Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỂM: “Ở VIỆT NAM, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ PHƠI BÀY SỰ MỌT RỖNG CỦA CHẾ ĐỘ”



                                                                                                       C.B

Tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tư lợi. Về bản chất, tham nhũng chính là sự tha hóa quyền lực nhằm thu lợi ích cá nhân xâm hại đến lợi ích của cá nhân khác hoặc tâp thể và xã hội. Do đó, đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tham nhũng là quy luật sinh tồn của mọi tổ chức, mọi quốc gia. Thực tiễn cho thấy, dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao. Do đó,  đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới. Nhiều nước như Xin-ga-po, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a… đều coi trọng giải pháp phòng ngừa, tức là làm công chức “không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng”, bằng việc giáo dục đạo đức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa trả lương phù hợp, vừa kiểm soát thu nhập của công chức, coi trọng kiểm toán, thanh tra. Thái Lan còn quy định phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên các chính khách.
Nhiều nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Cô-lôm-bi-a, Brazin... quy định, mọi người dân đều có quyền tiếp cận với những thông tin, tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước; tài liệu của chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và Internet (tất nhiên trừ những tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia).
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, ở bất cứ giai đoạn nào Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng yếu bởi vì, nếu hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng không tốt sẽ làm ảnh hưởng, phương hại đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân và đó sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe doạ đến sự tồn vong của chế độ.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó. Những vụ án đó đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận nhân dân trong nước và gây tiếng vang lớn trong lòng cộng đồng quốc tế về một thái độ quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Để phủ nhận quyết tâm phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội phân tích cho rằng: tại Việt Nam tham nhũng đã quá trầm trọng, diễn ra ở mọi nơi mọi cấp mọi lĩnh vực, vậy nếu chống tham nhũng không đúng cách thì sẽ phơi bầy sự mọt rỗng của chế độ qua nhiều thời kỳ lãnh đạo. Mặt khác chính việc chống tham nhũng sẽ gây ra sự bất công giữa các phe nhóm, giữa các cá nhân. Đây là những quan điểm sai lầm, phản động của các thế lực thù địch, chúng muốn phá vỡ niềm tin của đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đối với đường lối, chủ trương, quan điểm cơ bản, nhất quán và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Việt Nam công khai đấu tranh chống tham nhũng không phải là “phơi bày sự mọt rỗng của chế độ qua nhiều kỳ lãnh đạo” mà là thể hiện sự minh bạch nhằm xử lý đúng kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các hiện tượng tham nhũng, suy thoái, loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng, bộ máy Nhà nước các “sâu mọt” ăn bám, đục khoét, từ đó thanh lọc bộ máy, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Những hành động quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những cán bộ suy thoái không vì thế mà làm Đảng và bộ máy của Nhà nước Việt Nam yếu đi, ngược lại, việc làm đó là tất yếu, giống như việc loại bỏ đi những “tế bào chết” giúp cho cơ thể ngày một khỏe mạnh. Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng chính là làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch và phát triển vững mạnh, củng cố niềm tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, tôn vinh vai trò lãnh đạo và tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.
Luận điểm ở Việt Nam chống tham nhũng là phơi bày sự mọt rỗng  của chế độ là chủ quan, võ đoán rõ ràng không phải là một luận điểm khoa học mà chỉ là luận điệu xấu nhằm gieo rắc, lan truyền tạo ra sự hoang mang, mất niềm tin của nhân dân Việt Nam vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái của Đảng và Nhà nước Việt Nam.



1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa