QĐND - LTS: Báo Quân đội nhân dân từ ngày 23 đến 25-11 đã đăng loạt bài: “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân” trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Sau khi báo đăng, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh trong quân đội, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và đông đảo bạn đọc. Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề đặt ra trong bài viết và đề xuất giải pháp nhằm sớm đưa pháp luật vào cuộc sống, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc. Tòa soạn trân trọng trích đăng một số ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội): Pháp luật về quốc phòng được Quốc hội nghiên cứu kỹ, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 luật, nghị quyết về lĩnh vực quốc phòng. Cả 3 văn bản này đều được Quốc hội và cơ quan soạn thảo nghiên cứu rất kỹ, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với cả hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không để “khoảng trống pháp luật” và đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Theo Khoản 2, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia (BGQG), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có hai chức năng cơ bản: Quản lý, bảo vệ BGQG và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện hai chức năng này có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền công dân, thậm chí trong một số trường hợp phải hạn chế quyền công dân. Theo Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân phải do luật định. Vì thế, Quốc hội ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, đồng thời triển khai quy định của Hiến pháp.
Tại Khoản 2, Điều 89, Hiến pháp năm 2013 có quy định về việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này. Vì vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ). Nghị quyết không những thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với quốc tế, mà còn là cơ sở pháp lý để thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, mang hình ảnh của người Việt Nam đến với thế giới, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để quân đội, công an đưa lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ theo các hình thức luật định.
Việc quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (LĐSX, XDKT) thực tế vẫn đang diễn ra và là cần thiết để bớt gánh nặng cho đất nước. Nhờ các hoạt động LĐSX, XDKT, quân đội đã tạo thêm được nhiều của cải vật chất, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội, bảo đảm sức khỏe để bộ đội tham gia chiến đấu, công tác, học tập, LĐSX, ứng cứu nhân dân trong thiên tai, tham gia phòng, chống dịch bệnh hoặc thực hiện những mô hình rất tốt như: "Con nuôi đồn biên phòng"; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế... Các doanh nghiệp trong quân đội cũng như các doanh nghiệp dân sự, vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế. Tất cả các hoạt động đó đều cần có đất đai. Hiện nay, đất do quân đội quản lý đều được sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc dự trữ để sẵn sàng triển khai trận địa, xây dựng công trình phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi có tình huống xảy ra.
Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ảnh: TTXVN. |
GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Công sức của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ vừa bảo vệ đất nước vừa phát triển kinh tế rất đáng ghi nhận
Triết lý quân sự ngàn đời nay của nước ta là mỗi người dân là một người lính trong thời chiến, mỗi người lính là một người dân trong thời bình. Bằng triết lý ấy, nước ta vẫn tồn tại và phát triển trước áp lực của nhiều nước phong kiến, đế quốc lớn. Bác Hồ đã nâng triết lý này lên thành lý luận chiến tranh nhân dân độc đáo của Quân đội ta.
Quân đội cần đất để sử dụng vào phát triển kinh tế trong thời bình là một phần của triết lý mỗi người lính là một người dân và mỗi người dân là một người lính. Quân đội lo kinh tế để nuôi quân và cũng làm tăng khả năng phát triển đất nước. Triển khai triết lý này trong cơ chế thị trường hiện nay cũng gặp nhiều ý kiến ở các chiều khác nhau. Tôi cho rằng, nước ta cần phát triển quân và dân là một thể thống nhất. Việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng vẫn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Theo tôi cần xây dựng chủ trương, chính sách về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng như một chủ trương thống nhất và xuyên suốt của đất nước ta. Trong điều kiện bình thường hiện nay, quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là phù hợp với thực tiễn cơ chế thị trường. Quân đội như thế sẽ tự chủ được một phần tài chính, không lãng phí sức quân, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Trên thực tế, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xóa đói, giảm nghèo; đóng góp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhất là tại những vùng khó khăn, biên cương, hải đảo, khu vực mà doanh nghiệp dân sự khó trụ được và không thể phát triển ở đó; gìn giữ vùng phên dậu của đất nước. Quân đội vừa bảo vệ biên cương, vừa làm kinh tế, vừa làm chỗ dựa cho dân phát triển thành các vùng kinh tế mới. Từ đó, nhiều đơn vị quân đội kiêm doanh nghiệp của quân đội đóng góp khá lớn vào ngân sách nhà nước. Công sức của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ vừa bảo vệ đất nước vừa phát triển kinh tế là rất đáng ghi nhận. Phương thức vừa luyện quân, vừa tham gia LĐSX, XDKT, xây dựng xã hội, phát triển dân cư đã, đang và sẽ luôn là một trong những cách làm cho quân đội vững mạnh cả về quốc phòng lẫn kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế thị trường dựa trên chia sẻ lợi ích cũng làm ra những lệch lạc nhất định. Sử dụng đất có liên quan đến yếu tố quân đội cũng có một vài phương thức khác nhau mà cần hoàn thiện khung pháp luật để quản lý cho chặt chẽ.
Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh (QPAN) kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế sẽ tạo được hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, là cơ sở để hình thành cơ chế quản lý minh bạch giúp Quân đội ta thực hiện tốt hơn cả nhiệm vụ bảo vệ đất nước lẫn nhiệm vụ đóng góp phát triển kinh tế. Quá trình thực hiện sẽ làm cho cơ chế quản lý ngày càng chặt chẽ hơn đối với đất đai liên quan đến quốc phòng.
Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng: Giải quyết kịp thời vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng
Với chức năng là cơ quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội gắn với củng cố QPAN, chúng tôi rất đồng thuận với quan điểm của bài viết “Đất quốc phòng không phục vụ mục đích kinh tế đơn thuần” trong vệt bài “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân”. Bài viết đã nêu bật được quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ tham gia LĐSX, XDKT kết hợp QPAN của Quân đội ta.
Việc Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động LĐSX, XDKT góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật; kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập về vấn đề này trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đơn vị, doanh nghiệp quân đội áp dụng trong thực tiễn quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động LĐSX, XDKT...
Nghị quyết được ban hành góp phần tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng đất QPAN khi sử dụng vào hoạt động LĐSX, XDKT, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tiêu cực, thất thoát trong sử dụng đất; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng trong quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai của lực lượng vũ trang khi chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quân sự, QPAN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động LĐSX, XDKT cũng là công cụ hữu hiệu để chống lại luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội, tạo nên những điểm nóng gây mất ổn định về chính trị-xã hội của các thế lực thù địch.
Đất quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện Chiến lược về quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, các khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng gắn với phát triển KT-XH trên từng địa bàn. Vai trò của đất quốc phòng luôn gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân. Trên cơ sở nguồn lực Nhà nước giao, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ LĐSX, XDKT kết hợp quốc phòng. Việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động LĐSX, XDKT bảo đảm nguyên tắc kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với quốc phòng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; góp phần chuẩn bị tiềm lực hậu cần, kỹ thuật, khoa học công nghệ trên địa bàn cả nước, bảo đảm chủ động sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đồng thời góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế trong tình hình mới.
Đồng chí THÀO A DẾ (Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, Điện Biên): Dự án khu kinh tế-quốc phòng giúp các huyện miền núi phát triển
Mường Nhé là huyện miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Kinh tế kém phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trên đất dốc; kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Huyện Mường Nhé là một trong 4 huyện nằm trong Dự án khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Mường Chà thuộc Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2).
Đoàn KT-QP 379 đã triển khai nhiều chương trình giúp dân phát triển KT-XH, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đoàn đã chủ động phối hợp với huyện Mường Nhé, các sở, ban, ngành tỉnh Điện Biện triển khai thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp ổn định dân cư phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN huyện Mường Nhé. Cùng với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các dự án đầu tư cho các dân tộc thiểu số vùng biên giới đã phát huy hiệu quả tích cực, cơ sở hạ tầng kinh tế từng bước được cải thiện, nhất là về đường giao thông các xã trong vùng dự án.
Đoàn KT-QP 379 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, giúp cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé nắm chắc tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh. Cán bộ và lực lượng tri thức trẻ đã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân trong vùng dự án thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống mới; thực hiện hiệu quả việc kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Vừa qua, huyện Mường Nhé đã ký kết quy chế phối hợp với Đoàn KT-QP 379. Chúng tôi mong rằng thông qua việc hoàn chỉnh quy chế phối hợp sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giữa địa phương và đơn vị, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN trên địa bàn.
Từ thực tế ở cơ sở, tôi rất đồng tình với bài viết “Đất quốc phòng không phục vụ mục đích kinh tế đơn thuần” trong vệt bài “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân”. Tôi cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động LĐSX, XDKT là hợp lý, cần thiết và hợp lòng dân. Nếu không có sự đầu tư từ các dự án khu KT-QP, các địa phương miền núi, vùng cao rất khó phát triển, bởi hầu như không có doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào đó.
Ông NGUYỄN MẠNH DŨNG (cán bộ hưu trí, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội): Xóa tan nghi ngại, xuyên tạc việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Là độc giả nhiều năm của Báo Quân đội nhân dân, tôi theo dõi rất sát các bài viết chuyên sâu với những lý luận sắc bén trong chuyên mục "Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”". Đặc biệt, tôi đồng tình cao với những quan điểm được nêu trong loạt bài “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân”, trong đó có bài “Việt Nam tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”-hoàn thiện luật pháp cho một chủ trương đúng”. Bài viết đã xóa tan những nghi ngại, xuyên tạc về việc Việt Nam tham gia vào lực lượng mũ nồi xanh.
Có thể thấy, việc Đảng, Nhà nước ta cử lực lượng tham gia các hoạt động GGHB của LHQ đã thể hiện mong muốn của toàn thể nhân dân Việt Nam. Bằng những hành động cụ thể, đóng góp thiết thực tại những nơi có mặt, các chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta đã trở thành đại sứ hòa bình cho dân tộc Việt Nam, khẳng định truyền thống yêu chuộng hòa bình được hun đúc từ hàng nghìn năm của người Việt Nam.
Cùng với đó, hoạt động này đã giúp xây dựng hình ảnh đầy trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, chống lại các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang. Đây cũng là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của Quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa