Thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân luôn tìm cách sử dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Luận điệu mà họ đưa ra là vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân; đòi tách tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước, yêu cầu chính quyền không kiểm soát, kiểm duyệt các tôn giáo, cho phép tôn giáo được tự do hoạt động.
Họ nêu ra các vấn đề rằng, “nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về tôn giáo, dân tộc không tương đồng với Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Thậm chí, họ còn trắng trợn phê phán, xuyên tạc “Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “là bước thụt lùi về tự do tôn giáo”.
Đồng thời họ còn cho rằng, Việt Nam đề ra chính sách pháp luật nhưng không thực hiện. Trong các Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế hàng năm do Cục Dân chủ, nhân quyền và lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đều nêu nội dung: “Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do tôn giáo, tuy nhiên Chính phủ vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo”. Trong các báo cáo này còn nêu ra “các biện pháp hạn chế tự do tôn giáo”, “các trường hợp lạm dụng tự do tôn giáo…, một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu…”.
Các đối tượng còn tuyên truyền, chỉ trích, vu cáo “chính quyền Việt Nam cấm đoán nhiều tổ chức, hệ phái tôn giáo hoạt động” và “kiểm soát chặt chẽ” hoạt động của các tổ chức tôn giáo đã được Chính phủ công nhận, “cấm mục sư Tin lành đi lại truyền đạo, cấm con em những người theo đạo đến trường”, yêu cầu chính quyền “chấm dứt sự phủ quyết đối với việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo” (thực tế, Vatican đã thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về việc bổ nhiệm giám mục ở Việt Nam phải được Nhà nước Việt Nam chấp thuận).
Trong vấn đề đào tạo chức sắc tôn giáo, các đối tượng vu cáo “chính quyền hạn chế một cách “độc đoán” về số lượng sinh viên được phép đào tạo thành linh mục”.
Một số tổ chức, cá nhân trên các danh nghĩa khác nhau đã gặp gỡ, tiếp xúc số chức sắc, tín đồ có tư tưởng cực đoan, quá khích trong các tôn giáo như: Thích Không Tánh (Phật giáo), Nguyễn Văn Lý (Công giáo), Nguyễn Hồng Quang (Tin lành), Hứa Phi (Cao Đài),... để hậu thuẫn, kích động, hỗ trợ cho số này tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật.
Khi những đối tượng này có hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý (bắt, giam giữ, truy tố, tù giam), họ thường có phản ứng quyết liệt để bênh vực, bảo vệ họ như: Phản đối, lên án ta đàn áp tôn giáo, yêu cầu ta phải trả tự do cho những người mà họ gọi là “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”.
Quản lý Nhà nước về tôn giáo là yêu cầu khách quan
Thực tế cho thấy, không thể có quyền tự do tôn giáo tuyệt đối. Xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ, được sắp xếp theo cơ cấu nhất định. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, các tôn giáo phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật. Việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới
Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động tôn giáo cũng phải tuân thủ luật pháp như: Điều 26, Luật của Cộng hòa Pháp về tách Giáo hội khỏi Nhà nước quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chính quyền có chức năng gìn giữ trật tự công cộng. Ở những nơi chuyên vào việc thờ tự và thực hành nghi lễ tôn giáo cấm việc hội họp có tính chất chính trị”. Điều 27 quy định: “Các nghi lễ, các cuộc rước tôn giáo tiến hành bên ngoài khu vực nhà thờ và việc kéo chuông phải tuân theo những quy định của chính quyền tỉnh, thành phố”.
Luật pháp Cộng hòa Bỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với những giáo sĩ có hành vi và lời nói xúc phạm tới Chính phủ, luật pháp, sắc lệnh của nhà vua cũng như đối với các hoạt động của chính quyền.
Ở Cộng hòa Liên bang Đức, giáo sĩ cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự như công dân khác trong trường hợp vi phạm hiến pháp, pháp luật. Cũng ở Đức, các giám mục Thiên chúa giáo khi nhậm chức phải tuyên thệ: “Tôi xin thề và hứa sẽ tôn trọng Chính phủ hợp hiến. Chiểu theo nghĩa vụ phải quan tâm tới lợi ích của Nhà nước Đức trước bất kỳ sự gì khả dĩ tác hại tới lợi ích đó”.
Ở Mỹ, hoạt động của các tổ chức tôn giáo được quản lý theo luật pháp của các bang. Luật của các bang quy định về hoạt động tôn giáo có những điểm khác nhau về chi tiết, song nhìn chung đều dựa trên yêu cầu thống nhất trong toàn liên bang như: Việc đăng ký thủ tục bắt buộc đối với các tổ chức tôn giáo trong toàn liên bang, lệ phí phải nộp cho chính quyền về việc đăng ký là 15 đô la; các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của bang. Chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân.
Ở Nhật Bản, Luật về các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân quy định rõ: Các cấp chính quyền quản lý các tổ chức tôn giáo là Bộ Văn hóa, tỉnh, huyện. Các tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký ở Bộ Văn hóa và chỉ sau khi đã được đăng ký mới được hoạt động tại nơi đặt văn phòng của tổ chức đó.
Tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng và bảo đảm trên thực tế
Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân được đảm bảo. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, trong đó đều khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”; “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”...
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng tôn giáo... Trong các văn bản pháp luật này đều khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.
Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng đa dạng, được Đảng, Nhà nước bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Cùng với sự mở cửa, phát triển của đất nước, tôn giáo ở Việt Nam có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ, đa dạng hơn. Năm 1990, Việt Nam có 6 tôn giáo, 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cùng với một số loại hình tín ngưỡng dân gian gắn với các dân tộc.
Từ năm 2003, thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân cho 15 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo với khoảng 19 triệu tín đồ (chiếm 23,5% dân số). Đến năm 2020, đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, khoảng 26,5 triệu tín đồ, sinh hoạt tôn giáo ở 29.660 cơ sở thờ tự.
Về chức sắc, năm 1990, nước ta có khoảng 38 nghìn chức sắc, nhà tu hành, đến nay tăng lên 61,2 nghìn chức sắc, 147,1 nghìn chức việc (tổng số chức sắc, chức việc khoảng 208,3 nghìn), trong đó tăng nhanh và nhiều nhất là chức sắc Phật giáo và đạo Tin lành.
Trước năm 2003, trung bình hằng năm có khoảng 7 nghìn lượt người tốt nghiệp hoặc hoàn thành các khóa đào tạo chức sắc do các tôn giáo tổ chức, nhưng từ 2003 đến năm 2018, trung bình hằng năm có khoảng 15 nghìn lượt người (tăng 215%).
Với 56 cơ sở đào tạo của các tôn giáo hiện có (gấp 3 lần so với năm 1990), cùng với nhiều hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt, tăng cường các hình thức đào tạo ngắn hạn, cả ở trong nước và ở nước ngoài (đối với các tôn giáo ngoại nhập, có quan hệ quốc tế như Công giáo, đạo Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo) nên hàng ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đào tạo bài bản, nâng cao trình độ và uy tín, vai trò, ảnh hưởng đối với quần chúng tín đồ, không chỉ trong đời sống tinh thần mà cả trong đời sống xã hội.
Lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền là hoạt động xuyên suốt của những tổ chức, cá nhân và quốc gia thiếu thiện chí với Việt Nam. Trong khi thực tiễn là Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.
Quang Lê
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020
Nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo nhìn từ góc độ pháp luật quốc tế và Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa