Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

CẦN CÓ NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC

 

Gió biển

Qua các kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta luôn khẳng định nhất quán tư tưởng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Tuy nhiên,  đứng trước một số khó khăn tạm thời của các doanh nghiệp nhà nước, do sự chuyển đổi cơ chế quản lý từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và sự cơ cấu lại các thành phần kinh tế, nhiều người lại dao động về luận điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.Một số kẻ cơ hội, bất mãn, tự xưng là “người tâm huyết” với đất nước đã lợi dụng tình hình đó để hợp lực với các thế lực  thù địch, kêu gọi Đảng và Nhà nước ta phải “đổi màu” cho  các doanh nghiệp nhà nước bằng con đường tư nhân hoá.

Họ công khai bác bỏ luận điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay và cho rằng, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì nền kinh tế nhiều thành phần không thể thành hiện thực; rằng sự trì trệ, vô chủ, thiếu năng động, tham nhũng, lãng phí, kinh doanh kém hiệu qủa… là căn bệnh cố hữu của doanh nghiệp nhà nước, bắt nguồn từ chính chế độ sở hữu công cộng; và do đó, không phải kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể mà chính kinh tế tư nhân mới là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Theo họ, tư nhân hoá nền kinh tế là sự thay đổi triệt để, là điều kiện duy nhất để kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Những luận điểm trên không có gì mới mẻ, vì đó chỉ là sự nhại lại những quan điểm cũ rích của các thế lực thù địch từ lâu đã muốn lái con đường phát triển của đất nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Trong thực tiễn, mặc dù hệ thống doanh nghiệp nhà nước của ta hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục, song không thể chối bỏ những tiến bộ vượt bậc cùng với vai trò to lớn của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, biểu hiện cụ thể:

Thứ nhất: kinh tế nhà nước là lực lượng đầu tầu hướng dẫn, dẫn dắt và định hướng sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ hai, kinh tế nhà nước là điều kiện vật chất vững chắc để Nhà nước ta điều tiết vĩ mô, bảo đảm phát triển năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thứ ba, kinh tế nhà nước bảo đảm thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội.

Thứ tư, kinh tế nhà nước Có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc gia (phát triển kinh tế những vùng đặc biệt khó khăn).

Như vậy, giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là một trong những yếu tố quyết định để giữ vững định hướng chủ nghĩa xã hội công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

 

1 nhận xét: