội trong chế độ một đảng cầm quyền, cần chú trọng những vấn đề sau:
Nguyên TBT Nông Đức Mạnh với các đại biểu Đại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
|
Hai là, tăng cường có hiệu quả công tác dân vận, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Dân vận là vấn đề chiến lược trong quá trình hoạt động của bất kỳ chính đảng nào, nhất là trong việc bảo đảm và phát huy dân chủ đối với xã hội. Hệ quả vị trí và vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là: tuyệt đại đa số những người có chức, có quyền là đảng viên; do đó, dễ làm cho họ xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Đồng thời, trên thực tế, khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực của xã hội trong vai trò cầm quyền, có một số tổ chức Đảng và đảng viên không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân. Vai trò cầm quyền của Đảng lẽ ra phải được nhận thức và phải được thực thi là: cái quyền mà ĐCS Việt Nam cầm là quyền từ dân giao cho, uỷ thác cho; nhưng trên thực tế không phải đảng viên nào cũng nhận thức và thực thi theo nghĩa như vậy. Quyền lực của dân đứng ở vị trí tối thượng trong hệ thống quyền lực của đất nước. Tất cả quyền lực trong xã hội đều được cấu tạo trên cơ sở quyền lực của nhân dân và đều xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân dân. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều phải nhằm vào lợi ích của dân. Nhưng quyền lợi phải luôn luôn đi đôi với nghĩa vụ. Đây là vấn đề xuất phát từ quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ: dân là chủ và dân làm chủ, cả hai vế này đều quan trọng như nhau và thành một thể thống nhất. Dân vận, trước hết phải quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”1. Trong công tác dân vận phải thực hành phong cách Hồ Chí Minh: "Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc"2. Bệnh quan liêu là bệnh thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền nếu cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện phong cách công tác cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm. Chính là bệnh quan liêu cộng với bệnh tham ô, bệnh lãng phí đã bị Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, nó nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám. Với vị trí quyền lực cao, con người ta dễ trở nên mất dân chủ, quên đi cội nguồn quyền lực mà bản thân mình có. Trong cuộc sống “số” hiện nay, khi mà những tiến bộ của khoa học và công nghệ cho phép giao tiếp của con người nhanh hơn, phong phú hơn thì chính bi kịch lại diễn ra: người lãnh đạo dễ bị xa dân nhất.
Ba là, tăng cường dân chủ trong Đảng để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Ở nước ta, nói tới dân chủ đối với xã hội, trước hết phải nói tới việc bảo đảm và phát huy dân chủ ngay trong Đảng ta; đây là cái gốc của vấn đề. Trình độ dân chủ của xã hội phụ thuộc vào điều kiện tiên quyết từ trình độ dân chủ trong Đảng. Toàn bộ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng ta được đặt trong sự chế định của nguyên tắc tập trung dân chủ, của học thuyết Mác - Lê-nin. Chỉ khi nào Đảng thực hiện tốt nguyên tắc đó, thì mới tạo được điều kiện cho việc bảo đảm và phát huy dân chủ ở xã hội. Trên thực tế, những năm qua, vẫn còn một số tổ chức Đảng đã không thực hiện tốt nguyên tắc này; vừa thiếu tập trung đúng đắn, vừa thiếu dân chủ thực sự. Một Đảng “là đạo đức, là văn minh” theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, phải làm cho tất cả mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình với Đảng; khi đã thảo luận dân chủ, ra được nghị quyết, thì mọi đảng viên phải tập trung thực hiện thắng lợi nghị quyết; như thế, quyền dân chủ là quyền phục tùng chân lý. Một Đảng cầm quyền, phải thật sự chú trọng phòng tránh, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, mệnh lệnh, cửa quyền, để đảm bảo Đảng không những là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn đại diện cho cả lợi ích nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Trong kết cấu quyền lực của xã hội Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thì mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân nắm mọi quyền lực thông qua Nhà nước do dân lập nên. Nhà nước ta là Nhà nước thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Do vậy, Nhà nước trở thành trung tâm quyền lực của xã hội Việt Nam. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, quan điểm, các nghị quyết của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; bố trí cán bộ cho bộ máy nhà nước và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước, mà lãnh đạo để Nhà nước phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo trong quản lý đất nước và xã hội...
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu về công tác cán bộ. Điều này có mâu thuẫn với việc bảo đảm và phát huy dân chủ cho xã hội không? Về nguyên tắc, điều này không có gì mâu thuẫn với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Và với vai trò như vậy, ĐCS Việt Nam là người chịu trách nhiệm cuối cùng, lớn nhất đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Vấn đề là ở chỗ, trong thực tế hoạt động lãnh đạo công tác cán bộ, Đảng phải cụ thể hoá bằng những cách thức như thế nào cho phù hợp với từng thời kỳ.
Cùng với đó, Đảng ta cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng cần chú trọng vào việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hoạt động theo đúng định hướng chính trị và pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, để thực sự phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, Đảng cần chú trọng lãnh đạo nâng cao tính hiệu quả, thiết thực trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong hoạt động, tránh căn bệnh hành chính. Một đảng duy nhất, đóng vai trò cầm quyền, nhưng phải tôn trọng tính chất hiệp thương chính trị của Mặt trận. Muốn bảo đảm vai trò là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc phát triển, Đảng phải có những phương thức lãnh đạo thích hợp, hiệu quả để bảo đảm và phát huy dân chủ xã hội; đắm mình vào cuộc sống sôi động, phong phú trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam...
Làm tốt những vấn đề đó, Đảng ta sẽ đủ sức lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và đó sẽ là lời khẳng định đanh thép nhất: ở Việt Nam duy nhất chỉ cần ĐCS Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo vẫn bảo đảm và phát huy dân chủ; Việt Nam không cần đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh
_________
1-Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 698.
2- Sđd, tr. 699
http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/bao-dam-va-phat-huy-dan-chu-trong-che-do-mot-dang-cam-quyen-o-nuoc-ta-hien-nay/261.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét