Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG SỨC MẠNH QUÂN SỰ VIỆT NAM

 

                                                                                                                   Tri Thức
Tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần được tiến hành một cách toàn diện trong chỉnh thể thống nhất bao gồm cả ý thức chính trị, niềm tin, tâm trạng xã hội, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, các giá trị văn hoá dân tộc.

Kết hợp giữa giáo dục chính trị - tinh thần, giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân với tổ chức thực hiện bảo đảm sự huy động tiềm lực chính trị - tinh thần cho xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện tại và khả năng chuyển hoá tiềm lực chính trị - tinh thần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời chiến. Đã tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã hội tạo sự thống nhất và đồng thuận về mục tiêu, lý tưởng của cách mạng Việt Nam; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, nhân dân ta; tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý thức cảnh giác, bảo vệ tổ quốc, ...
Cùng với toàn bộ các giai cấp, tầng lớp xã hội, ý thức chính trị của các chủ thể sức mạnh quân sự Việt Nam đánh giá một cách tổng quát hiện nay đã thể hiện vai trò chủ đạo nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó là kết quả của quá trình tuyên truyền, giáo dục lâu dài, từ khi Đảng ra đời và trải qua các thời kỳ cách mạng.
Về mặt ý thức hệ hiện nay đa số các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc: lý tưởng chính trị là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Mục tiêu đó đang thực sự trở thành mục tiêu hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; là điểm tương đồng trong nhận thức, tư tưởng và hành động của các tầng lớp xã hội, tạo nên sự đồng thuận xã hội. Nhờ vậy, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Tiềm lực, sức mạnh quân sự quốc gia được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm được củng cố. Bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia. Ban hành và thực hiện Chiến lược an ninh mạng quốc gia[1].

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta. Đây là sự khẳng định thành tựu tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam ở nước ta hiện nay.

Thái độ cơ bản của các tầng lớp nhân dân là tôn trọng và tin tưởng vào chính quyền các cấp, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền các cấp. 
Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân. Nhiều cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp đã thực sự là “công bộc” của dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đã dày công xây dựng, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, chú trọng thực hiện dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu ở nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhân dân lao động ở nước ta ngày càng có nhiều điều kiện để phát huy dân chủ mọi mặt. Bầu không khí dân chủ trong xã hội đã góp phần hình thành thái độ xây dựng, tôn trọng, ủng hộ chính quyền các cấp của các tầng lớp nhân dân.

Nhiệm kỳ qua, kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Những kết quả đó đã tạo ra tâm trạng phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đang được các tầng lớp nhân dân phát huy. Đã xuất hiện nhiều gương lao động, huấn luyện, chiến đấu sáng tạo, quả cảm, có hiệu quả cao, đi đầu trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc và nhân dân. Nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hoá trong chính trị và trong kinh doanh bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng, “Đến tháng 12/2018, cả nước có 86,8% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 71,1% làng, bàn, ấp, tổ dân phố văn hóa được công nhận; 71,2% cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Quá trình tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam đã luôn được đặt trong mối quan hệ với các tiềm lực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, khoa học… các yếu tố này đan xen, tác động, chuyển hóa lẫn nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất của sức mạnh quân sự quốc gia.  Các yếu tố, tiềm lực của sức mạnh quân sự luôn hòa quyện gắn kết tạo ra sức mạnh to lớn. Từ việc chú trọng nhận thức đúng và quan tâm giải quyết 10 mối quan hệ lớn của đất nước. Trong quá trình tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần các chủ thể đã luôn đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo đảm mỗi chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều gắn kết chặt chẽ với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và ngược lại. Cùng với tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng môi trường văn hoá. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng địa bàn an toàn, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo và khu công nghiệp lớn,... Quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là ở những địa bàn nhạy cảm, khu vực trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh. Qua đó, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần và đồng thời cũng phát huy được hiệu quả tiềm lực này là cơ sở, thấm vào và quyết định các tiềm lực khác tạo sức mạnh quân sự tổng hợp của đất nước.

Tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam thời gian qua đã coi trọng việc xây dựng kế hoạch và tổ chức luyện tập bảo đảm sức mạnh và hiệu quả khi chuyển từ thời bình sang thời chiến. Tiềm lực chính trị - tinh thần được chuẩn bị chu đáo, toàn diện ở hệ tư tưởng, chế độ chính trị, hệ thống các chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước; trình độ nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý… của hiện tại song đã tính đến sức chịu đựng khi có chiến tranh. Đặc biệt là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu chiến tranh xảy ra, chắc chắn đó địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự trong chuyển từ thời bình sang thời chiến đã được xây dựng luyện tập bảo đảm thời gian thoe tiêu chí chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Đặc biệt, lực lượng vũ trang các Quân khu, Quân đoàn, Quân - binh chủng đã lên phương án và tổ chức luyện tập trong điều kiện không gian không phân tuyến trên tất cả các mặt. Kết quả diễn tập phòng thủ của các Quân khu, các tỉnh và các Bộ, Ban, ngành vừa qua cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của thời chiến. Khả năng “chịu tải” của chính trị - tinh thần của quân và dân ta qua Đại dịch Covid19 vừa qua đã chứng minh rõ điều đó. Trong đó, tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự được huy động một cách toàn diện, trạng thái tâm lý của xã hội, niềm tin với Đảng, Nhà nước vững vàng để đối phó với Đại dịch. Các chủ thể lãnh đạo, quản lý, các lực lượng vũ trang và nhân dân đã kiên định vững vàng thành một khối đoàn kết thống nhất xung quanh Đảng, Nhà nước dập dịch thành công./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII.

1 nhận xét: