Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ YÊU NƯỚC, GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA TIỀM LỰC CHÍNH TRỊ - TINH THẦN HIỆN NAY

 

Tri Thức

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các ban ngành, đoàn thể. Những năm qua công tác giáo dục các giá trị yêu nước, giá trị truyền thống đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã xuất hiện nhiều gương lao động, huấn luyện, chiến đấu sáng tạo, quả cảm, có hiệu quả cao, đi đầu trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc và nhân dân. Nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hoá trong chính trị và trong kinh doanh bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng, “Đến tháng 12/2018, cả nước có 86,8% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 71,1% làng, bàn, ấp, tổ dân phố văn hóa được công nhận; 71,2% cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế nhất định như: Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam hiện nay có bộ phận, có lĩnh vực còn hạn chế. Bởi, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng đang có xu hướng lan rộng, làm triệt tiêu trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ với đất nước, với cộng đồng, chủ nghĩa cá nhân đã hướng các hành động xã hội vào lo toan cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nhỏ, đem nó đối nghịch với lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng. Chủ nghĩa cá nhân đã làm sai lạc mục đích hành động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam hiện nay và làm suy giảm việc phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sự khác biệt về kinh tế trong xu thế phân hoá giầu nghèo gia tăng và lan toả ra các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra sự khác biệt về văn hoá, xã hội, bước đầu hình thành “tính đẳng cấp” trong các quan hệ xã hội ở tất cả các giai tầng xã hội đang có xu hướng làm suy giảm tiềm lực chính trị - tinh thần của công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hình thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống, xây dựng môi trường văn hoá, xã hội còn nặng về hành chính, có lúc chưa tính đến sự bền vững. Nguy hại hơn là môi trường văn hoá, xã hội nhất là trên không gian mạng tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Việc phát huy các di sản chưa thật sự hiệu quả, phù hợp. Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu mai một, biến dạng. Nguồn vốn xã hội đầu tư vào di sản văn hóa bị lệch, chủ yếu dành cho nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo. Chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Việc khai thác, phát huy giá trị của di sản ở một số nơi chạy theo lợi ích kinh tế chưa chú trọng đến chức năng giáo dục của di sản, để nảy sinh mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu; lãng phí công sức, thời gian, tiền của. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ và thương mại hoá; quản lý mạng xã hội còn bất cập.
Trong thời gian tới các cấp, các ngành cần phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được và có những giải pháp hữu hiệu khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm xây dựng và bồi đắp những giá trị văn hoá tốt đẹp, lành mạnh phong phú của dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

1 nhận xét: