Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

LIỆU CÓ SỰ SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC VỀ “BÃI BỎ SỞ HỮU TƯ NHÂN KHÔNG” ?




Trong bài viết: “Ba sai lầm chết người và một lời hứa vô căn cứ của Karl Marx”, Phạm Nguyên Trường đã đưa ra cái gọi là sai lầm nghiêm trọng của Chủ nghĩa Mác là “bãi bỏ sở hữu tư nhân”.
Hãy xem cách ông ta lập luận:
Ông ta dẫn chứng: “Trong tất cả các loài động vật sống thành bày đàn/xã hội, chỉ có ba loài là ong, kiến, mối là toàn tâm toàn ý, sống chết với đàn mà thôi. Các thành viên của những loài động vật sống thành bày khác như trâu rừng, linh dương đầu bò, chó sói, sư tử… tuy sống trong đàn, nhưng vẫn giữ cho mình mức độ độc lập nhất định, thậm chí nếu bị con đầu đàn o ép quá thì có thể bỏ đi. Loài người cũng như thế. Không có người nào muốn để cho người khác chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình. Chỉ có một khác biệt: con người không thể bỏ xã hội, con người giữ độc lập bằng cách có sở hữu riêng. Đấy là lý do câu châm ngôn của người Anh: “Nhà tôi là pháo đài của tôi”.”. Nói vậy, Ông ta tưởng mọi người nghĩ mình tài giỏi lắm, là người am hiểu khoa học lắm, khi cho rằng chỉ có ba loài là ong, kiến, mối là sống thành bầy đàn và toàn tâm, toàn ý sống chết với đàn, nhưng sau đó tự mình khẳng định các loài vật khác sống trong đàn nhưng không độc lập. “Con người giữ độc lập bằng cách có sở hữu riêng” ? Mới nghe có vẻ đây là phát kiến của ông ta, xin thưa cái luận điệu ông nói ngay từ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thanh toán nó xong rồi. C.Mác viết, Người ta trách những người cộng sản chúng tôi là muốn xóa bỏ sở hữu mà người ta bảo là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân.
Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra ư! Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xóa bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xóa bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xóa bỏ cái đó rồi.
Hay là người ta muốn nói đến chế độ tư hữu tư sản hiện thời?
Nhưng phải chăng lao động làm thuê, lao động của người vô sản, lại tạo ra sở hữu cho người vô sản? Tuyệt đối không. Nó tạo ra tư bản, tức là cái sở hữu bóc lột lao động làm thuê, cái sở hữu chỉ có thể tăng thêm với điều kiện là phải sản xuất ra lao động làm thuê mới để lại bóc lột lao động làm thuê đó.”[1]. Và “Các ông hoảng lên, vì chúng tôi muốn xóa bỏ chế độ tư hữu. Nhưng trong xã hội hiện nay của các ông, chế độ tư hữu đã bị xóa bỏ đối với chín phần mười số thành viên của xã hội đó rồi; chính vì nó không tồn tại đối với số chín phần mười ấy, nên nó mới tồn tại được. Như vậy, các ông trách chúng tôi là muốn xóa bỏ một hình thức sở hữu chỉ có thể tồn tại với điều kiện tất yếu là tuyệt đại đa số bị tước mất hết mọi sở hữu.
 Nói tóm lại, các ông buộc tội chúng tôi là muốn xóa bỏ sở hữu riêng của các ông. Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn.
Khi mà lao động không còn có thể biến thành tư bản, thành tiền bạc, thành địa tô, tóm lại, thành quyền lực xã hội có thể biến thành độc quyền được, nói tóm lại, khi mà sở hữu cá nhân không còn có thể biến thành sở hữu tư sản được nữa thì lúc đó, các ông tuyên bố rằng cá nhân bị thủ tiêu.
Như vậy là các ông thú nhận rằng khi các ông nói đến cá nhân, là các ông chỉ muốn nói đến người tư sản, người tư hữu tư sản mà thôi. Mà cái cá nhân ấy thì chắc chắn là cần phải thủ tiêu đi.
Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen còn viết nhiều hơn nữa để trả lời thuyết phục, những phản biện có tầm lý luận sâu sắc, học thuật gấp ngàn lần (chứ không kiểu nghe hơi, ngây ngô như ông). Ông Trường nên vào mạng tìm đọc cho đầy đủ toàn bộ tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chứ chưa cần đọc hết tất cả các tác phẩm khác của C.Mác và Ph.Ăngghen mà cũng cần phải đọc thật kỹ đi, bởi ngay cái luận đề ông đưa ra cũng đã sai lệch tư tưởng của chủ nghĩa Mác.
Dẫn chứng ra vẻ am hiểu lý luận của Phạm Nguyên Trường: “Không có sở hữu tư nhân, không thể tự kiếm sống, con người trở thành nô lệ. Cả xã hội đều là nô lệ. Đấy là lí do vì sao trong lòng xã hội dựa trên sở hữu tập thể luôn luôn và bao giờ cũng có những người đứng lên chống lại nó. Đấy là những người còn giữ được tính người, còn chứa trong tim mình khát vọng tự do, tự chủ. Số người đứng lên chống lại cái xã hội phi nhân đó, trái với suy nghĩ của các ông trùm cộng sản, lại ngày càng đông thêm. Nếu có xã hội bên ngoài để người ta so sánh thì thời gian tồn tại của xã hội dựa trên sở hữu tập thể sẽ không thể lâu. Đấy là lí do vì sao các xã hội dựa trên sở hữu tập thể phải dựng lên những bức màn sắt, nhằm ngăn chặn cả con người lẫn thông tin, nội bất xuất ngoại bất nhập”, đọc lên đã thấy sự ngu dốt. Ông ta có biết rằng cả một thời kỳ dài của xã hội cộng sản nguyên thủy, phải chăng con người ta không tự kiếm sống được (mà con người đến giờ vẫn tồn tại) và đều là nô lệ hết, đúng là “không biết thì đừng thưa thốt”. Ông ta đang không có mắt, hay là nhắm mắt phát biểu liều mà dám nói sở hữu tập thể thì con người trở thành nô lệ. Người ta nô lệ cho ai? Và chế độ nô lệ, những người nông dân, những công nhân làm thuê có là nô lệ không và những người như họ đang sống ở thời kỳ nào, chế độ nào vậy? Chế độ sở hữu tư nhân đấy thưa ông Phạm Nguyên Trường. Còn cái gọi là “xã hội sở hữu tập thể thì luôn có người đứng lên chống lại”, nói như vậy, mà ông không thấy ngượng mồm thì quả thật là người đứt mất dây thần kinh xấu hổ. Thử hỏi trên thế giới từ khi xã hội có giai cấp, có sở hữu tư nhân đến nay có bao nhiều cuộc đấu tranh, bao nhiêu lần chiến tranh nổ ra, và đó là những cuộc chiến vì cái gì? Không cần phải nghĩ cũng đã thấy có hơn một vạn cuộc đấu tranh, và bản chất của các cuộc đó đều là số đông những người không có của, không có sở hữu chống lại một số ít người có của, có sở hữu tư nhân đấy ông Trường ạ.
Không có sở hữu tư nhân, người ta không thể mạo hiểm với những quy trình sản xuất hay sản phẩm mới. Lưỡi gươm: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng lúc nào cũng treo ngay trên đầu. Tất tất đều phải chờ chỉ đạo của cấp trên. Xã hội không thể nào phát triển được”. Luận cứ thật ngây thơ không bằng một đứa trẻ, sở hữu tư nhân hay sở hữu tập thể tạo ra sự mạo hiểm cho những sáng tạo mới? không cần suy nghĩ lâu cũng có thể trả lời được rằng, đối với sở hữu tư nhân vấn đề đầu tiên đặt ra bao giờ cũng phải là có lợi nhuận hay không có lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì một xu chúng cũng không chịu bỏ ra đầu tư, chứ chưa nói đến chuyện mạo hiểm cho những sản xuất mới và sản phẩm mới. Thực tế ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, chủ yếu là nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận đứng ra và đầu tư cho các công trình, sản phẩm mà ngay từ khi bắt đầu dự án đã biết rõ rằng đó là sự mạo hiểm, đó là con số không cho kết hoặc là sự hiệu quả, lợi ích kinh tế thấp. Ở đây, sự đầu tư vì cộng đồng, vì nhân loại và lợi ích lâu dài trong tương lai, chứ không hoàn toàn vì lợi nhuận như các nhà tư bản. 
Còn nữa, theo Ông ta: “Những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật cảm nhận được chuyện này rõ ràng nhất. Bộ trưởng văn hóa có là người tài giỏi và phóng khoáng đến đâu thì cũng chỉ là người thích một số bộ môn nào đó mà thôi. Những bộ môn không được ông/bà ta ưa thích tất nhiên là sẽ không được nhà nước tài trợ và không phát triển được. Chỉ có xã hội dựa trên sở hữu tư nhân, tức là chính người nghệ sĩ là những người giàu có hoặc được những người giàu có tài trợ thì nghệ thuật mới đa dạng và đơm hoa kết trái”. Dẫn chứng này lại càng nực cười hơn, bởi lẽ, các nghệ sĩ và những người giàu có là người tài giỏi và phóng khoáng đến mức thích tất cả các môn chăng để họ đầu tư tài trợ cho nghệ thuật đa dạng đơm hoa kết quả? Rồi nữa, trong bộ máy quản lý giúp cho Bộ trưởng văn hóa có những nguyên tắc riêng về cơ cấu các thành viên ở các ngành nghệ thuật, để bảo đảm phát triển toàn diện và chịu sự giám sát, phản biện của xã hội, chứ đâu có phải là người có tiền “mình thích thì mình làm thôi” mà giới trẻ trâu hay nói.
Với những luận cứ và cách lập luận như vậy, mà Ông dám rút ra kết luận: “xã hội dựa trên sở hữu tập thể là xã hội đơn điệu, nghèo nàn, bàng bạc, thiếu sức sống, thậm chí là thoái hóa dần cả về vật chất lẫn nhân cách” thì quả thật là hồ đồ, ngu muội hết chỗ nói, một sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác thô bỉ.
Thiện Trí






[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.616.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.618.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa