Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

NHẬN THỨC VÀ HẠN CHẾ MỘT SỐ TIÊU CỰC CỦA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG MỚI HIỆN NAY

 

Cương Trực

Ngày nay, trong thời đại số, các phương tiện truyền thông mới ra đời nhanh chóng len lỏi tới từng ngõ ngách của cuộc sống, phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của các đối tượng độc giả khác nhau. Tuy nhiên bên mặt tích cực, truyền thông mới cũng đưa tới một số nguy cơ, nếu người dùng không có sự cẩn trọng cần thiết.

Thế giới đang ngày càng trở nên phẳng và gần gũi hơn với các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, sự gia tăng của các phương tiện truyền thông công dân như vậy lại làm tăng thêm nỗi lo ngại về tính chính xác, lành mạnh của các thông tin được cung cấp từ các phương thức truyền thông mới, đặc biệt là từ các trang cá nhân Facebook, Zalo.... Thiết nghĩ, truyền thông mới, bản thân nó là một khái niệm trung lập và không ngừng biến đổi. Vì thế, nó trở nên tốt hay xấu là phụ thuộc vào mục đích và cách thức của mỗi cá nhân sử dụng. Trên thực tế chúng ta đã được chứng kiến việc nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ra thiếu trách nhiệm khi cung cấp những thông tin sai sự thật, do họ không dành thời gian kiểm định tính chính xác của thông tin trước khi công bố. Bên cạnh thông tin sai sự thật là những thông tin, trò chơi thiếu lành mạnh, nhiều tính bạo lực, khiêu dâm... Chưa kể một số không nhỏ người sử dụng mạng xã hội nhằm cập nhật nhiều thông tin không khách quan, thậm chí mang đậm thiên kiến cá nhân. Những người sử dụng khác, nếu không có sự chọn lọc và cẩn trọng trước các thông tin kiểu như vậy, sẽ không tránh khỏi những cách nhìn sai lệch về nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Nghiêm trọng hơn, sự phát triển nở rộ và thịnh hành truyền thông mới nói chung và của mạng xã hội nói riêng vô hình trung có thể sẽ trở thành công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân người sử dụng, nhất là những người trẻ tuổi.

 Cần khẳng định rằng, việc phát triển truyền thông mới là cần thiết, nhưng song hành với phát triển phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng đối với người sử dụng để khai thác truyền thông mới một cách có hiệu quả và có lợi ích thiết thực lành mạnh. Vì thế, để tránh được những sai lệch khi sử dụng các loại hình truyền thông mới, vấn đề không chỉ ở bản lĩnh, trình độ của cá nhân người sử dụng mà một mặt còn nằm ở phía các nhà quản lý, ở chính sách và pháp luật nhà nước.

Cùng nhiều văn bản pháp luật khác, kể từ ngày 01/01/2019), Luật An ninh mạng bắt đầu chính thức có hiệu lực thi hành. Chúng ta có thể kỳ vọng, với hệ thống quy phạm pháp luật này, những người dùng các phương tiện truyền thông mới sẽ điều chỉnh tốt hành vi cá nhân, “thông minh hơn” trong vô số các thiết bị thông minh. Điều đó giúp họ tránh xã được những tác động tiêu cực từ truyền thông mới, nhất là từ các thông tin thiếu lành mạnh trên mạng xã hội và các trang cá nhân,... để truyền thông mới sẽ luôn luôn là một “kênh thông tin hữu hiệu” cho con người trong cuộc sống hiện đại.

1 nhận xét:

  1. Phải hạn chế đến thấp nhất các tiêu cực của truyền thông

    Trả lờiXóa