Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

VIỆT NAM CHỐNG LẠI TỰ DO TÔN GIÁO – MỘT CÁCH NHÌN XUYÊN TẠC



                                                               C.B
Gần đây trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam với nội dung chủ đạo được tung hô là: Không có tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những bộ luật tôn giáo đều thể hiện một tinh thần chống lại tôn giáo, theo một nguyên tắc của ý thức hệ cộng sản đó là cho rằng tôn giáo là thuộc phiện của nhân dân, một điều không tốt. Đó là những tư tưởng không đúng đắn, cố tình xuyên tạc về thực trạng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cũng như xuyên tạc những tiến bộ trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về tôn giáo như Nghị quyết số 25/BCHTƯ lần thứ 7 khóa IX Về công tác tôn giáo (năm 2003), Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm (2004), Nghị định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) và Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin Lành (năm 2005)… đặc biệt là Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018  được ban hành trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại mục 1, Điều 6, chương 2: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào; và mục 2: Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo… quan điểm đó khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam không thể hiện tinh thần chống lại quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngược lại, thông qua công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân để chỉ rõ: Đảng và Nhà nước Việt Nam thi hành nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân. Với luận điểm “Mỗi người đều có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo” đã chỉ rõ tất cả mọi người, người theo tín ngưỡng, tôn giáo cũng như người không theo một tôn giáo nào đều có quyền bày tỏ công khai, tự do niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Thực tiễn đã minh chứng, hiện nay có rất nhiều người đi lễ chùa, trở thành phật tử nhưng lại không theo Phật giáo, mọi người đến lễ chùa đơn giản vì họ cần tìm ở đó sự an bình trong tâm trí và đi lễ chùa cầu an đầu năm, vào các ngày rằm, giờ đây dường như trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới đã mở rộng phạm vi chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”, điều đó thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người; cùng với đó, Luật đã dành một chương (chương II) để quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những nội dung đó đã nhất quán khẳng định chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Có thể khẳng định, nhận thức của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo từ lịch sử đến hiện tại đã thể hiện rõ tính kế thừa, sáng tạo, khoa học và có sự vận động, phát triển rõ nét. Chính sách tôn giáo đúng đắn và sáng tỏ đó có tác dụng cổ vũ động viên to lớn, khiến đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo vui vẻ, phấn khởi hòa hợp cùng cả đồng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chính là nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, thể hiện sự tôn trọng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, hướng đến củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững độc lập dân tộc, đưa đất nước ta ngày càng phát triển bền vững chứ không phải sự bảo thủ, lạc hậu trì trệ, chống lại tự do tôn giáo như các luận điệu trên các trang mạng xã hội đã khẳng định./.



1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa