Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

NHẬN DIỆN TÌNH TRẠNG SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG, CHÍNH TRỊ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

 

Hồng Hạc

Trong thời gian qua, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái này kém hiệu quả là vì chúng ta chưa nhận diện rõ sự suy thoái đó như thế nào; có lúc nhận định, đánh giá còn thiếu khách quan, chung chung, lờ mờ, thiếu địa chỉ cụ thể, chưa chỉ ra được ai suy thoái, bộ phận nào suy thoái, chưa vạch rõ tính chất và tác hại thực sự của sự suy thoái.

Có thể hiểu, suy thoái là sự yếu kém, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức của họ.

Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đó là việc tự cho mình đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức, coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cũng như quy định của cơ quan, đơn vị; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, có tư tưởng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; coi thường nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đó, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, coi thường tập thể, “quan cách mạng”. Trong số đó, có người mất phương hướng chính trị, quay lại nói xấu Đảng, chống phá chế độ. Suy thoái về tư tưởng chính trị của bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn biểu hiện ở bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Hiện nay, vẫn còn không ít người lãnh đạo, cán bộ cấp cao còn xa dân, không sát cơ sở, không hiểu thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được công việc, cuộc sống của nhân dân, nên nhiều trường hợp đề ra chủ trương, chính sách không phù hợp với thực tế, không đi vào cuộc sống, không được nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Biểu hiện rõ nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Lẽ ra, khu vực công, khu vực kinh tế nhà nước phải thực sự ngày càng vững mạnh, giữ vai trò chủ đạo, thì ở đấy phải có nhiều yếu tố của chủ nghĩa xã hội nhất và phải ít tiêu cực hay ít suy thoái nhất. Nhưng thực tế cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước lại là nơi có nhiều hiện tượng tham nhũng nhất và sự suy thoái của đội ngũ cán bộ lại tập trung ở đây nhiều nhất. Nạn tham nhũng diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn; làm thất thoát nhiều tài sản, tiền bạc của xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ; làm băng hoại tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền… Như vậy, tham nhũng không phải chỉ nhìn nhận dưới góc độ kinh tế hay dưới góc độ đạo đức, lối sống, mà phải được xem xét nó dưới góc độ tư tưởng chính trị. Nạn tham nhũng đang dẫn đến những hệ lụy khôn lường, nó đang tạo ra “tự diễn biến”, dẫn đến “tự chuyển hóa” và đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để, phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự suy thoái đó chính là giặc “nội xâm”, là kẻ thù bên trong, tạo cơ hội cho kẻ thù bên ngoài, cho giặc ngoại xâm thôn tính nước ta, trong đó nạn tham nhũng đang là nguy cơ trực tiếp nhất, nguy hại nhất.

          Suy thoái tư tưởng, chính trị của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền. Đảng viên không giữ cương vị chức trách trong Đảng và chính quyền là những đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên. Sự suy thoái của bộ phận này có những điểm giống và điểm khác với đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nêu trên.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên. Nhiều người không thấm nhuần tư tưởng và tiêu biểu về phẩm chất: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong sản xuất, kinh doanh và công tác, có đảng viên không chấp hành nghiêm luật pháp, lợi dụng hoặc cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm giàu bất chính; không biết hoặc không dám đấu tranh, rất hay ngộ nhận và phụ họa theo những nhận thức, hành động tiêu cực, tư tưởng sai trái, quan điểm lệch lạc; phát ngôn sai với đường lối, quan điểm của Đảng; không làm chủ được bản thân, rất dễ bị kích động, thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo.

Việc nhận thức đúng đắn biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng, đó là cơ sở đề ra những biện pháp đúng đắn để ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Đồng thời, từng cán bộ, đảng viên cũng cần thường xuyên phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện, nâng cao tri thức, hiểu biết mọi mặt để tự đề kháng trước sự hấp dẫn của cái lợi trước mắt, không để đồng tiền làm tha hóa bản thân./.

 

1 nhận xét: