Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ DỰ BÁO VỀ TOÀN CẦU HOÁ




Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1847, Đại hội lần thứ hai của “Đồng minh những người cộng sản” đã thảo luận và thông qua những nguyên lý của Chủ nghĩa cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày, bảo vệ. Trên cơ sở sự nhất trí ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen được Đại hội ủy thác thảo ra bản tuyên ngôn chính thức. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã được soạn thảo xong vào tháng 2 năm 1848 và được xuất bản lần đầu tiên vào trung tuần tháng 3 năm 1848.- “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời không những là kết quả của trình độ chín muồi của những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội đương thời mà còn là sự kết tinh những tinh hoa trí tuệ của loài người và là công lao sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen. Sự ra đời của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ có giá trị to lớn về mặt tư tưởng, lý luận đánh dấu một bước chuyển biến lịch sử của phong trào công nhân quốc tế mà tư tưởng của Tuyên ngôn còn là chỉ dẫn quý báu cho những nghiên cứu về toàn cầu hóa hiện nay.
Dự báo về toàn cầu hóa trong Tuyên ngôn đã được chính các học giả phía bên kia đánh giá cao. Giáo sư triết học Mỹ Phil Gasper (Đại học Notre Dame de Namur của California) cho rằng công trình lý luận ấy vẫn còn nguyên giá trị: Chủ nghĩa Mác có ảnh hưởng sâu rộng tới những trào lưu tư tưởng và có tác động mạnh mẽ tới lịch sử nhân loại kể từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay. Những phân tích và luận điểm của Mác về quá trình phát triển của xã hội loài người đều đi trước thời đại và vì thế ngày nay vẫn có giá trị thời sự hơn bao giờ hết trên thế giới. Cùng quan điểm đó, nhà triết học người Đức và là chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, Wolfgang Fritz Haug cho rằng những gì Mác viết trong "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi đối với người đương thời và "có những đoạn đọc tưởng như thể Mác có một "cỗ máy thời gian" để vượt lên trước và miêu tả ngày nay chúng ta đang sống như thế nào".
Max Webber, nhà lý luận chính trị người Đức và tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, đã chỉ rõ tính chất toàn cầu hoá của sự phát triển. Webber viết: Không có những phân tích của C.Mác, không thể hiểu được chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hoá, không thể đi tới được những kết luận có cơ sở về cái lợi và bất lợi. Những nghiên cứu của C.Mác về toàn cầu hoá có giá trị lâu bền nhất vì chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản rất năng động nhưng sự năng động này gây ra khủng hoảng như chúng ta thường xuyên chứng kiến. Năm 1998, một bài báo đăng trên tờ Người New York nhân kỷ niệm 150 năm ngày “Tuyên ngôn cộng sản” ra đời đã tuyên bố về “Sự trở lại của Karl Marx”: Những mâu thuẫn mà ông nhìn thấy trong thời đại CNTB Victoria... đang bắt đầu tái xuất hiện dưới nhiều hình thức mới, như những con virus biến thể. (C.Mác) đã viết những đoạn văn mê hoặc về toàn cầu hóa, bất bình đẳng, tham nhũng chính trị, chủ nghĩa độc quyền, tiến bộ công nghệ... Đó là những vấn đề mà các nhà kinh tế học hiện nay đang phải đối mặt, mà đôi khi họ không nhận ra rằng mình đang đi theo bước chân của C.Mác.
Trong tác phẩm được bán chạy nhất thế giới: “Thế giới phẳng” tác giả của nó cũng phải thừa nhận rằng thế giới phẳng đã được C.Mác đề cập từ năm 1848 rồi và Thomas L.Friedman đã trích dẫn hơn một trang để chứng minh cho điều đó: “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội… Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất.”[1]
Mặc dù các quan điểm trên đã làm rõ một mặt của sự toàn cầu hóa mà Tuyên ngôn đề cập đến, nhưng đấy chỉ là góc độ họ khai thác trên lập trường giai cấp của họ. Một thực tế là Tuyên ngôn đã vượt xa tầm đó, nó phác thảo quá trình chủ nghĩa tư bản làm đảo lộn những tầm nhìn hạn hẹp và sản sinh ra những kỳ tích công nghệ. Điều đó làm cho quá trình “toàn cầu hoá tư bản”  càng nhanh mà thực tế không thể đảo lộn được. Nhưng Tuyên ngôn cũng mô tả chủ nghĩa tư bản như là một hệ thống ngày càng vuột khỏi tầm kiểm soát. Như vậy, toàn cầu hoá đó sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng vô sản cũng mang tính toàn cầu.
Chủ nghĩa tư bản tập trung của cải và quyền lực trong tay một thiểu số người, tạo ra số lớn những người nghèo đói, biến cuộc sống thành cuộc kiếm cơm thường nhật, khiến đa số con người không còn phát huy được những tiềm năng sẵn có của mình và trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên gây tổn thất lớn cho xã hội. Theo báo cáo thường niên năm 2017 của Tổ chức từ thiện Oxfam International về chênh lệch giàu nghèo trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Theo đó, 42 người giàu nhất thế giới hiện sở hữu 50% số tài sản toàn cầu và tương đương 3,7 tỷ người nghèo nhất. Oxfam cũng cho biết năm 2017, các tỷ phú đã được tạo ra với tốc độ kỷ lục. Trung bình 2 ngày, thế giới có thêm một người có tài sản tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của 50% người nghèo nhất không tăng lên. Năm 2017, 82% số tài sản toàn cầu tăng lên là về tay 1% người giàu nhất.
Winnie Byanyima - Giám đốc Oxfam International nhận xét: "Sự bùng nổ tỷ phú không phải dấu hiệu của một nền kinh tế thịnh vượng, mà là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại". Ông cho rằng những người "làm quần áo, lắp ráp điện thoại và nuôi trồng thực phẩm cho chúng ta" đang bị bóc lột để làm giàu cho các tập đoàn và người siêu giàu. Nói cách khác, giai cấp tư sản đang vắt kiệt “giá trị thặng dư” hơn bao giờ hết từ những người đang làm việc cho họ, khiến những người thường tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào nếu không được trả lương. Chủ nghĩa tư bản tạo điều kiện cho lòng tham, sự cạnh tranh và tính hung hãn phát triển mạnh thêm. Nó làm xói mòn những mối quan hệ của con người, làm những mối quan hệ ấy chỉ còn dựa vào “những sở thích cá nhân trần tục” và “sự thanh toán tiền bạc nhẫn tâm” như “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” đã viết. Ngày nay, việc tìm kiếm lợi nhuận đang đe dọa phá hủy tất cả những thứ trên đường đi của nó, kể cả môi trường tự nhiên toàn cầu.
Sự bành trướng không ngừng của chủ nghĩa tư bản không chỉ làm lung lay các mối quan hệ xã hội mang tính toàn cầu của nó, mà không sớm thì muộn chính nó cũng sẽ làm xói mòn những điều kiện phát triển kinh tế. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống mà trong đó những cuộc khủng hoảng kinh tế có tính tàn phá nặng nề là điều không thể tránh khỏi, vì thế mà hệ thống này đã trở nên không hợp lý về cơ bản. Mỗi một cuộc khủng hoảng lần lượt dưới chủ nghĩa tư bản chỉ có thể được khắc phục bằng cách “dọn đường cho những cuộc khủng hoảng tàn hại và rộng lớn hơn”. Sở hữu tư nhân và sự vô chính phủ của cuộc cạnh tranh thị trường không còn phù hợp với nền kinh tế sản xuất quy mô lớn đang hội nhập ở mức độ toàn cầu. Như thế một tất yếu cho những vấn đề mang tính chất tàn phá toàn cầu là sự tự thủ tiêu của chủ nghĩa tư bản, và sự thay thế của một hệ thống mà trong đó đại bộ phận dân chúng được quản lý của cải xã hội một cách dân chủ.
Hồng Quân



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr.600-603.

1 nhận xét: