Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

CẢNH GIÁC TRƯỚC TIN XẤU ĐỘC VỀ MIỀN TRUNG

 

Phương Ngọc

Trong lúc đồng bào một số tỉnh miền Trung đang gồng mình chống bão lũ thì trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về công tác cứu trợ người bị bão lũ của Đảng và Nhà nước ta. Một số tổ chức, cá nhân vì mục đích riêng đã đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh không đúng sự thật kèm theo những lời bình luận ác ý nhằm gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khi xảy ra sạt lở đất làm nhiều người chết và mất tích ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một cậu bé bị bùn phủ kín từ đầu đến chân kèm chú thích là vừa được cứu khỏi đống sạt lở. Mặc dù chưa biết đúng sai như thế nào nhưng bức ảnh được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội cùng nhiều bình luận không hay về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng. Thực ra đó là bức ảnh một em bé người Thái Lan đi theo mẹ ra đồng chẳng may ngã xuống hố bùn trong lúc nô đùa. Người mẹ đã lấy điện thoại chụp lại khoảnh khắc đáng nhớ này rồi chia sẻ lên mạng xã hội như một kỷ niệm vui về con của mình. Cũng thời gian đó, bức hình hai mẹ con bê bết bùn đất ôm nhau khi chết cũng được nhiều người nhanh tay chia sẻ trên mạng xã hội. Hình ảnh người mẹ quỳ gối che chở cho người con với tất cả tình yêu thương đã làm lay động trái tim hàng triệu con người. Bên cạnh những lời bình luận cảm thông, chia sẻ và khâm phục tình mẫu tử thiêng liêng, lại có nhiều kẻ xúm vào chê bai sự chậm trễ trong công tác cứu trợ của chính quyền và cơ quan chức năng. Thế nhưng, sự thật đằng sau bức ảnh lại hoàn toàn khác những gì người ta thấy trên mạng. Đó là ảnh chụp lại bức tượng bằng đất sét tạc hình ảnh thi thể 2 mẹ con bị đất vùi lấp trong trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) cách đây hơn chục năm. Thế nhưng, vì mục đích câu like, bôi nhọ chính quyền, chúng cố tình xuyên tạc đây là hình ảnh 2 mẹ con trong một gia đình có 7 người chết vì sạt lở đất ở miền Trung. 

Trong bão lũ, phát huy truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc, nhân dân cả nước đã chung tay cùng Đảng và Nhà nước nỗ lực cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thế nhưng vẫn có một số kẻ dù không ủng hộ một đồng nào, cũng không bỏ công trực tiếp đi cứu trợ người dân miền Trung mà chỉ ngồi một chỗ “cào bàn phím”, gào lên rằng chính quyền bỏ mặc nhân dân tự lo cho nhau. Họ chỉ căn cứ vào những clip, hình ảnh cứu trợ của một vài cá nhân được chia sẻ trên mạng rồi khẳng định rằng chính quyền không lo cho dân. Mục đích của chúng là hạ thấp vai trò của chính quyền. Có kẻ còn lấy hình ảnh lương khô hết hạn ở trên mạng xã hội rồi chia sẻ và lu loa lên rằng đó là hàng cứu trợ của quân đội cho người dân miền Trung. Thậm chí có kẻ còn bịa đặt chính quyền chia nhau lương khô cứu trợ vì “lương khô ngon” trong khi lúc đó lương khô cứu trợ vẫn chưa chuyển về địa phương. Vô lương tâm hơn, có kẻ còn độc mồm, độc miệng, nhạo báng sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 khi làm nhiệm vụ cứu nạn trong vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3. Chúng rêu rao rằng đoàn cán bộ, chiến sĩ vào Rào Trăng 3 không phải để cứu nạn mà vì "có cổ phần trong nhà máy thủy điện". 

Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng mạng xã hội lớn trên thế giới với gần 70 triệu tài khoản Facebook và hơn 30 triệu tài khoản YouTube. Đây là môi trường lý tưởng cho những kẻ không có lương tâm chia sẻ tin tức, hình ảnh xấu, độc hại với mục đích câu like, câu view kiếm tiền hoặc xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Cứu nạn, cứu hộ là công tác lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, sự thực tâm của đồng bào cả nước. Vì thế, những kẻ không có tâm hãy nhìn lại mình, dừng các hành vi chống phá để chính quyền và người dân miền Trung tập trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. 

 

1 nhận xét:

  1. Cần phải xử lý thật nghiêm những tên phản động chuyên xuyên tạc và chống phá đất nước

    Trả lờiXóa