Phương
Ngọc
Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm túc luật pháp, các nguyên tắc, điều ước và thông lệ quốc tế; trong đó, quyền thụ đắc lãnh thổ của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thực hiện theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” - nguyên tắc ưu việt nhất, đã và đang được quốc tế thống nhất sử dụng rộng rãi. Đó là một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ của cả dân tộc và được thể hiện ở một số nét cơ bản sau:
Ngay từ đầu thế kỷ XVII, khi quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa còn vô chủ, nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn đã tổ chức các đội
“Hoàng Sa”, “Bắc Hải”, thực hiện việc tuần phòng, đánh bắt hải sản quý hiếm; đo
vẽ sơ đồ, hải trình và tiến hành trồng cây, dựng mốc trên hai quần đảo này. Đến
thời Tây Sơn, mặc dù luôn có chiến tranh nhưng chính quyền nhà nước vẫn tổ chức
các đội: “Hoàng Sa”, “Quế Hương”, “Đại Mạo” và “Hải Ba”, hoạt động theo thông
lệ cũ mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nối dòng lịch sử, nhà nước Đại Việt
thời chúa Nguyễn tiếp tục phái các đội ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựng
bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng cây và vẽ bản đồ khu vực. Điều đáng nói
là, tất cả các hoạt động đó đều do triều đình phong kiến tổ chức, được các văn
bản nhà nước ghi nhận, hiện còn lưu giữ khá đầy đủ cả ở trong nước và quốc tế.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện về
quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành
các hoạt động quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các hoạt động: điều tra khí hậu, thổ nhưỡng,
nghiên cứu mỏ (1925 - 1927); đưa quân ra đồn trú ở Hoàng Sa (1930 - 1933) và
xây dựng các ngọn hải đăng, trạm khí tượng (1938), v.v. Sau năm 1954, theo Hiệp
định Giơ-ne-vơ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do chính thể Việt Nam cộng hòa
quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, lợi dụng lúc Việt Nam có chiến tranh và
gặp khó khăn, các thế lực nước ngoài đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép
quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể của quần đảo Trường Sa. Đây là hành động
trái với nguyên tắc pháp lý và quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực
tiễn quốc tế. Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng miền Nam, Quân đội nhân
dân Việt Nam đã giải phóng hầu hết các đảo (do quân đội Sài Gòn đóng giữ) thuộc
quần đảo Trường Sa, thực hiện thống nhất đất nước. Liên tục từ đó đến nay,
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Đặc biệt, trong từng giai đoạn lịch sử, để tiện cho việc quản lý và điều hành,
chính quyền nhà nước Việt Nam đều tổ chức Hoàng Sa, Trường Sa thành các đơn vị
hành chính nhà nước. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực
thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một
thị trấn và hai xã đảo.
Như vậy, đối chiếu với nguyên tắc “chiếm hữu thật
sự” về quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực tiễn quốc tế cho thấy,
Việt Nam là quốc gia đầu tiên, duy nhất xác lập chủ quyền đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa từ khi nó còn vô chủ. Các hoạt động xác lập chủ quyền đó
đều do chính quyền nhà nước tiến hành và được thực thi một cách tự nhiên, hòa
bình, liên tục và rõ ràng. Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng
chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam
Trả lờiXóa