Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

QUYỀN CON NGƯỜI LÀ BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

HT

Quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất trong nền văn hóa của nhân loại, được hình thành với sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân con người trên trái đất. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập (10/1945), quyền con người đã được quy định trong rất nhiều văn kiện pháp lý quốc tế, trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu được các quốc gia tôn trọng và thực hiện. Ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để đảm bảo và thực hiện quyền con người.

Đảng, Nhà nướcViệt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Để xác lập cơ sở cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người được thể hiện tập trung trong các văn kiện của Đảng (Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết, Chỉ thị,…) và văn kiện của các cơ quan Nhà nước (Báo cáo của Chính phủ, Sách trắng của Bộ Ngoại giao,…)

Trong khi nhận rõ trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện quyền con người, với tư cách thành viên của các điều ước nhân quyền quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, pháp chế...”. Luận điểm này được xem như bước đột phá trong hoạt động lý luận trên lĩnh vực quyền con người. Bởi cũng như ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa thời kỳ trước đổi mới và mở cửa, do nhiều nguyên nhân, ở Việt Nam vấn đề quyền con người chưa được nhận thức đầy đủ về mặt lý luận.

Quan điểm phổ biến cho rằng, cũng như nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường,... nhân quyền là sản phẩm riêng của giai cấp tư sản. Trong bối cảnh các nước phương Tây thúc đẩy việc áp đặt giá trị thông qua dân chủ, nhân quyền, nhằm chống phá các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, quan điểm trên đã khiến nhân quyền càng trở thành vấn đề nhạy cảm, khó “chia sẻ”. Mặt khác, nhận thức phiến diện, phổ biến tại các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó cho rằng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội của những người cộng sản đã bao hàm cả việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người; các nước tư bản, đế quốc giương cao ngọn cờ nhân quyền là điều phi lý.

Tình trạng nhận thức phiến diện nói trên đã làm hạn chế hoạt động nghiên cứu lý luận, cũng như việc thực hiện quyền con người ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc bỏ ngỏ “trận địa” quan trọng này đã tạo ra “khoảng trống” để các thế lực thù địch có cơ hội thỏa sức tuyên truyền quan điểm nhân quyền tư sản và xuyên tạc thực tiễn bảo đảm quyền con người tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt là xuất phát từ yêu cầu phát triển nội tại của mỗi nước, các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa đều có nhu cầu nghiên cứu đầy đủ hơn vấn đề quyền con người, làm cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đây là yếu tố thúc đẩy sự chuyển biến nhận thức lý luận về quyền con người của các đảng cầm quyền tại các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc khẳng định quyền con người thuộc bản chất của chế độ, là mục tiêu của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này không chỉ tăng thêm trách nhiệm của Nhà nước trên mọi phương diện, mà còn xác lập vai trò, vị trí quyền con người trong lý luận về chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhiều quốc gia đang hướng tới là xã hội luôn ý thức rõ việc nhận diện đầy đủ những biểu hiện và nguồn gốc của bất công và tìm phương thức, biện pháp xóa bỏ những bất công ấy. Đó là một trong những cách thức để tạo ra môi trường, điều kiện cho việc thực hiện đầy đủ hóa quyền con người. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng là một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa - một xã hội chủ trương xóa bỏ trên thực tế mọi bất bình đẳng về lợi ích - thì quyền con người mới có điều kiện thực hiện được trọn vẹn. Quan điểm này nhằm khẳng định lại mục tiêu mà những người cộng sản theo đuổi là xóa bỏ nguồn gốc sâu xa nhất của mọi sự vi phạm nhân quyền - đó là ách áp bức dân tộc, giai cấp… sinh ra bởi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Đồng thời xác định rõ, việc đảm bảo tối đa quyền con người là thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu các nhà nước do những người cộng sản lãnh đạo hướng tới.

Vấn đề quyền con người liên quan đến “dân chủ”, “nhân quyền” luôn bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá cách mạng, chống phá chế độ. Vì vậy, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết./.

 

1 nhận xét: