Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

THỰC TIỄN ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TRONG TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

  

                                                                                                                                           Tri Thức
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan đơn vị các cấp đã thường xuyên coi trọng đổi mới biện pháp, cách thức tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam. Đã tập trung đổi mới hình thức, biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh; gắn xây với chống; giữa giáo dục tuyên truyền với nêu gương, và tổ chức hoạt động thực tiễn. Các phương thức tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự bảo đảm toàn diện, thực chất và hiệu quả.

Giáo dục chính trị, tư tưởng là một nội dung được xác định giữ vị trí rất quan trọng. Lực lượng vũ trang các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Học viện, Nhà trường đã quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo về giáo dục chính trị, tư tưởng. Hình thức, phương pháp giáo dục chính trị được các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ theo hướng lấy đối tượng giáo dục làm trung tâm, trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, niềm tin, tình cảm, ý chí, trách nhiệm và hiệu quả công tác làm thước đo chất lượng; đột phá nâng cao chất lượng học tập chính trị đối với hạ sĩ quan - binh sĩ, chiến sĩ mới và nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan. Đã chú trọng các hình thức: nói chuyện chuyên đề, thông báo thời sự, sinh hoạt chính trị - tư tưởng, đọc báo, nghe đài, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, diễn đàn, đối thoại trực tiếp, hoạt động văn nghệ, v.v. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình bổ trợ: “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”; “Mỗi tuần một câu chuyện lịch sử”; “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới” kết hợp với sinh hoạt tổ 3 người; “Lời Bác dạy ngày này năm xưa” ở Sư đoàn 5, Quân khu 7.

Thực hiện phương châm: “Cơ quan bồi dưỡng cho đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới”, “yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó” các cơ quan, đơn vị Quân đoàn 4 đã tổ chức tốt việc bồi dưỡng thường xuyên tại đơn vị theo phân cấp; coi trọng bồi dưỡng tại chỗ, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, bồi dưỡng qua hội thi, hội thao, bình giảng. Đồng thời, tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, khả năng sư phạm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị. Các đơn vị thường xuyên duy trì, nhân rộng các mô hình, sáng kiến, như: Chương trình phát thanh nội bộ “Tiếng nói Chính trị viên”; clip bổ trợ giáo dục chính trị cho chiến sĩ của Sư đoàn 9; sáng kiến mạng truyền thanh nội bộ không dây; sáng kiến Công viên văn hóa quân nhân, v.v. Đồng thời, duy trì hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; tổ chức hội thi, diễn đàn, tọa đàm, như: “Thanh niên với pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”, “Thanh niên với xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và an toàn giao thông”, “Tìm hiểu truyền thống” của Đơn vị, Sư đoàn, Quân đoàn.

Cùng với yêu cầu các đơn vị xác định rõ nội dung, phương pháp, kế hoạch, Quân khu 9 chỉ định các đơn vị làm điểm trên từng nội dung của Đề án đổi mới giáo dục chính trị để rút kinh nghiệm từ đó triển khai tiếp theo. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang làm điểm việc đổi mới biên soạn tài liệu do đơn vị tự xác định; Lữ đoàn Công binh 25 làm điểm ứng dụng phương tiện công nghệ thông tin vào giảng dạy; Lữ đoàn Pháo binh 6 làm điểm thực hiện Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần; Lữ đoàn Thông tin 29 làm điểm thông báo chính trị - thời sự; Sư đoàn 8 làm điểm về đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị, v.v. Bên cạnh đó, Quân khu chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, lựa chọn những nội dung trong 6 hình thức giáo dục theo Quy chế 916/QC-CT của Tổng cục Chính trị tổ chức làm điểm để rút kinh nghiệm trong cơ quan, đơn vị mình. Hoạt động giáo dục pháp luật được đa dạng hoá với 5 nội dung: thông tin chuyên đề, trò chơi pháp luật, tiểu phẩm, giải đáp pháp luật và xem phim tài liệu. Mô hình “Mỗi tuần một điều luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật” được tổ chức ở các đơn vị Quân khu 1, Quân khu 5 đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Binh chủng Pháo binh thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với tăng cường các biện pháp nắm, quản lý tốt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; chủ động dự báo các tình huống, kịp thời giải quyết những vướng mắc; khắc phục biểu hiện mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng. Chủ động và thường xuyên định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trước những vấn đề mới, nhạy cảm.

Bên cạnh chỉ đạo tổ chức làm điểm các hình thức giáo dục chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị: Sư đoàn 312 làm điểm về đổi mới hình thức giảng dạy chính trị chuyên sâu; Sư đoàn 308 làm điểm về đổi mới việc biên soạn tài liệu học tập chính trị; Trường Quân sự làm điểm về nội dung đổi mới hình thức nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; Lữ đoàn 202 làm điểm về nội dung đổi mới sinh hoạt chính trị, tư tưởng, thực hiện Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, v.v. Quân đoàn 1 giao nhiệm vụ cho Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Quân sự Quân đoàn nghiên cứu thực tế, biên soạn 02 chuyên đề (Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Khắc phục khâu yếu, mặt yếu về thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc chấp hành pháp luật, kỷ luật đưa vào chương trình học tập tại các cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo các sư đoàn, lữ đoàn, các cơ quan pháp luật lựa chọn các luật, điều luật, nghị quyết, chỉ thị, nghị định,... có liên quan đến hoạt động quân sự, biên soạn “Sổ tay chiến sĩ”; sổ học tập chính trị của chiến sĩ, sổ công tác của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đều được biên soạn nội dung 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; cơ quan chính trị các cấp soạn thảo một số tình huống và phương pháp, cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh về tư tưởng ở đơn vị.

Với đặc thù về môi trường hoạt động, tham gia tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, lực lượng Cảnh sát biển đã sáng tạo kết hợp giữa giáo dục chính trị, tư tưởng với tiến hành công tác dân vận, nhân rộng mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên các xã, huyện đảo với sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân ven biển; ngăn cản, tuyên truyền, yêu cầu tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam bảo đảm đúng đối sách, giữ vững môi trường hòa bình trên biển. Thông qua phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”, phong trào thi đua quyết thắng để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Sự đổi mới đa dạng, phong phú hình thức biện pháp trong giáo dục chính trị, tư tưởng đã tạo ra nhận thức, nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin trong mỗi người dân Việt Nam, tạo dựng thái độ và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy chủ nghĩa yêu nước và các giá trị bản sắc văn hoá Việt Nam trong sức mạnh quân sự Việt Nam. Qua đó đã tăng cường lập trường, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý thức trách nhiệm động cơ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, dự bị động viên cả thời bình và sẵn sàng huy động có hiệu quả trong thời chiến./.

1 nhận xét: