Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Chủ động giúp giới trẻ dân tộc thiểu số phòng chống “diễn biến hòa bình”


Biên phòng - Vùng miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nên từ trước đến nay, các thế lực thù địch, phản động luôn coi các vùng này là một trọng điểm trong thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” (“DBHB”). Vì vậy, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “DBHB”, nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở vùng miền núi, DTTS, đặc biệt là đối với giới trẻ DTTS, là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp bách hiện nay.
091j_8a
 Thanh niên vùng DTTS tiếp cận với thông tin lành mạnh, bổ ích là một giải pháp thiết thực nhằm tránh xa luồng thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch mưu đồ thực hiện “diễn biến hòa bình” ở vùng miền núi, vùng DTTS ở nước ta. Ảnh: Viết Tôn
Những vấn đề đáng quan ngại
Việt Nam có 53 DTTS với tổng dân số chiếm khoảng 14% số dân cả nước. Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo ở các vùng miền núi, DTTS đã đạt được những kết quả to lớn, kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ cao, mặt bằng dân trí không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ở nhiều địa phương thuộc vùng miền núi, DTTS, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi trên 70%. Điều đáng quan ngại là cho đến nay, tại các vùng miền núi, DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn so với thành thị, đồng bằng...
Xuất phát từ những đặc điểm này, các thế lực thù địch, phản động luôn coi các vùng miền núi, DTTS là một trọng điểm trong chiến lược “DBHB”. Chúng lợi dụng triệt để những nhân tố tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đồng bào trước những khó khăn như: Thiếu đất sản xuất, tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, các mối quan hệ kinh tế - xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng thay đổi, biến dạng... để đẩy mạnh việc tuyên truyền quan điểm sai trái qua các kênh thông tin, nhất là qua mạng internet. Đối tượng mà chúng đặc biệt quan tâm, tập trung nhắm đến là giới trẻ, vốn là những người được tiếp cận với công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội và dễ bị “tổn thương” về mặt tư tưởng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù giới trẻ DTTS đã có nhận thức rõ hơn bản chất và âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong việc đẩy mạnh thực hiện “DBHB” ở nước ta nói chung, vùng miền núi, DTTS nói riêng, nhưng do sự tác động từ bên ngoài và hoạt động của các đối tượng xấu ở bên trong đã làm cho một bộ phận trong số họ nhận thức chưa đúng đắn về chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Thậm chí, nhiều người trẻ có nơi, có lúc còn tỏ ra nghi ngờ với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngại tiếp xúc, tham gia với các phong trào đoàn, hội ở địa phương.
Điều đáng quan ngại là trước những khó khăn trước mắt về kinh tế - xã hội ở nơi cư trú, nhất là tác động tiêu cực của các “thông tin đen” về các vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, không ít người trẻ là người DTTS còn dao động, tin theo sự lừa bịp của kẻ địch. Đặc biệt, có những bạn trẻ nhận thức, tư tưởng còn lệch lạc, sống thực dụng, ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, vi phạm pháp luật, thậm chí bị lôi kéo vào những hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia…
“Chìa khóa” giúp giới trẻ DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng
Trước hết, phải khẳng định rằng, đại đa số thanh niên Việt Nam nói chung, ở miền núi, DTTS nói riêng luôn có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có nhận thức chính trị đúng đắn. Song, như trên đã nói, hiện còn một bộ phận thanh niên có bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng, nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn hạn chế nên dễ bị mắc mưu các thế lực thù địch, nhất là trong bối cảnh chúng đang tìm mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các vùng miền núi, DTTS.
Về vấn đề này, khi tiến hành triển khai xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng đã khẳng định, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 trong đoàn viên, thanh niên, giới trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do vậy, cũng như đối với thanh niên trên cả nước, đối với giới trẻ ở miền núi, vùng DTTS, để có thể giúp họ có “sức đề kháng” tốt trước các “đòn hiểm” của chiến lược “DBHB”, thì phải coi trọng phòng hơn chống.
Nói cách khác, phải làm sao giúp họ nhận diện được âm mưu của các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị qua đó, làm thất bại mọi thủ đoạn nhằm “tẩy não”, làm chuyển hóa tư tưởng, gây ra lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, dẫn tới quá trình “tự diễn biến”. Muốn vậy, cùng với việc tạo cơ hội để thanh niên DTTS được học tập, được làm việc, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn ở cơ sở, giúp họ hòa nhập phong trào thi đua lao động, sáng tạo và cống hiến. Về phía cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền chống “DBHB” của các thế lực thù địch đối với giới trẻ là người DTTS trên địa bàn.
Một công việc cần ưu tiên chú trọng là phải phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền ở vùng DTTS với phương châm hướng về cơ sở, sát với cơ sở, gần gũi với các đối tượng, nhất là giới trẻ. Công tác tuyên truyền cần đổi mới theo hướng nhạy bén, làm chủ được các nguồn thông tin, không được để khoảng trống thông tin tồn tại trong vùng miền núi, DTTS. Cần có các giải pháp phù hợp, chẳng hạn như tăng diện phủ sóng phát thanh, truyền hình, tăng thời lượng, chất lượng phát sóng, bố trí nội dung phát sóng phù hợp, tăng cường sử dụng pa nô, áp phích, tranh cổ động cũng như tuyên truyền miệng để đưa thông tin chính thống đến được mọi tầng lớp dân cư, nhất là đối với tầng lớp thanh niên là người DTTS trên địa bàn. Một vấn đề quan trọng khác là phải xây dựng bầu không khí dân chủ lành mạnh, cởi mở trong đồng bào DTTS nói chung, giới trẻ nói riêng, tạo niềm tin để họ có thể thẳng thắn trao đổi, nói thật, nói hết những tâm tư, nguyện vọng của mình...
Về phần mình, mỗi thanh niên DTTS phải đề cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật, đồng thời biết nhanh nhạy, nắm bắt, tự trang bị cho mình những kiến thức, hiểu rõ được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước ta thông qua các thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở vùng miền núi, DTTS, không để những đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo dẫn tới sa ngã.
Những người trẻ DTTS cũng cần không ngừng học hỏi, rèn luyện, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống có mục tiêu, lý tưởng, có tinh thần cống hiến, phát huy sức trẻ, năng động, sáng tạo, vững vàng trong cuộc sống. Làm được như vậy, mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động nhằm tha hóa, khống chế về mặt tinh thần đối với giới trẻ người DTTS chắc chắn sẽ bị vô hiệu hóa.
Nguyễn Đình Hùng

1 nhận xét: