Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

“KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ” ĐẤU TRANH BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI



HỒNG QUÂN
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhận định: Trên thế giới, trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng,... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Song, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. “Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại,Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định”.[1]
Tình hình trên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[2]. Tính chất “trọng yếu, thường xuyên” của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được thể hiện từ chủ đề của Đại hội: Tăng cường xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại[3]. Thành tố mục tiêu quốc phòng, an ninh lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Đại hội, đây là sự phát triển mới về nhận thức, phản ánh sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam hiện nay. Từ phương pháp luận của biện chứng giữa lượng - chất, Đảng ta đặt ra yêu cầu, nguyên tắc, phương châm hành động với các chủ thể là phải kiên quyết, kiên trì trong bảo vệ tổ quốc, đây là điểm mới luôn gắn liền với tất cả các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh của Văn kiện của Đại hội XII. Được Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh trong nhiệm vụ trọng tâm thứ 4: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”[4].
Chất mới ra đời ban đầu bao giờ cũng còn non yếu, là kết quả của quá trình quanh co, phức tạp của sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới song là cái tất thắng, cần kiên quyết hướng tới. Độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc là lợi ích tối cao, bất khả xâm phạm của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc là chất - mục tiêu hướng tới của nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, phát triển qua từng thời kỳ lịch sử. Với Việt Nam điều đó còn thiêng liêng hơn bởi nó là sự hun đúc mấy nghìn năm lịch sử cha ông ta đã phải kiên quyết giành và giữ vững, dựng nước đi đôi với giữ nước trở thành quy luật tồn tại và phát triển xuyên suốt của dân tộc ta, “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Trong tình hình mới, bảo vệ độc lập, chủ quyền, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc trở nên nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn, khi quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị các “thế lực lớn mạnh” bên ngoài chiếm đóng và ngày càng gia tăng các hoạt động gây hấn, cùng với nhiều biến động phức tạp khác. Thái độ và hành động kiên quyết biểu thị tính chất khó khăn, phức tạp và quyết tâm giữ vững chất - mục tiêu bảo vệ tổ quốc của Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Bối cảnh phức tạp hiện nay và thời gian tới, cần “Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế - xã hội trong mọi tình huống”[5] làm cơ sở để tăng cường nguồn lực mọi mặt để kiên quyết hướng tới mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Kiên quyết trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ở Việt Nam hiện nay còn là kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc có sự thống nhất về mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặt khác, xem xét xã hội với tính cách là một chỉnh thể sống động, các nhà kinh điển mác xít đã vạch ra tiến trình lịch sử - tự nhiên của loài người với sự ra đời tất yếu của một xã hội mới về chất - Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy ở Việt Nam, cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa, chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giải phóng triệt để con người, mới tránh được tình trạng như giai cấp vô sản phương Tây trước đây đã cách mạng một lần rồi mà vẫn muốn cách mạng một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một xã hội tốt đẹp, với chất như thế và sự  phải kiên quyết tiến tới, phải kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, mục tiêu “dĩ bất biến” của cách mạng Việt Nam.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không phải thẳng tắp, trải đầy hoa hồng, mà nó quanh co, phức tạp. Với sự chống phá điên cuồng bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...”[6]. Nếu không kiên quyết, sẽ không bảo vệ được thành quả cách mạng và không đi tới được bến bờ thắng lợi, V.I.Lênin đã từng nhắc nhở những người Cộng sản: Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ. Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc là nguyên tắc chiến lược, là lợi ích tối cao hiện nay và trong tương lai.
Nhấn mạnh kiên quyết, và đặt trong sự thống nhất với kiên trì, vì, mọi sự vật, hiện tượng bao giờ cũng là sự thống nhất của chất và lượng. Chất mới chỉ ra đời khi sự biến đổi về lượng đạt đủ độ và đến điểm nút. Sự biến đổi về lượng bao giờ cũng là quá trình dần dần nhỏ nhặt, là liên tục giải quyết mâu thuẫn của các mặt, các yếu tố. Để chất mới ra đời, trong lĩnh vực xã hội, các chủ thể cần phải kiên trì tích lũy về lượng, phải “năng nhặt chặt bị”, “tích tiểu thành đại”. Sự thống nhất “kiên quyết” và “kiên trì” trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, là sự thống nhất nhận thức và hành động giữa mục tiêu (chất mới) hướng tới và cách thức (kiên trì) tiến hành đạt mục tiêu, là sự kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược và linh hoạt mềm dẻo về sách lược.
Kiên trì là phương pháp luận rút ra từ sự biến đổi về lượng bao giờ cũng dần dần, nhỏ nhặt; là sự cố gắng nỗ lực từng bước để đạt tới chất mới - mục tiêu nhất định; là bước đi phù hợp đấu tranh để kiên quyết “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”[7]; là “dĩ bất biến” ứng với từng bối cảnh. Chỉ có kiên trì “phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế”[8], mới tích lũy được sức mạnh các yếu tố của tiềm lực, thế trận của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; mới kết hợp sức mạnh của kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; sự tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, ... tạo nên chất - sức mạnh tổng hợp đủ để đương đầu, đọ sức với các đối tượng, thế lực thù địch vốn dĩ lớn hơn ta rất nhiều. Đó cũng là cơ sở tạo ra chất - sức mạnh tổng hợp quốc phòng, an ninh để “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”[9]. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh sự kiên trì của dân tộc ta  trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời kỳ Bắc thuộc, triều đại phong kiến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn.
Kiên trì còn là phương pháp luận rút ra từ sự phản ánh nhận thức về thời kỳ chuẩn bị, tích lũy cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm từ một nước phong kiến lạc lậu, nửa thực dân; là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản với thuận lợi của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan song cũng đầy khó khăn nguy cơ, thách thức, do đó không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi phải rất kiên trì, nỗ lực không ngừng. Có như vậy, mới thực hiện được mục tiêu, lý tưởng kiên quyết mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra.
Với tính cách là thái độ, hành động kiên quyết đạt mục tiêu, kiên trì cần được quán triệt và thực hiện trong các giải pháp đồng bộ về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong kết hợp các mặt, các lĩnh vực xã hội với quốc phòng, an ninh; trong tăng cường hợp tác quốc tế; “trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm; sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”[10]; trong “Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế"[11].
Kiên quyết, kiên trì luôn là chỉnh thể thống nhất trong phương pháp luận nhận thức và hành động của các chủ thể. Kiên quyết không đồng nghĩa với nóng vội, chủ quan đạt được bằng mọi giá, kiên trì không đồng nghĩa với nhân nhượng, thỏa hiệp, trông chờ ỷ lại. Kiên quyết, kiên trì là phương châm chỉ đạo xuyên suốt thực hiện mục tiêu tổng quát mà Đại hội lần thứ XII đặt ra: “đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[12].




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.70-75.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.148.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.11.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.433.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.150.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.429.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.148.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.147.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.149.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.148.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.148.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.430.

1 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa